“Ký gió” Một thoáng Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“Ký gió” Một thoáng Việt Nam là ghi chép của nhà văn Trịnh Đình Nghi khi mấy năm trước ông ghé thăm khu du lịch chứa đựng ăm ắp những giá trị lịch sử, văn hóa thuần Việt có một không hai này.

Nhân chuyến ngao du phương Nam tất nhiên là trước khi Covid bùng phát, từ Sài Gòn, tôi alo cho gã văn nhân Văn Công Hùng.

- Đang đâu đấy, ngồi nhau tý nhể?

- Đang Củ Chi, ông đang Sài Gòn hở?

- Để thu xếp rồi tôi lên.

- Thôi khỏi, lão cứ ở đấy tôi xuống.

- Ồ, hơi xa đấy, phải hơn hai tiếng mới lên.

- Rồi, tôi xin tiếng rưỡi.

Nói là phi, nghĩ bụng: lão bận thì mình đi, xe cộ trong tay nhoằng phát gặp nhau, chuyện nhỏ như muỗi zãn. Đã coi nhau bạn bè thì sao phải xoắn.

Chuẩn tiếng rưỡi đến nơi.

- Alo, tới rồi nhá, đang cổng đây.

- Ồ, ông phi nhanh thế, chờ tý tôi ra.

Nắng vãi mỡ, bập hết hai bi thuốc mới thấy lão lọ mọ ra mở cổng.

- Lâu thế

- Úi giồi, rộng lắm ông ơi, tôi ở tít phía sau.

Bước qua cánh cổng sắt lắp đặt tạm thời. Ngay khu tiền môn là một không gian nghệ thuật, văn hoá được tạo hình hết sức ấn tượng. Nào là quả trứng nở ra người Việt, nào là cá chép hoá rồng, nào là hồ nước vòi phun...

“Ký gió” Một thoáng Việt Nam - 1

Khu du lịch rợp bóng cây xanh

Con đường trong khuôn viên, rợp bóng cây xanh. Chỗ thì bê tông, chỗ thì lát gạch.. Lão vừa đi vừa chém mù mịt về cái này cái kia, cái đã ngon lành, cái còn dang dở, cái thì còn ủ trong cái đầu tròn thần thánh của lão.

Trong vai trò phụ trách truyền thông và văn hoá của “Một thoáng Việt Nam” nên mọi ý tưởng, công trình, phương án bố cục, xây dựng, hoạt động... lão là người thông tỏ, tất tật.

Thực lòng, khi đi trên đường, mình nói với chú tài xế: làm khu du lịch bây giờ khó lắm. Chọn được vị trí rồi, phương án đầu tư rồi, phương án kinh doanh rồi... nhưng đầu tư không tới thì thành bãi thả bò ngay.

Đến nơi, nhìn cái cổng tạm, vật liệu, cát đá bừa bộn... lại nghĩ: không ăn thua rồi!

Nhưng càng đi vào sâu, càng nghe lão khoát tay như “anh chủ nhiệm” thì cái suy nghĩ ban đầu bay biến. Thay vào đó là một sự ngỡ ngàng và thán phục.

Từ vùng sình lầy đến điểm trải nghiệm hiếm có

MỘT THOÁNG VIỆT NAM được xây dựng trên một vùng sình lầy rộng 22 ha ở vùng thượng lưu sông Sài Gòn. Vị trí nơi này quả nhiên thần thánh bởi nó liền kề khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Từ đây, người ta có thể dừng chân nghỉ ngơi, trải nghiệm, thư giãn, tham quan, vui chơi, mua sắm... Một thoáng Việt Nam sẽ là một điểm đến, một lựa chọn lý tưởng trong hành trình trải nghiệm.

Người ta đã phải chở hơn một triệu m3 đất từ nơi khác đổ vào để làm mặt bằng. Với những ý tưởng táo bạo và bay bổng, người ta qui hoạch, thiết kế nên một công trình văn hoá, lịch sử, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khoa học, giáo dục... hết sức ấn tượng.Sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên và thú vị... cứ mỗi lúc lại nâng cấp theo bước chân và những nét khoát tay của “anh chủ nhiệm”.

