Kinh đô du lịch mạo hiểm chú trọng bảo tồn di sản
Cùng với việc sáng tạo thêm các sản phẩm du lịch mới, Phong Nha-Kẻ Bàng luôn chú trọng đến công tác bảo tồn di sản nhằm đạt mục tiêu từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2050 trở thành khu du lịch quốc gia, kinh đô du lịch mạo hiểm của châu Á.
Những con số ấn tượng
Ông Phạm Hồng Thái, giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), cho biết Phong Nha-Kẻ Bàng (PNKB) hiện có các sản phẩm du lịch đặc thù: thám hiểm hang động, sinh thái, bảo tồn thiên nhiên, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, di tích lịch sử và văn hóa, nghiên cứu đa dạng sinh học và địa chất địa mạo...
Năm 2023, PNKB đón 662.000 lượt khách, trong đó hơn 83.000 lượt khách quốc tế, doanh thu hơn 270 tỷ đồng. Thành công này đã giúp PNKB thu hút các nguồn lực đầu tư của xã hội, của các tập đoàn lớn vào các dự án phát triển sản phẩm du lịch mới, có chất lượng cao mang tầm khu vực và quốc tế.
Du khách ngồi thuyền khám phá động Phong Nha.
Thế mạnh của PNKB ít nơi khác có được là hang động, với 425 hang động được phát hiện, trong đó hơn 50 hang đã đưa vào khai thác du lịch, 9 hang động có tiềm năng du lịch đã được khảo sát chi tiết, hơn 40 hang động có khả năng khai thác.
Nổi bật là động Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường, Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới, hang Va, hang Tối… Ngoài hệ thống hang động kỳ vỹ, PNKB còn nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên như rừng nguyên sinh, thung lũng, sông ngầm, thác nước, sông suối...
Nơi đây còn có hệ sinh học đã dạng mang tính toàn cầu với 2.953 thực vật (trong đó 121 loài được ghi trong Sách đỏ thế giới), hệ động vật 1.394 loài (trong đó 110 loài được ghi trong Sách đỏ thế giới). Quần thể bách xanh núi đá được ghi nhận lớn nhất Việt Nam, phân bố trên đỉnh núi đá vôi với diện tích trên 5.000ha, có tuổi từ 500 đến 600 năm.
Vẻ đẹp kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng.
PNKB còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử văn hoá trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, như đường 20 Quyết Thắng, phà Xuân Sơn, bến phà Nguyễn Văn Trỗi, hang 8 Thanh niên xung phong, sân bay Khe Gát, cung đường trọng điểm ATP, ngầm Trạ Ang...
Đây cũng là địa bàn sinh sống của hai dân tộc thiểu số Chứt (người Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng) và Bru-Vân Kiều (người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì) với kho tàng văn hóa đặc sắc, đặc biệt, Arem và Rục là hai trong số các tộc người có dân số ít nhất ở Việt Nam và vẫn giữ được các phong tục cổ xưa.
Hiện, các tour tham quan động Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường…; khám phá thiên nhiên rào Thương - hang Én; khám phá Hang Va - Nước Nứt, Đại Ả - hang Over - hang Pigmy… đều hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, sản phẩm đẳng cấp quốc tế là "Chinh phục Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới", từ năm 2013 được du khách quốc tế vô cùng yêu thích.
Năm 2015, Sơn Đoòng được truyền hình ABC (Mỹ) lựa chọn làm chương trình trực tiếp "Good Morning quay chính America". Năm 2019, Sơn Đoòng là địa điểm MV Alone PtII của Alan Walker, đã đạt hàng trăm triệu lượt xem trên toàn cầu. Năm 2022, Sơn Đoòng được giới thiệu trên trang chủ Google tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ với quy mô tiếp cận hơn 500 triệu lượt người.
Hệ sinh thái bên trong hang Sơn Đoòng.
PNKB cũng được vinh danh trong "Top 10 điểm đến nên ghé thăm tại Việt Nam", lọt top những di sản ấn tượng nhất Đông Nam Á do các tạp chí du lịch danh tiếng Lonely Planet (Mỹ), Wanderlust (Anh) bình chọn. PNKB cũng nằm trong Top 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam 2023 do du khách trên toàn thế giới bình chọn tại giải thưởng thường niên Traveller Review Award của Booking.com.
Chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo vệ di sản
Ông Phạm Hồng Thái cho biết, trong thời gian qua, hoạt động du lịch ở PNKB được Vườn tổ chức hiệu quả, góp phần phát triển du lịch Quảng Bình. Các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm tại Vườn đã trở thành thương hiệu của du lịch tỉnh, góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch, thu hút du khách.
Chất lượng, dịch vụ và cơ sở hạ tầng du lịch PNKB được chú trọng đầu tư. Nguồn nhân lực du lịch cơ bản đáp ứng nhu cầu, sự hài lòng của du khách. Vườn chú trọng phát triển du lịch gắn với bảo vệ di sản. Vườn thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú về các giá trị tài nguyên du lịch nổi bật, vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội để mỗi người dân là một hướng dẫn viên/đại sứ du lịch, chung tay, đồng hành cùng Vườn phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị di sản.
Chất lượng, dịch vụ và cơ sở hạ tầng du lịch PNKB liên tục được chú trọng đầu tư nhằm mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.
Ông Phạm Hồng Thái nhấn mạnh: "Hơn 20 năm trước, PNKB mới chỉ là cái tên mờ nhạt trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Từ ngày được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, các hoạt động du lịch, dịch vụ trở nên sôi động, cuộc sống người dân vùng di sản bước sang trang mới. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản để có sự bền vững là phương châm xuyên suốt của Vườn. Vườn luôn yêu cầu các đơn vị khai thác du lịch bảo tồn tài nguyên. Ngoài mở thêm các sản phẩm mới, điều quan trọng là phát triển tuyến điểm mới phải theo lộ trình và trên cơ sở sức chứa môi trường rừng. Với các tour mạo hiểm yếu tố bảo tồn, bảo vệ môi trường và có sự tham gia của cộng đồng cũng là vấn đề cao nhất. Các hoạt động trong tour đều phải được bảo đảm không tác động đến môi trường, hệ sinh thái rừng".
Từ việc tham gia làm du lịch, người dân địa phương đã có ý thức bảo vệ tài nguyên rừng, trân trọng di sản cũng chính là trân trọng sinh kế bền vững của chính mình. Nhiều làng quê ở Phong Nha, Cự Nẫm và các vùng phụ cận đã đổi thay bộ mặt nhờ vào các hoạt động du lịch. Thay vì khai thác rừng vô tội vạ trước đây, nay người dân đang xây dựng nên một cộng đồng làm du lịch, từ chèo thuyền đưa khách, chụp ảnh, porter, hướng dẫn viên hoặc tự mở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch...
"Phát triển du lịch và để người dân tham gia mạnh mẽ là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di sản, giảm áp lực lên rừng. Trong đó, việc sử dụng lao động địa phương là kế sách đầu tiên mà Vườn hướng đến", ông Thái nhấn mạnh.
(Bài viết có sử dụng một vài ảnh minh họa từ nguồn tư liệu ảnh của Oxalis và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.)