Khám phá Cao Bằng: Ngất ngây núi Thủng "độc nhất vô nhị"
Công viên địa chất non nước Cao Bằng, mảnh đất nơi biên cương của Tổ quốc đẹp như một bức tranh với núi Thủng "độc nhất vô nhị" khiến người ta mê đắm, dòng Quây Sơn và thác Nà Pheo níu giữ chân người...
Bức tranh sơn thủy (đã được UNESCO công nhận ngày 12/4/2018) là tập hợp hàng nghìn tiểu cảnh mang những nét đẹp riêng quyến rũ, ấn tượng. Tôi đã lang thang qua nhiều vùng đất ở Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh… để thưởng núi, ngắm sông, mãi không thấy chán.
Núi Thủng "độc nhất vô nhị"
Tôi tới thành phố Cao Bằng vào buổi chiều xuân lành lạnh. Ngủ lại một đêm trên căn gác nhà nghỉ trông ra dòng sông Bằng hiền hòa. Qua chiếc cầu Bằng Giang, tạm biện thành phố xinh đẹp, tôi nhằm hướng Quốc lộ 3 để thẳng tiến về phía Bắc.
Sau quãng đường gần 20km thênh thang, tôi đến bên dưới chân đèo mang Mã Phục. Đèo Mã Phục trên Quốc lộ 3 dài gần 4km ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển. Từ chân lên đến đỉnh, chiếc xe của tôi phải bò qua 7 khúc cua tay áo.
Xóm Bản Danh - nơi có Núi Thủng
Đèo Mã Phục như trường thành án ngữ cung đường độc đạo lên các huyện miền núi: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang. Trên đỉnh đèo có hẳn một khu chợ họp vào buổi sáng các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch mỗi tháng. Trong các chợ phiên, bà con đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng… sẽ mang nông sản, vải vóc, nhu yếu phẩm… tới để mua bán, trao đổi.
Theo mấy lời kể hấp dẫn của người bán quán trên đỉnh đèo Mã Phục, tôi quyết định rẽ vào tỉnh lộ 205 để thăm thú Núi Thủng (tên theo tiếng Tày là Phja Piót) cùng Hồ Nậm Trá. Nằm tại xóm Bản Danh, xã Quốc Toản, Trà Lĩnh, Núi Thủng (người địa phương gọi là Mắt Thần Núi) là một kiệt tác được tạo nên trong quá trình kiến tạo địa chất diễn ra hàng chục triệu năm trước. Đứng bên lòng hồ Nậm Trá xanh biếc, tôi ngỡ ngàng, sững sờ khi lần đầu tiên nhìn thấy một khối núi đặc biệt đến thế.
Núi Thủng bên hồ Nậm Trá
Núi Thủng cao khoảng 100m so với mặt hồ, như một khối hình tháp xanh khổng lồ nằm độc lập giữa lòng thung lũng. Giữa lưng chừng là lỗ thủng cực lớn xuyên qua lòng núi, với đường kính chỗ rộng nhất lên tới khoảng 35m. Đây có thể xem như một nét độc đáo, cực kỳ hiếm trong hệ thống núi đá vôi tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
Dưới chân núi là một vùng thung lũng rộng lớn cũng đặc biệt không kém. Mùa khô từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau (âm lịch), toàn bộ thung lũng là một thảm cỏ xanh biếc, nơi những đàn trâu ngựa nhởn nhơ gặm cỏ, còn mọi người có thể cắm trại, đi picnic bằng xe đạp… Đến mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8, nơi đây biến thành hồ nước trong xanh rộng đến 15ha.
Hiện đang vào mùa mưa, hồ Nậm Trá trong xanh hiện ra trước mắt lữ khách, soi bóng núi, bóng mây. Một vài chiếc thuyền tre, nứa của ngư dân đang lặng lẽ trôi trên hồ thả lưới đánh cá.
Mê đắm thác Nà Pheo, sông Quây Sơn
Từ thị trấn Quảng Uyên trên tỉnh lộ 207, tôi đi theo chỉ dẫn của người dân bên đường đến xã Độc Lập để tới thác Nà Pheo. Thác Nà Pheo được hình thành từ dòng chảy trên khe đá lưng chừng núi đổ xuống tạo thành nhiều tầng nước. Mỗi một tầng nước đổ, dòng thác lại tạo thành một vũng nước trong vắt, có thể nhìn thấy tận đáy.
Những bụi rêu, cỏ xanh biếc trên gò đất, gò núi xen lẫn với các dòng thác trắng xóa tạo ra một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp. Vũng nước chỗ sâu chỉ ngập đến bụng, nên vô cùng lý tưởng để mọi người ngâm mình thư giãn, chẳng khác nào những bồn spa thiên nhiên tuyệt vời.
Giữa các tầng nước ở đây còn có những vòm hang khiến người người hiếu kỳ, phải mò vào để tận hưởng cảm giác mát mẻ và nhìn ra dòng nước đang đổ xuống không ngừng.
Ngư dân đi thuyền thả lưới đánh cá trên hồ
Những vũng nước trong xanh được tạo từ dòng thác
Tới Đàm Thủy (H.Trùng Khánh), tôi ngược lên phía thượng nguồn sông Quây Sơn ở xã Ngọc Côn. Lang thang theo chiều dài 49km của dòng sông Quây Sơn chảy trên đất Việt, tôi được trải nghiệm và khám phá ra nhiều vẻ đẹp bất tận.
Ở xã Phong Nậm, nhánh thứ hai của sông Quây Sơn chảy hiền hòa uốn mình qua vùng bằng phẳng với những thửa ruộng xanh tốt, xa xa là núi non trùng điệp. Ngoài việc tạo vẻ đẹp cho bức tranh phong cảnh, sông còn cung cấp nước tưới cho cánh đồng lúa phì nhiêu đôi bờ.
Thác Nà Pheo mượt mà tuôn chảy
Một vẻ đẹp rất riêng của Quây Sơn là đôi bờ có rất nhiều khóm tre, vầu. Xuôi dòng từ xã Ngọc Côn, Phong Nậm, Ngọc Khê, Đình Phong, Chí Viễn (H.Trùng Khánh), đâu đâu chúng tôi cũng thấy những khóm tre, vầu xanh tươi. Tre, vầu mọc tự nhiên ở bờ Quây Sơn từ bao đời trở thành hàng lũy vững chắc chống xói mòn.
Những bức ảnh về sông, thác, núi nơi đây xứng đáng để chúng ta làm mẫu tranh sơn thủy hữu tình treo trang trí.
Cảnh đẹp mê hồn bên dòng Quây Sơn
Vẻ đẹp thượng nguồn sông Quây Sơn ở xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh
Với tour du lịch trải nghiệm bằng các hoạt động thể thao, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên và khám phá những...