Đông đảo sĩ tử kéo đến một điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội
Sát ngày thi tốt nghiệp THPT 2024, Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở nên đông đúc bởi các sĩ tử đến thắp hương, cầu mong có thể vượt qua kỳ thi một cách tốt nhất.
Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng, các học sinh khối 12 của một trường THPT đã có buổi lễ dâng hương và trải nghiệm giáo dục tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là trung tâm giáo dục Nho học lớn nhất nước ta thời quân chủ, nơi đã đào tạo nên hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước.
Những ngày qua, nhiều thí sinh và người thân đến thắp hương trước bàn thờ "Vạn thế sư biểu" Chu Văn An. Nhiều bậc phụ huynh còn mang theo giấy ghi tên tuổi con mình, tên đại học muốn thi đỗ, thứ tự các nguyện vọng để dâng lễ, cầu một kỳ thi suôn sẻ. Đặc biệt, những đồ dùng được sử dụng trong phòng thi như máy tính casio, bút, tẩy, thước kẻ, Atlat, thẻ học sinh… cũng được sĩ tử đặt vào mâm lễ cầu may.
Vào mỗi mùa thi, nhiều sĩ tử còn mong muốn được xin chữ thầy đồ, mong cho mình và gia đình đạt được nhiều thành công trong học hành và sự nghiệp.
Tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi tôn vinh những giá trị của tinh hoa đạo học, ngày nay, khi đến tham quan di tích, du khách vẫn tìm thấy những hiện vật mang ý nghĩa biểu tượng gắn với ngôi trường quốc học đầu tiên như là: nghiên mực và bút lông bằng đá.
Bốn nghiên mực đá trước đây được đặt tại nền cũ của Quốc Tử Giám xưa, sau được chuyển sang lưu giữ tại khu vực điện Đại Thành, một trong bốn nghiên mực được trưng bày tại không gian trưng bày “Quốc Tử Giám – trường quốc học đầu tiên”.
Hiện vẫn chưa tìm thấy tài liệu cho biết bốn nghiên mực được làm từ khi nào. Tuy nhiên, trên bốn nghiên mực đều có hàng chữ “Thái Học đường nghiên” (Nghiên mực nhà Thái Học), đây là thông tin quan trọng phần nào cho biết niên đại của bốn nghiên mực. Thái Học là tên gọi trường Quốc Tử Giám được đặt dưới triều Lê (thế kỷ 15-18). Tương truyền, trước đây vào những buổi bình văn tại nhà Thái Học, học trò đến đây dự nghe tranh nhau mài mực trên những nghiên mực đá này để ghi chép.
Một trong bốn nghiên mực được đặt tại không gian trưng bày “Quốc Tử Giám – trường quốc học đầu tiên”.
Nghiên mực và bút lông là hai trong số những đồ dùng học tập không thể thiếu của học trò xưa. Trước nhà Bái Đường có hai cây bút lông đá được làm vào mùa xuân năm Canh Thìn (1760). Theo dòng chữ khắc trên bút lông đá bên tây nhà Bái Đường có ghi : “Phụng mệnh kính lập” (Vâng mệnh dựng) và bút lông đá bên đông :“ Canh Thìn quý xuân ” (Mùa xuân tháng ba năm Canh Thìn).
Thông tin tham quan di tích có in thêm cả thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 để hỗ trợ thí sinh.
Hoa muồng Hoàng Yến nở rực rỡ trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám như chào đón các sĩ tử và chúc nhiều may mắn trong kỳ thi sắp đến. Từng chùm hoa vàng lung linh, xen lẫn màu xanh non của lá trải dài trên mái ngói rêu phong, tạo nên những khung cảnh nên thơ, cổ kính tại đây.
Thời gian gần đây, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đưa ra thêm "Tour đêm Văn Miếu, giải đáp mọi bí ẩn!" để đáp ứng nhu cầu của du khách. Nếu ai đã từng tò mò về những bí ẩn ẩn giấu trong từng viên gạch, mái ngói cổ kính của Văn Miếu - Quốc Tử Giám? Muốn được lắng nghe những câu chuyện sinh động về khoa cử thời xưa, hay tìm hiểu về số lượng thí sinh, dạng bài thi trong các kỳ thi?
Đây chính là cơ hội để du khách thỏa mãn trí tò mò và khám phá những điều kỳ thú ẩn giấu nơi này. Tham gia tour đêm, du khách còn được du hành ngược thời gian, trở về với không gian thi cử trang trọng, uy nghiêm của Văn Miếu thuở xưa.
Du khách tìm hiểu về lịch sử bia Tiến sĩ – Di sản tư liệu thế giới qua hướng dẫn viên.
Tại khu vực bia tiến sĩ, du khách có thể đặt câu hỏi cho Cụ Rùa bằng câu lệnh "Cụ Rùa ơi". Với lịch sử hàng nghìn năm, Cụ Rùa sẽ giải đáp mọi thắc mắc của bạn về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mang đến cho du khách những câu chuyện sinh động, những trang lịch sử về thi cử thời xưa, số lượng thí sinh mỗi kỳ thi, các dạng bài thi,....