Dù thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nhưng Hà Nam vẫn có một số ngọn núi và hang động rất đẹp, trong đó có Ngũ động Thi Sơn ở thôn Quyển Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng).
Dù thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nhưng Hà Nam vẫn có một số ngọn núi và hang động rất đẹp, trong đó có Ngũ động Thi Sơn ở thôn Quyển Sơn (xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng).
Dòng sông Đáy thơ mộng uốn lượn quanh núi Cấm. Sở dĩ ngọn núi có tên núi Cấm vì núi rất linh thiêng, không ai dám tự ý chặt cây, bứt cành trên núi. Ngoài ra, người dân cho biết, ngày xưa trên núi có loại cỏ thi chữa được một số bệnh nên còn gọi là núi thi hay Thi Sơn và sau này đã trở thành tên của xã.
Khu du lịch đền Trúc – Ngũ động Thi Sơn được công nhận là di tích lịch sử thắng cảnh cấp quốc gia năm 1994. Hiện thu hút khá nhiều khách du lịch đến tham quan, khám phá hang động.
Lối vào tham quan Ngũ động Thi Sơn. Tên ngũ động (tức 5 động) xuất phát từ thực địa có 5 động liên hoàn nhau trong lòng núi Cấm. Lối vào động nằm ngay cạnh chân núi và hướng ra phía bờ sông.
Ban thờ nằm ngay động số 1, có kỳ lân và đại bàng đá chầu hai bên. Đây là khu vực vẫn có nhiều ánh sáng tự nhiên chiếu vào và khá cao, du khách có thể đứng thoải mái.
Hang động có những đoạn rất hẹp, dài và chỉ cao khoảng chừng 1 mét và vừa một người đi. Con đường động này rất đẹp với nhiều thạch nhũ rủ xuống, tuy nhiên du khách cần chú ý nhũ đá phía trên nếu không dễ bị va đầu vào thạch nhũ. Độ dài của toàn hang động khoảng 300 mét.
Khu trung tâm động khá rộng và có những nhũ đá tuyệt đẹp với nhiều hình thù khác nhau, màu sắc cũng rất đa dạng từ đỏ, nâu đến hơi ngà vàng. Trên đoạn đường động dẫn vào hang, có những nhũ đá chồi từ vách động, một số nhũ đá rủ từ trên trần xuống như những bông hoa hồng hay con hến há miệng.
Những nhũ đá nhỏ nước róc rách quanh năm được người dân ví von như mái tóc của nàng tiên. Vậy nên nền hang cũng khá trơn trượt, du khách cần lưu ý.
Mặc dù đã có hệ thống đèn nhưng du khách vẫn nên mang thêm đèn vào hang để có thể chiêm ngưỡng được rõ nét vẻ đẹp của hang động.
Nhũ đá hình con voi kèm theo những hạt cát liti, lấp lánh rất hấp dẫn. Bên cạnh đó, một số nhũ đá hay như hình như con trai con hến, lá cờ, con rùa, đôi voi chiến của Hai Bà Trưng, con trâu của vua Đinh Bộ Lĩnh...Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Ngũ động Thi Sơn là căn cứ cách mạng của ta ẩn náu và cất giữ vũ khí.
Đường bậc thang lên đỉnh núi Cấm. Du khách phải leo những đoạn dốc cao.
Một trạm nghỉ chân trên đường đi
Sông Đáy nhìn từ núi Cấm.
Những dãy núi đá vôi trùng điệp quan sát từ đỉnh núi Cấm. Đứng trên đỉnh núi có thể quan sát được toàn cảnh sông Đáy cũng như các khu dân cư xung quanh, đây là một trải nghiệm không thể bỏ qua với những ai ghé thăm núi Cấm.
Hiện tại, quanh đền Trúc vẫn còn rất nhiều khóm trúc đẹp, tươi tốt, thẳng tắp và rủ từ hai bên đường vào, tạo nên một những mái vòm rất nên thơ.
Đền Trúc cổ kính hướng ra sông Đáy. Theo tư liệu của địa phương, năm 1069, khi thái úy Lý Thường Kiệt hành quân qua Thi Sơn xuất hiện một trận cuồng phong, cuốn bay lá cờ lên đỉnh núi Cấm. Ngài bỗng thấy có điềm lạ và ngài cho dừng chân, hạ trại, cho quân làm lễ tế trời, cầu mong đánh thắng quân Chiêm Thành. Sau khi ngài đánh thắng quân Chiêm Thành, nhớ lời thề xưa, ngài quay trở lại Thi Sơn, hạ trại và làm lễ khao quân. Ông tuyển chọn nam thanh nữ tú và dạy cho điệu hát dặm. Hội chính được mở vào ngày 1 – 10/2 , giỗ chính vào ngày 6/2 âm lịch.
Những khóm trúc xanh ngát không chỉ tạo nên một không gian trong lành, trữ tình bên dòng sông Đáy mà còn tạo nên tên của ngôi đền thiêng gần nghìn năm tuổi nơi đây.
Khu di tích thắng cảnh Đền Trúc – Ngũ động Thi Sơn chỉ nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 50km về hướng tây nam, rất phù hợp cho chuyến đi khám phá trong ngày. Du khách có thể ghé qua các điểm du lịch khác gần đó như Bát Cảnh Sơn, chùa Bà Đanh.... Vé vào tham quan khu du lịch đền Trúc Ngũ động Thi Sơn chỉ 10.000 đồng, vé gửi xe 2.000 đồng. Du khách đi từ Hà Nội có thể đi theo quốc lộ 1A về phía nam, qua các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Duy Tiên, tới khu công nghiệp Đồng Văn thì rẽ tay phải khoảng 20km ra hỏi dân địa phương. Hoặc đi theo quốc lộ 21B từ quận Hà Đông, rồi men theo đê sông Đáy qua huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Kim Bảng đến địa phận xã Thi Sơn và hỏi thăm về khu du lịch đền Trúc – Ngũ động Thi Sơn thì bất kỳ người dân nào cũng biết và nhiệt tình chỉ dẫn. |