Cuối tuần, tìm hiểu lịch sử tà áo dài Việt ở những bảo tàng đẹp như tranh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đồng hành cùng Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2022, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và Bảo tàng Áo dài TP.HCM có những chương trình đặc sắc dành cho du khách tới tham quan.

Tới Bảo tàng để... may áo dài

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2022, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sẽ tổ chức khu trưng bày chuyên đề “Áo dài - Nhân vật và Sự kiện” và triển lãm ảnh “Áo dài xưa và nay”.

Với chuyên đề “Áo dài - nhân vật và sự kiện”, khách tham quan sẽ có dịp được nhìn ngắm cận cảnh các bộ áo dài do nhiều cán bộ, lãnh đạo, nữ nghệ sĩ, nữ anh hùng lao động... nổi tiếng của Việt Nam đã mặc để tham gia các sự kiện trong và ngoài nước, như chiếc áo dài của bà Nguyễn Thị Bình trong những ngày bà mặc để đàm phán hiệp định Paris hay áo dài của bà Nguyễn Thị Kim Ngân mặc tuyên thệ khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội. Bên cạnh đó là những chiếc áo dài của phụ nữ mặc trong chiến tranh và áo dài trong các cuộc tuyên dương phụ nữ trên các lĩnh vực khoa học.

Cuối tuần, tìm hiểu lịch sử tà áo dài Việt ở những bảo tàng đẹp như tranh - 1

Áo dài được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Ngoài ra, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng triển lãm ảnh “Áo dài xưa và nay” giới thiệu đến công chúng trên 60 ảnh tư liệu về áo dài Việt Nam từ đầu thế kỷ 19 cho đến nay. Đây là những hình ảnh mà bảo tàng đã sưu tầm hơn 30 năm qua để giới thiệu đến khách tham quan.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, cho biết: “Cũng trong dịp này, Bảo tàng có tổ chức 2 quầy nhận may áo dài. Khách khi đến tham quan sẽ được giảm giá tiền công may áo dài và đặc biệt sẽ giảm giá nhiều hơn cho khách đoàn từ 10 người trở lên. Chúng tôi muốn khuyến khích mọi người thường xuyên xuất hiện với những bộ áo dài truyền thống của dân tộc."

Trong tháng và tháng 4, tại Bảo tàng Áo dài Việt Nam cũng có các hoạt động triển lãm: “Áo dài và Cội nguồn” của các nhân vật nữ có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, y tế, văn hóa. Triển lãm bộ sưu tập áo dài màu hồng chủ đề: “Hạnh Phúc”. Đồng thời, bảo tàng còn trưng bày áo dài với các chuyên đề “Lịch sử áo dài”; “Áo dài hội nhập” và nhiều hoạt động giao lưu, tham quan và trải nghiệm.

Cuối tuần, tìm hiểu lịch sử tà áo dài Việt ở những bảo tàng đẹp như tranh - 2

Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Bên cạnh đó, để chuẩn bị đón khách quốc tế, bà Nguyễn Thị Thắm cho biết Bảo tàng sẽ cho khởi động lại khu trưng bày tại tầng 2 của bảo tàng với chuyên đề “Phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tiến hành sửa chữa, mở rộng giúp không gian trưng bày của bảo tàng trở nên tươi mới tạo điểm nhấn cho khách tham quan.

Check-in tại Bảo tàng Áo dài Việt Nam

Cách trung tâm thành phố khoảng 30 phút lái xe, Bảo tàng Áo dài Việt Nam nằm giữa màu xanh của thiên nhiên và nét hoài cổ của những kiến trúc đậm chất dân tộc. Đây là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam dành riêng để tôn vinh nét đẹp của chiếc áo dài.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam, cho biết bà vô cùng phấn khởi vì sau một năm tạm ngưng, Lễ hội Áo dài TP.HCM đã được diễn ra trong bối cảnh TP.HCM thích ứng với tình hình mới. “Ngoài các triển lãm, chuyên đề, Bảo tàng còn tổ chức những buổi họp mặt với quy mô nhỏ, không quá đông để tạo điều kiện cho các anh hát cho các chị nghe. Đây là hoạt động ý nghĩa trong dịp 8/3”, bà Vân cho biết.

