Khám phá di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua góc nhìn công nghệ

Với việc áp dụng công nghệ 3D mapping, không gian Văn Miếu - Quốc  Tử Giám (Hà Nội) đã mang một vẻ đẹp mới, thu hút du khách. Không chỉ vậy, vẻ đẹp mới này còn kể câu chuyện truyền thống hiếu học của người Việt Nam bằng âm thanh và ánh sáng của thời kỹ thuật số.

Hành trình khám phá “Tinh hoa Đạo học”

Vào mỗi tối thứ tư, thứ sáu, thứ bảy và Chủ nhật, Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại khoác lên mình diện mạo khác lạ trong cái thân quen. Sự thăng trầm vốn có ở ngôi trường quốc học đầu tiên của Việt Nam giờ lung linh ảo diệu bằng hình ảnh công nghệ trình chiếu 3D mapping với chủ đề “Tinh hoa Đạo học”.

kham pha di san van mieu - quoc tu giam qua goc nhin cong nghe - 1

Ngay khi vừa bước qua cổng chính (Văn Miếu môn), du khách được chào đón bằng không gian sắc màu và âm thanh nhẹ nhàng, thanh thoát. Men theo trục đường chính dẫn tới cổng Đại Trung, chúng ta lạc vào không gian cổ kính xen lẫn hiện đại. Bốn chữ “Tinh hoa Đạo học” được trình chiếu trang trọng theo hàng dọc như khẳng định đây chính là con đường dẫn đến tinh hoa tri thức và đạo đức của dân tộc Việt Nam.

Con đường ấy dẫn tới cổng Đại Trung (Đại Trung môn), hai bên là hai cổng nhỏ mang tên Thành Đức và Đạt Tài, gửi gắm ý nghĩa Nho giáo đào tạo con người vừa có đức vừa có tài. Bên trên cổng chính là hình hai con cá chép Chầu Bình Móc. Sở dĩ có hình ảnh cá chép là bởi theo truyền thuyết, vào hàng năm trời tổ chức cuộc thi kén rồng ở cửa Vũ, con cá nào nhảy qua được một lúc ba đợt khác nhau thì lập tức có tiếng sấm nổ, cá chép hóa rồng. Từ câu chuyện đó, cửa Vũ được dùng để chỉ chốn trường thi, cá vượt vũ môn chỉ việc thi cử, muốn đỗ đạt thì phải tích góp kiến thức, học tập chăm chỉ, vượt khó mà nên.

Bắt đầu từ cánh cổng này, không gian Tinh hoa Đạo học mới thật sự tỏa sáng. Bằng công nghệ và sự kết hợp giữa ánh sáng cùng âm thanh, tour đêm Văn Miếu sẽ cho du khách thấy được những hình ảnh tinh túy nhất của đạo học nước nhà. Đặc biệt, trên cung đường dẫn tới Khuê Văn Các, những hình ảnh hay những câu chuyện về truyền thống hiếu học được bày ra trước mắt.

kham pha di san van mieu - quoc tu giam qua goc nhin cong nghe - 2

Đạo học của người Việt đã bắt đầu ngay từ khi sinh ra, trong những lời ru mà gửi gắm trong đó một khát vọng để hướng tới một tương lai tươi sáng. Con người hướng về đạo học cũng giống như những chú cá chép vượt Long Môn, qua bao thác ghềnh, hướng về ngôi sao Khuê của tri thức. Ở phía hồ đối diện, ô cửa sổ sao Khuê được tái hiện với lối thiết kế khai thác hiệu ứng phản chiếu bóng nước trên mặt nước.

Theo quan niệm của người xưa, sao Khuê là ngôi sao chủ của văn chương và học thuật, bởi hình dáng của ngôi sao Khuê hay đúng hơn là chòm sao Khuê được quan sát trên bầu trời có trật tự sắp xếp tương tự hình chữ Văn trong lối viết theo chữ tượng hình. Bởi vậy, ánh sáng của sao Khuê chiếu rọi đến đâu là mang lại nguồn sáng tri thức và trí tuệ ở đó, đánh thức mọi khát vọng học tập và phấn đấu vươn lên trong hành trình đạo học.

Ngôi sao Khuê cũng là nguồn cảm hứng để xây dựng Khuê Văn Các - biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Đối diện Khuê Văn Các là giếng Thiên Quang, hay còn gọi là Thiên Quang tỉnh. Thiên Quang nghĩa là ánh sáng bầu trời. Đặt tên này cho giếng người xây dựng muốn nói: Con người muốn nhận được tinh túy của vũ trụ, nâng cao tầm hiểu biết, soi sáng tri thức, tô đẹp nhân văn. Người xưa quan niệm rằng giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của cả trời cả đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục uy nghiêm giữa chốn đế đô này.