Có lẽ đây là một điểm hội tụ văn hoá và trải nghiệm hiếm có của du lịch cả vùng Nam bộ. Từng khu vực được phân định một cách mạch lạc, riêng biệt nhưng lại được gắn kết chặt chẽ trong một tổng thể hài hoà, hợp lý và tiện lợi...

“Ký gió” Một thoáng Việt Nam - 2

Cổng chào khu du lịch Một thoáng Việt Nam

Người ta sẽ tìm thấy ở đây những hình ảnh, vật thể, giá trị của lịch sử, văn hoá của các vùng miền, các triều đại, các dân tộc... Một khu bảo tàng lịch sử, văn hoá được xây dựng qui mô và khoa học. Hai khu nhà trưng bày được thiết kế hai tầng tách biệt theo hình cánh vạc, ở giữa là hồ nước lưu thủy và khu vườn sinh cảnh, giữa khu vườn là mô hình tấm bản đồ Việt Nam hết sức độc đáo bằng bê tông cốt thép, trên mặt bản đồ được chia làm 64 khu vực tỉnh thành, hình ảnh đặc trưng của tỉnh nào tỉnh đó tự vào lắp đặt.

Người ta sẽ được thấy ở đây hình ảnh sinh động của cộng đồng làng xã xưa: làng Bắc Bộ, làng Nam Bộ, làng Huế... Ngoài những đình, những nhà đại diện cho các vùng Bắc, Trung, Nam còn có ngôi nhà rông Tây Nguyên được chính những người thợ Bahnar, Jrai xây dựng. Nhìn dáng dấp ngôi nhà và cây nêu tâm linh ta như thấy hiện lên vẻ đẹp hùng vì của cả vùng cao nguyên rộng lớn.

Gắn liền với làng quê, nhà cổ là không gian của một khu vực chợ quê với sự góp mặt của hàng hoá, sản vật các vùng miền hội tụ.

“Ký gió” Một thoáng Việt Nam - 3

Ngôi nhà rông Tây Nguyên

Khách đến đây cũng sẽ được lắng hồn, tịnh tâm trong những khu vực văn hoá tâm linh. Những ngôi chùa, những đền đài lăng tẩm... có nguồn gốc, có điển tích, có tín ngưỡng và cả tín dị. Cần nhấn thêm rằng, trong khuôn viên rộng lớn, có một dòng sông nhỏ uốn lượn quanh co khắp các khu vực, trải nghiệm, chiêm bái, nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi...

Giữa khuôn viên mênh mông này có một điểm không thể không tò mò khám phá. Đó chính là một hòn đảo nổi lên giữa bốn bề sông nước. Trên đảo là một khu rừng nguyên sinh, cây cối rậm rạp, muông thú trăm loài. Theo lời Văn “chủ nhiệm”, đã có nhiều nhà khoa học, thiên văn học, địa lý học, chiêm tinh học đến đây xem xét nghiên cứu và tất cả đều quả quyết, đây chính là “cái rốn của vũ trụ” nơi hội tụ năng lượng vũ trụ...

Văn còn cho biết: từ trước đến nay, chưa có bất kỳ một ai dám đi vào hòn đảo này, kể cả các nhà nghiên cứu, các thầy địa lý và các phượt thủ số má nhất. Người ta cho rằng đó là khu rừng thiêng, khu vực tâm linh bí hiểm nhất. Trên đảo có cả thú dữ, trăn lớn và rất nhiều loài muông thú.