Cuối tuần, tìm hiểu lịch sử tà áo dài Việt ở những bảo tàng đẹp như tranh - 3

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài Việt Nam

Bên cạnh cơ sở chính tại TP. Thủ Đức, Bảo tàng Áo dài Việt Nam cũng mở cửa lại chi nhánh Áo dài Exhibition (Q.1) đón các đoàn khách tham quan bảo tàng, đáp ứng nhu cầu cho du khách. “Bảo tàng tổ chức với quy mô vừa phải để không xảy ra tình trạng tụ tập đông người, hướng đến mọi người mặc áo dài, hướng đến cội nguồn dân tộc”, bà Vân chia sẻ.

Về vấn đề đón khách quốc tế, bà Vân nhìn nhận thời điểm này rất thích hợp để tổ chức các trải nghiệm chữa lành tâm hồn, chẳng hạn đờn cả tài tử, văn nghệ truyền thống, giúp du khách vừa được thưởng thức nghệ thuật, vừa được trực tiếp tham gia, tìm hiểu văn hóa.

Cuối tuần, tìm hiểu lịch sử tà áo dài Việt ở những bảo tàng đẹp như tranh - 4

Bảo tàng Áo dài là điểm dừng chân của lịch sử giữa lòng Sài Gòn hiện đại.

“Tôi từng thử nghiệm trải nghiệm này với du khách quốc tế, một người hát thì phải 7, 8 người trong đoàn hưởng ứng. Khi dịch lời bài hát qua ngôn ngữ của khách, họ thấy rất thích vì được tìm hiểu văn hóa mới lạ, biết được Việt Nam cũng có văn nghệ truyền thống độc đáo. Ngoài ra, chúng ta có thể tổ chức tour cho lực lượng y tế, xoa dịu tâm hồn của họ sau ngày tháng chống chọi với bệnh dịch ở tuyến đầu. Tôi nghĩ, trong cái khó mới có cái thuận lợi”, bà Vân chia sẻ.

Cuối tuần, tìm hiểu lịch sử tà áo dài Việt ở những bảo tàng đẹp như tranh - 5

Bảo tàng Áo dài Việt Nam là điểm đến được nhiều bạn trẻ yêu thích

Theo bà Vân, chúng ta cần quảng bá những hoạt động văn hóa, đẩy mạnh chào hàng với khách quốc tế, không chỉ là du lịch để vui chơi mà còn là hoạt động ý nghĩa, chữa lành tâm hồn sau đại dịch.

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 5/3 - 15/4/2022 với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam”. Sự kiện nhằm tôn vinh áo dài truyền thống, giới thiệu nét đẹp, sự tiện dụng nhằm đưa áo dài trở thành trang phục quen thuộc, được lựa chọn sử dụng thường xuyên trong công việc hàng ngày và trong các dịp lễ, sự kiện quan trọng. Qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa  dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

Lễ khai mạc diễn ra lúc 19h ngày 5/3 tại Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường đi bộ Nguyễn Huệ. Trong đêm khai mạc, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng 15 bộ sưu tập nổi bật của các nhà thiết kế nổi tiếng với hơn 300 mẫu áo dài được thể hiện theo 4 chủ đề. Sẽ có hơn 100 văn nghệ sỹ cùng tham gia trình diễn.

Đáng chú ý, lễ diễu hành áo dài với chủ đề “Khát vọng hòa bình” diễn ra lúc 7h ngày 6/3 tại Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường đi bộ Nguyễn Huệ cũng như các điểm du lịch trên địa bàn TP.Thủ Đức, các quận/huyện có sự tham gia của hơn 2.000 người từ nhiều độ tuổi khác nhau. 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Linh Linh

CLIP HOT