Và trong tour đêm Văn Miếu, Khuê Văn Các và giếng Thiên Quang sẽ mang một diện mạo mới. Ánh sáng từ Khuê Văn Các được phản chiếu trên mặt giếng Thiên Quang, biến Khuê Văn Các như trở thành một ngọn hải đăng của tri thức và trí tuệ. Ở phía còn lại, ánh sáng từ gác Khuê Văn chiếu rọi tới đôi cá chép chầu bình móc trên đỉnh mái Đại Trung môn giữa đêm tối, tựa ánh sáng của Tinh hoa Đạo học đang chỉ lối cho những sĩ tử một lòng theo học.

kham pha di san van mieu - quoc tu giam qua goc nhin cong nghe - 3

Tại nơi đây cũng vinh danh những Tinh hoa Đạo học của người Việt qua 82 bia tiến sĩ trên mai rùa, chia đều cho hai dãy nhà Tả Vu và Hữu Vu ở hai phía Đông và Tây, mỗi nhà 41 bia khắc tên và quê quán của 1.304 vị tiến sĩ. Theo quan niệm của người Việt xưa, thì hình tượng rùa là biểu tượng cho sự vĩnh hằng, nên khi đặt bia đá trên lưng rùa là để khẳng định sự trường tồn của trí tuệ tinh hoa người Việt. Vậy nên, du khách đến đây trong đêm, sẽ thấy một “cụ rùa AI” mang trên lưng tấm bia  tri thức, luôn sẵn sàng giải đáp các câu hỏi của du khách đặt ra, chỉ cần gọi: “Cụ rùa ơi!” là một giọng trầm bổng, gần gũi (đã được lập trình sẵn) sẽ trả lời. Du khách sẽ có được sự tương tác giữa hỏi - đáp từ mình với cụ rùa, mang lại một trải nghiệm mới lạ và thú vị.

Thư pháp qua lăng kính của công nghệ thực tế ảo

Một trải nghiệm không thể bỏ qua ở chương trình du lịch đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám nữa là viết thư pháp. Để có những phút giây trọn vẹn nhất với nét văn hóa này, tour đêm cho chúng ta không gian thư pháp thực mà ảo, ảo mà thực. Đó là viết thư pháp bằng công nghệ thực tế ảo VR.

Sự kết hợp giữa hai thiết bị là kính thực tế ảo và tay cầm điều khiển sẽ đưa du khách từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, để rồi tự tạo ra những sản phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo của chữ nghĩa. Từng rung độ được thiết lập tại thiết bị cầm tay, làm ta không khỏi rùng mình mỗi lần “đặt bút” viết. Bên cạnh đó, VR còn cho người sáng tác thư pháp những công cụ mới mẻ để sáng tạo, thể hiện ý tưởng và cảm xúc một cách tự do, không bị giới hạn bởi không gian và vật liệu thực tế.

kham pha di san van mieu - quoc tu giam qua goc nhin cong nghe - 4

Dưới ánh đèn lung linh, du khách bước chân vào khu vực tái hiện lớp học thời xưa trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Một khung cảnh bình dị hiện ra với lán rơm đơn sơ, đủ cho từ 5 đến 6 bộ bàn học bằng tre, bút lông và nghiên mực được sắp xếp gọn gàng trên bàn, xung quanh là những bức thư pháp.

“Lớp học thầy đồ” cũng là một hoạt động độc đáo trong chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tại đây, du khách sẽ được hóa thân thành những cô cậu học trò ngày xưa, được thầy đồ tận tình hướng dẫn cách cầm bút, cách viết chữ, cách rèn luyện tư cách đạo đức và học hỏi những giá trị truyền thống tốt đẹp trong sự học. Chữ đầu tiên mà mỗi học trò được học là chữ “An”. Chữ “An” mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, tượng trưng cho sự bình an, thanh thản trong tâm hồn và cuộc sống.

Chữ “An” còn được cấu tạo từ những nét cơ bản nhất trong thư pháp chữ Hán, là nền tảng để học trò rèn luyện sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và trau dồi kỹ năng viết chữ. Với sự hướng dẫn tận tình của thầy đồ, du khách tập viết từng nét chữ “An” một cách cẩn thận, chính xác. Mỗi nét bút thể hiện sự trân trọng với truyền thống hiếu học và đạo lý tôn sư trọng đạo. Tiếp đến là một trải nghiệm ở nhà Thái Học, toàn bộ Tinh hoa Đạo học của người Việt được thể hiện rực rỡ bởi những màn trình chiếu ánh sáng, khiến người xem vô cùng ấn tượng.

kham pha di san van mieu - quoc tu giam qua goc nhin cong nghe - 5

Điểm chạm cảm xúc thăng hoa nhất của chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, là show trình chiếu mapping 3D theo chủ đề “Tinh hoa Đạo học”. Dưới màn đêm huyền ảo, những tia sáng đầy màu sắc như rót mật xuống nhà Thái Học, di tích lịch sử ngàn năm tuổi nằm trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Du khách như lạc vào một thế giới khác, nơi quá khứ và hiện tại hòa quyện vào nhau.

Khi những tia sáng đầu tiên chiếu lên mặt tiền nhà Thái Học, du khách không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp huyền ảo của di tích lịch sử này. Toàn bộ không gian sân Thái Học bỗng chốc biến thành một màn hình khổng lồ, nơi những hình ảnh sống động được chiếu lên, đưa chúng ta vào một hành trình ngược dòng thời gian, khám phá những giá trị Tinh hoa Đạo học của dân tộc Việt Nam.

Hành trình đến với ánh sáng, âm thanh về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trải nghiệm khá thú vị với du khách khi đến với Hà Nội.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài: Hiếu Nhiên, Trương Yến, Thanh Thư – Ảnh: Trương Yến

CLIP HOT