“Ký gió” Một thoáng Việt Nam - 4

Hoa Mộc Cầm

Thật khó tin, khi được tận mắt chứng kiến ở đây một thảm thực vật phong phú, đa dạng. Có đến hơn 500 loài thực vật từ các vùng trên thế giới hội tụ ở đây. Người chủ nhân kỳ công đến nỗi bỏ ra hẳn một chuyến đi đến châu Phi hoặc Ấn Độ... chỉ để mang về một loại cây, một cái cây nhỏ đặc trưng. Chỉ tính riêng tre cũng đã có đến cả trăm loại có mặt ở đây.

Tuyệt vời nhất là người ta đã tạo dựng nên một thảm thực vật phong phú, đa dạng không khác gì một khu vườn, một khu bảo tồn nguồn gien thực vật, một thảo cầm viên được đan cài xen nhau giữa những cái bàn tay con người tạo ra và những thảm thực vật hoàn toàn tự nhiên hoang dã. Càng thú vị hơn khi tất cả những con đường, những lối đi trong khuôn viên đều đi dưới những tán cây xanh mát, một cảm giác bình yên, một bầu không khí trong lành, một không gian trong trẻo vô ngần.

Nơi hội tụ những giá trị lịch sử, văn hoá thuần Việt nhất

Sự khác biệt của “Một thoáng Việt Nam” so với tất cả các khu du lịch nghỉ dưỡng khác chính là tự nhiên và văn hoá. Đến đây người ta sẽ không tìm thấy sự lung linh lóng lánh, không có những công trình kỳ vĩ của công nghiệp giải trí văn minh hiện đại. Không có bóng dáng của cuộc sống xô bồ hối hả, của những thú vui cảm giác mạnh...

“Ký gió” Một thoáng Việt Nam - 5

Một thoáng Việt Nam - là một không gian xanh, một môi trường sống trong lành hiền hoà êm đềm và thư giãn. Một không gian được chứa đựng ăm ắp những giá trị lịch sử, văn hoá thuần Việt nhất.

Người ta có thể sẽ vỡ oà, có thể sẽ lặng đi... khi bắt gặp một hình ảnh quê làng mà bấy lâu chỉ có trong tưởng tượng. Người ta có thể sẽ hình dung được cuộc sống, sinh hoạt, lao động... của con người từ khắp các vùng đất, các tộc người từ trăm năm, ngàn năm trước được biểu hiện, được nhìn thấy, sờ thấy qua các vật thể được sưu tầm, gìn giữ, trưng bày và tái tạo, vô cùng nhiều, vô cùng phong phú. Văn hoá, phải, chỉ có văn hoá mới hình thành nên cốt cách của một dân tộc, văn hoá còn thì dân tộc còn.

“Ký gió” Một thoáng Việt Nam - 6

Người ta cũng sẽ tìm thấy ở đây vô vàn những hình ảnh, di sản, dấu tích của lịch sử. Từ những chiếc cọc gỗ Bạch Đằng đến những thanh gươm mở cõi... Những hiện vật lịch sử được trưng bày và giới thiệu ở đây sẽ làm cho bất kỳ ai đến đây trải nghiệm và chiêm ngưỡng cũng phải rưng rưng cảm xúc về một dân tộc đã trải qua những trang sử bi thương, những nổi chìm dâu bể.

Một thoáng Việt Nam còn là nơi để thưởng thức văn hoá ẩm thực, hương vị trăm miền. Với ý tưởng và tôn chỉ kinh doanh là tạo dựng một phương thức kinh doanh thân thiện, cởi mở và tự do để tất cả những người đến đây thực sự được trải nghiệm và thoải mái nhất.

Người đến đây trải nghiệm có thể mua một cần câu, tấm lưới xuống sông bắt cá, có thể trèo cây hái quả, đốt lửa hoặc rượu cần cồng chiêng....

“Ký gió” Một thoáng Việt Nam - 7

Người ta sẽ được ngủ trong những ngôi nhà dưới vòm xanh lá để sớm mai ngắm thú chạy sau nhà, nghe chim hót dưới mái hiên. Người ta có thể ngắm bình minh đón một ngày mới thư thái với ấm trà hoặc ly cà phê ở một không gian lơ lửng trên cây và thả hồn theo những đàn cá tung tăng phía dưới.

