Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đà Nẵng không chỉ có biển xanh cát trắng nắng vàng, mà thành phố này còn có nhiều bảo tàng giúp bạn hiểu hơn về văn hóa và lịch sử của vùng đất.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nằm bên trong một tòa nhà cổ, ngay dưới chân Cầu Rồng, sẽ là điểm đến không thể bỏ qua trong chuyến du lịch mùa hè này của bạn. Tòa nhà được xây dựng từ năm 1915 trong khi các hiện vật được sưu tập từ 20 năm trước đó.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 1

Bảo tàng nằm ngay chân Cầu Rồng, rất thuận tiện cho du khách tham quan.

Bên trong bảo tàng có nhiều khu vực trưng bày theo các chủ đề khác nhau. Hãy đến Phòng trưng bày Đồng Dương, là nơi giới thiệu các hiện vật, di tích từ trung tâm Phật giáo của người Chăm Pa.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 2

Phòng trưng bày Đồng Dương bên trong Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Đồng Dương là một trung tâm Phật giáo của Chăm Pa, cách thung lũng Mỹ Sơn khoảng 20km về phía nam. Các tác phẩm điêu khắc Phật giáo tại Đồng Dương cho thấy sự phát triển của Phật giáo Đại thừa tại Chăm Pa. Mặc dù có một số nét ảnh hưởng từ Trung Hoa, Ấn Độ và các nước lân cận, kiến trúc và điêu khắc Đồng Dương mang đậm yếu tố bản địa, đã tạo nên một phong cách độc đáo, giàu ấn tượng trong nghệ thuật Chăm.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 3

Đài thờ Đồng Dương của thánh đường chính. Chuyên gia cho biết đây được cho là nơi thờ bồ tát Lakshmindra Lokeshvara - vị thần chủ của Phật viện Đồng Dương.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 4

Xung quanh bệ thờ lớn gồm có hơn 30 khung hình chạm nổi liên quan đến cuộc đời đức Phật.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 5

Nhà khảo cổ Henri Parmentier người Pháp, là người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thu thập, bảo tồn di vật văn hóa Chăm tại Mỹ Sơn, đã giải thích những khung hình trong bức điêu khắc, gồm cảnh Hoàng hậu Maya sinh Thái tử Tất Đạt Đa ở vườn Lumbini, cảnh cuộc thi bắn cung giữa vị Bồ tát và những người đến cầu hôn người đẹp Gopa và cảnh đức Phật xuống tóc và trao đổi y phục với người đi săn để đi tu.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 6

Còn ở góc này, ta có cảnh người hầu Chankada và con ngựa Kauthaka trở về sau khi đức Phật đã vào rừng tu hành và cảnh đạo quân Mara và các cô con gái của Mara đang quấy phá việc tu hành của Đức Phật.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 7

Ngày nay cũng có những nhà nghiên cứu khác đưa ra nhiều gợi ý, giải nghĩa mới về các khung hình chạm nổi này. Dù sao đi nữa, những tác phẩm này đã tạo nên một phong cách độc đáo, giàu ấn tượng trong nghệ thuật Chăm.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 8

Năm 1978 người dân ở đây đã tình cờ tìm thấy một pho tượng nữ thần bằng đồng cao gần 1,15m. Tác phẩm là tượng đồng Chăm Pa lớn nhất được tìm thấy cho đến nay, đây cũng là một trong những tượng Tara bằng đồng quan trọng nhất của toàn thể Đông Nam Á.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 9

Tượng nữ thần đứng thẳng, hai tay cùng đưa cân xứng về phía trước. Tay phải cầm đóa hoa sen, tay trái cầm vỏ ốc nhưng cả hai đều đã bị gãy. Toàn bộ phần cơ thể phía trên được phô trần với bộ ngực căng đầy. Y phục phía dưới gồm một tấm váy dài gần đến cổ chân và tấm vải chồng bên ngoài.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 10

Khuôn mặt vuông vức, nghiêm nghị, đôi lông mày to, cong, giao nhau, mũi to, môi dày... gợi đến phong cách Đồng Dương. Tóc của nữ thần được vấn lên thành búi cao có mang hình Phật A Di Đà.

Dựa trên những đặc trưng phong cách và các dấu hiệu biểu tượng của hoa sen cầm tay, hình Phật A Di Đà trên tóc, nhiều nhà nghiên cứu đã sớm liên tưởng bức tượng này đến vị thần chủ Laskmindra Lokeshvara được đề cập đến trong văn bia tìm thấy tại Đồng Dương. Tên gọi Tara là tên gọi mà nhà nghiên cứu Jean Boisselier đã gợi ý sau năm năm tìm ra tác phẩm.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 11

Nhìn Phật viện Đồng Dương từ trên cao, ta thấy được đường dẫn đến các đài thờ phải đi qua nhiều vòng thành khác nhau và sẽ gặp các vị thần hộ pháp. Đây là những tác phẩm điêu khắc có kích thước vào loại lớn nhất và cũng là một trong những tượng tròn thể hiện đặc sắc nhất cả về kỹ thuật và mỹ thuật của nghệ thuật điêu khắc Chăm.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 12

Tượng thường bố trí thành từng cặp, thể hiện tương xứng với những tư thế động tác và trang phục giống nhau. Thân hình mạnh mẽ, nặng nề với khuôn mặt được đặc tả thể hiện sự oai phong, hung dữ của tượng. Phía dưới chân tượng là hình ảnh một con trâu cùng một hình nhân với vũ khí trong tay đang ngước nhìn vị thần khổng lồ. Chi tiết khắc họa thêm đậm nét vẻ oai phong của vị thần.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 13

Ở cổ tay và cổ chân là những trang sức có hình rắn Naga ba đầu.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 14

Một tay của thần cầm vũ khí đưa lên ngang tầm đầu, tay kia co ngang trước ngực.

Năm 2011, Bảo tàng đã được xếp vào danh sách các bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam, khẳng định vai trò và những đóng góp của Bảo tàng Điêu khắc Chăm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 15

Hiện nay khi đến bảo tàng, bạn còn được tham quan nhiều hơn với các trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn, như các phòng chuyên đề về văn khắc, gốm và âm nhạc, lễ hội, nghề truyền thống của đồng bào Chăm hiện nay. Không gian dành cho biểu diễn và hoạt động giáo dục được đặt ở tầng 2 và khu dịch vụ được cải tạo bố trí ở sân vườn.

Đến Đà Nẵng ngược dòng lịch sử tìm về nền văn hóa Chăm độc đáo - 16

Bảo tàng còn ứng dụng công nghệ scan 4D, mang lại cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, thú vị trên hành trình khám phá các bộ sưu tập cũng như tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của vùng đất và con người nơi đây.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 2, Đường 2 Tháng 9, Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Mở cửa: Từ 07:30 đến 17:00 các ngày trong tuần.
Giá vé: 60.000 đồng/người.
Điện thoại: 0236.357.4801
Website: https://chammuseum.vn/

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tuấn Anh - Ảnh: Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng

CLIP HOT