Thơm ngát mùa hoa cà phê trên đất Tây Nguyên
Những bông hoa cà phê bung nở trắng muốt khắp các sườn đồi, nương rẫy của vùng đất Tây Nguyên tạo nên khung cảnh nên thơ, lãng mạn khiến du khách phải rạo rực trước vẻ đẹp trắng tinh khôi này.
Sau vụ thu hoạch quả, người dân ở các tỉnh Tây Nguyên bắt đầu chăm sóc cây cà phê bằng cách tỉa chồi, cắt cành, tạo tán cho cây cà phê.
Tiếp đó, tưới nước cho cà phê để phục hồi cây sau mùa vụ, khi nước thấm dần xuống đất là lúc hoa cà phê khẽ bung nở rồi tỏa sắc bát ngát khắp các nương rẫy.
Du khách tìm đến chụp ảnh với hoa cà phê năm 2025.
Cả đất trời cao nguyên đất đỏ bazan được khoác lên mình chiếc áo trắng tinh khôi, hương thơm dịu dàng, quyến rũ thu hút những bầy ong đi lấy mật.
Mùa hoa cà phê thường kéo dài từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch, nở thành nhiều đợt. Mỗi đợt kéo dài từ 7 - 10 ngày. Đây cũng là mùa đẹp nhất của Tây Nguyên.
Hoa cà phê thơm dịu dàng khiến nhiều người lưu luyến.
Loài hoa này mọc thành chùm dọc cành, cánh hoa mỏng, nở tròn xoe, nổi bật với nhị trắng đan xen, mùi hương thơm dịu nhẹ khiến du khách tìm đến chụp ảnh không khỏi lưu luyến, nhớ nhung.
Hoa cà phê trắng tinh khôi.
Người Tây Nguyên thường ưu ái gọi mùa hoa cà phê là miền thương nhớ, bởi mỗi lần hoa cà phê bung nở như một sự nhắc nhớ về tình yêu đối với con người, mảnh đất quê hương của những người xa quê.
Các cô gái trong bộ trang phục dân tộc truyền thông tạo dáng chụp hình bên hoa cà phê.
Năm nay, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới” được diễn ra từ ngày 9/3 đến ngày 13/3/2025 tại TP Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh Đắk Lắk.
Mùa con ong đi lấy mật.
Bát ngát hoa cà phê trên mảnh đất Tây Nguyên.
Lễ hội là sự kiện quan trọng, góp phần quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, xây dựng hình ảnh thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê của thế giới”; góp phần nâng cao vị thế ngành cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đại sứ Truyền thông của Lễ hội năm nay là Hoa hậu H’Hen Niê và Hoa hậu Đinh Thị Hoa (Ảnh: T.H).
Đồng thời cũng nhằm tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê; giới thiệu tiềm năng du lịch, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực cà phê và các sản phẩm nông nghiệp; quảng bá văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.