Có đấy, “Một thoáng Việt Nam” có một quán cà phê tổ chim lơ lửng giữa trời hình thù kỳ dị và thú vị vô cùng.

“Ký gió” Một thoáng Việt Nam - 8

Tiếp tục theo chân lão nhà thơ Văn Công Hùng, đi qua những đoạn đường lát gạch nghiêng của khu làng Bắc Bộ, tôi bỗng thấy chững lại, muốn nấn ná, dùng dằng... ôi quê tôi!

Hình ảnh bờ rào râm bụt cắt bằng, hình ảnh con ngõ lát gạch nghiêng, như bóng dáng làng tôi, thuở nhỏ vẫn nghe kể ngày xưa hương ước của làng qui định, gái lấy chồng, giai lấy vợ hay người đỗ đạt... phải góp cho làng, cho xóm mấy trăm viên gạch để lát ngõ xóm đường làng.

Cứ như thế dần dần mà thành những con ngõ lát gạch nghiêng tồn tại đến bây giờ. Dù xi măng sắt thép đã thay thế rất nhiều, nhưng những con ngõ lát gạch nghiêng vẫn bền vẫn đẹp và mang được hồn cốt làng quê.

“Ký gió” Một thoáng Việt Nam - 9

Càng đi tôi càng thấy cái tên “Một thoáng Việt Nam” mà người ta đặt cho khu nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hoá này là một khái quát cực kỳ chuẩn xác.

Có những khu vực, người ta cố tình để cho lạch nước, cây cối như dừa nước, tràm, đước... sinh trưởng tự nhiên, mang nguyên vẹn cái tự nhiên sình lầy của bưng biền Nam bộ. Tôi nói với lão Văn Công Hùng: sao không quây khu sình lầy này để nuôi cá sấu, vừa là để tham quan vừa để kinh doanh thực phẩm? Lão khoát tay: rồi, có rồi, sẽ có hết, ông cứ đợi đấy. Tin mà, ai chứ, lão Văn này thì lắm ý tưởng lắm, nhất là về văn hoá.

"Một thoáng Việt Nam" có khu tâm linh không? Có đấy, nhưng ở đây người ta hướng tâm linh đến văn hoá, tín ngưỡng, đến lòng tự tôn tự trọng trong hồn cốt mỗi con người, chứ không thiết lập nên những lễ nghi mang màu sắc dị đoan, mị tín.

Khu vực tâm linh là một không gian để tịnh tâm, thư giãn khi đã đi qua một vòng “tục lụy”. Rất lạ là, tất cả các khu vực trong khuôn viên “Một thoáng Việt Nam” đều rợp bóng cây xanh và long lanh sông nước.

“Ký gió” Một thoáng Việt Nam - 10

Tác giả - Nhà văn Trịnh Đình Nghi chụp ảnh cùng nhà thơ Văn Công Hùng

Riêng khu tâm linh lại bừng sáng phong quang, cảm giác thanh minh thư thái, hồn mênh mang như trời đất giao hoà, dù người ta không cố tình tạo ra như thế, mà chỉ là một sự lựa chọn ngẫu nhiên. Có một điều gì đó thật huyền diệu khó lý giải.

Tâm huyết cuộc đời của bà chủ Một thoáng Việt Nam

Trong khuôn khổ một bài viết thì rất khó để nói hết, kể hết những gì mà người ta đã tạo dựng, đã mang về, đã gìn giữ ở “Một thoáng Việt Nam”.

Tôi cực kỳ hứng khởi và thú vị với cái xởi lởi, tận tình và hiếu khách của lão Văn Công Hùng, thú vị đến nghi ngờ. Chỉ có cực kỳ tâm huyết hoặc là người chủ, mới có thể như thế.

- Nài, ông có góp vốn vào đây không đấy?

- Không, tôi làm gì có tiền.

- Thế thì chắc lương và thù lao cao lắm.

- Không, lương thì qui định như bình thường mọi người làm đây thôi. Nói thật với ông, tôi làm và đam mê ở đây thứ nhất là tôi được tự do thoải mái để thực hiện những ý tưởng của mình, được góp cái vốn văn hoá, lịch sử mà cuộc đời mình thu nhận được, trải nghiệm được, coi như mình đóng góp cho cộng đồng, cho mai sau.

Điều thứ hai mà tôi tâm huyết là vì bà chủ. Một bà già năm nay đã 78 tuổi rồi. Cái ngưỡng bát thập người ta an vui tuổi già chứ mấy ai còn nghĩ đến lao động, đến cống hiến. Bà chủ đây là một con người cống hiến thật sự, tâm huyết thật sự. Nếu bà ấy muốn bà ấy có thể bán béng khu này lấy mấy chục triệu đô la, an nghỉ dưỡng già thì quá đơn giản.

“Ký gió” Một thoáng Việt Nam - 11

Bà Trần Tuyết Nga dành tâm huyết cả đời để làm nên Một thoáng Việt Nam

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên. Lão chỉ tôi leo lên cái tiệm cà phê tổ chim vắt vẻo trên cây. Câu chuyện về bà chủ “Một thoáng Việt Nam” được vắn tắt, chậm rãi:

Bà chủ đây là người trong một gia đình mà như lão nhà văn Sương Nguyệt Minh gọi là “Gia đình bất khuất”. Bà là đã từng là phóng viên chiến trường, từng là thư ký cho một lãnh đạo cao cấp, thuở bom đạn bời bời. Mẹ bà là liệt sĩ, tên của mẹ bà đã được đặt tên cho một con đường rất dài và một ngôi trường ở TP.HCM.

Em gái từng bị chính quyền VNCH bắt giam, tù đày. Chị gái là bà Trần Tố Nga, 80 tuổi, đã chục năm nay một mình ăn nằm tại Paris để theo kiện 26 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất Dioxin bán cho quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam khiến gần 4 triệu người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam.

Thời bình, bà quay lại chiến trường xưa - nơi đầm lầy, đồng hoang, hố bom lỗ chỗ, mìn đạn ẩn khuất có thể gây chết chóc bất cứ lúc nào, để làm sạch đất, khai hoang phục hóa, san lấp. 20 năm làm nên cơ ngơi “Một thoáng Việt Nam” này.

Không chỉ đầu tư, xây dựng nên “Một thoáng Việt Nam”, mà trước đây bà đã xây tặng cho Củ Chi này một ngôi trường phổ thông đấy.

Bà ấy đầu tư và tâm huyết thế thì để cho ai? Con cái ư? Chúng nó đâu cần. Để cho ai, cho người nào, cơ quan tổ chức nào?

Tôi nghĩ, bà ấy không để cho ai, mà là để cho cộng đồng, cho tất cả.

Vậy thì tại sao tôi lại không nhiệt tình, không tâm huyết khi mà mình có thể. Tôi không phải là người làm chỉ để lấy lương, lấy tiền. Nếu vì tiền thì tôi có nhiều việc để kiếm tiền lắm. Nhưng tôi làm đây là thấy mình đang được cống hiến những gì mình có. Những cái tôi có thể cống hiến vào đây chỉ là tình cảm, là sự tâm huyết, là những ý tưởng, những hiểu biết về văn hoá, lịch sử, con người... đem góp vào đây.Và như thế, tôi cũng có được niềm vui có ích cho mình, cho mọi người.

....

Tiễn tôi ra cổng, thoáng thấy một bà cụ đội ô đi trong nắng xem xét tốp thợ đang làm. Lão chỉ tay thầm thì: bà Trần Tuyết Nga đấy, bà chủ đấy.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài: Trịnh Đình Nghi, ảnh: Văn Công Hùng

CLIP HOT