Có một Afghanistan rực rỡ sắc màu và thiên nhiên tuyệt vời
Đất nước Afghanistan tuy khô cằn nằm sâu trong lục địa, nhưng có thiên nhiên đa dạng và sở hữu cho mình bề dày lịch sử và văn hóa rất riêng.
Trải qua lịch sử hàng trăm năm với các vương triều, thành phố Kabul - thủ đô của Afghanistan là điểm đến dành cho người yêu văn hóa, lịch sử. Thành phố có những làng nghề thủ công lâu đời, chuyên về may mặc, chế biến thực phẩm, làm hóa chất dệt vải, bảo quản gỗ.
Thánh đường Xanh tại Kabul.
Nằm ở độ cao lên đến 1.800 mét so với mực nước biển, Kabul là một trong những thủ đô cao nhất thế giới, giúp nơi đây sở hữu cảnh quan thiên nhiên ấn tượng, thời tiết quanh năm nóng ẩm và khô ráo. Đến với Kabul, du khách không thể bỏ qua các bảo tàng, đền thờ, chợ truyền thống và nhiều trải nghiệm văn hóa khó quên.
Theo cục du lịch Afghanistan, mỗi năm có khoảng từ 15.000 đến 20.000 du khách quốc tế đến quốc gia này, chi phí trung bình cho một ngày ăn chơi tại đất nước Nam Á này là 70 USD (khoảng 1,5 triệu đồng). Tại thủ đô Kabul, nhà nghỉ và khách sạn có đủ loại từ bình dân đến cao cấp, tuy nhiên vì tình hình chiến sự căng thẳng, chủ nơi nghỉ vẫn khuyến cáo khách nên tham quan trong những “vùng xanh” cho phép.
Công viên Quốc gia Band-e-Amir với những hồ nước xanh thẳm.
Tại các nước mà đạo Hồi là quốc giáo như Afghanistan, khách du lịch được gọi là musafir và được đối xử như một nhà ngoại giao. Các nhà thờ Hồi Giáo sẽ bảo vệ du khách đến mức cao nhất có thể và phần lớn người dân cũng sẽ đối xử theo cách “tốt đặc biệt”. Tuy vậy, Afghanistan vẫn là một nơi “kén” du lịch do tình hình chính trị bất ổn, nhiều trường hợp du khách bị bắt cóc hoặc thậm chí là bị giết.
Thánh đường Thứ Sáu
Thánh đường mang tên Thứ sáu, là ngày tụ họp của người Hồi Giáo, ngày quan trọng nhất trong tuần để cầu nguyện. Tòa nhà được xây dựng từ những năm 1200 và trải qua nhiều lần “đổi chủ” bởi các vương triều, chế độ chính trị khác nhau.
Dù đã trải qua 800 năm lịch sử, nhưng cấu trúc ban đầu vẫn được giữ nguyên, chỉ thêm một số chi tiết ở xung quanh ngôi nhà thờ. Nơi đây từng được sử dụng làm pháo đài , hứng chịu đạn khói chiến tranh và chứng kiến nhiều trận giao tranh ác liệt.
Toàn bộ thánh đường được xây bằng gạch với họa tiết Hồi Giáo đặc trưng. Ngôi nhà thờ rộng 120 mét, dài 180 mét, diện tích lên đến 21.600 m2, tổng cộng có 460 mái vòm, 444 cột nhà và 12 ngọn tháp, đưa nơi đây trở thành một trong những thánh đường Hồi Giáo lớn nhất thế giới.
Thánh đường Xanh lam
Hazrat Ali Mazar hay tên thường gọi là Thánh đường Xanh vì màu sắc dịu mát đặc trưng, là một nhà thờ Hồi giáo mà người Hồi giáo dòng Sunni tin rằng nơi đây đặt lăng mộ của Hazrat Ali ibn Abi Talib.
Người Sunni coi Ali là Caliph thứ 4 trong lịch sử, họ tôn vinh Hazrat Ali vào một ngày đặc biệt trong năm. Caliph là chức vụ cao quý nhất tại những nơi mà Hồi Giáo là quốc giáo.
Địa điểm này cũng là nơi có nhiều người hành hương tổ chức lễ Nowruz hàng năm. Tại lễ Jahenda Bala thường niên, một lá cờ thánh được kéo lên để vinh danh Hazrat Ali. Mọi người đều muốn chạm tay vào lá cờ để cầu may mắn trong năm mới.
Bảo tàng Kabul
Bảo tàng Quốc gia Afghanistan tại thủ đô Kabul sở hữu nhiều hiện vật và tài liệu quan trọng bậc nhất về lịch sử và văn hóa khu vực Trung Á. Bên trong tòa nhà 2 tầng này là hơn 100.000 mẫu vật có niên đại hàng ngàn năm, có nguồn gốc từ triều đại Ba Tư hoặc những vương quốc Phật Giáo, Hồi Giáo lớn trong lịch sử.
Đến năm 2014, bảo tàng được đầu tư phát triển để đặt tiêu chuẩn quốc tế với các công nghệ triển lãm hiện đại. Tuy nhiên tình hình chiến sự căng thẳng ngăn cản việc này khá nhiều. Năm 1992, chiến tranh khiến 70% mẫu vật tại bảo tàng bị phá hủy, hư hại, mãi đến năm 2007 mới khôi phục được hơn 8.000 hiện vật.
Cung điện Darul Aman
Được mệnh danh là Cung điện Hòa bình, tòa cung điện 3 tầng nằm đối diện tòa nhà Quốc hội Afghanistan được xây từ thời Vương quốc Amanullah Khan 100 năm trước. Các dãy nhà được xây theo hình chữ U với lối kiến trúc tân cổ điển châu Âu, sảnh chính hình bán nguyệt và các thức cột Corinth đặc trưng.
Tòa nhà này nằm sừng sững ở phía tây nam của thủ đô Kabul, chứng kiến nhiều biến động của lịch sử, như cuộc nội chiến thập niêm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày độc lập Afghanistan ... Sau khi bị phá hủy bởi chiến tranh, công trình được trùng tu lại vào năm 2019.
Hồ nước ngọt Qargha
Qargha là hệ thống đập và hồ trữ nước ở ngoại thành Kabul, bên cạnh phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân thành phố, nơi này còn phát triển du lịch với các loại hình giải trí như chèo thuyết, lướt sóng, đánh golf,... và thậm chí là khu nghỉ dưỡng ở ven bờ.
Nằm 15 km về phía tây của sông Paghman, dòng sông chính của thủ đô Kabul, vùng nước này còn được người dân sử dụng để nuôi trồng thủy sản hiệu quả bằng cách căn cứ vào thủy triều trong năm. Chính quyền Afghanistan từng lên kế hoạch xây dựng thủy điện tại nơi này.
Thánh đường Shah-e Doh Shamshira
Tên nghĩa đen của nơi này là Thánh đường của vị Hoàng đế mang hai thanh gươm, và đúng như vậy, bên ngoài tòa nhà là hai ngọn tháp cao vút như hai thanh kiếm. Tọa lạc bên bờ sông chính của Kabul và cây cầu cùng tên, ngôi thánh đường này là điểm đến thu hút khách vì ở khu vực trung tâm.
Được xây dựng dưới thời vua Amanullah Khan, Shah-e Doh Shamshira không mang kiến trúc thường thấy ở các nhà thờ Hồi Giáo, mà thừa hưởng những nét trang trí kiểu Ý cùng thời, khiến nó đôi khi được gọi là kiến trúc Baroque giữa lòng Afghanistan.
Thánh đường gắn với lịch sử đạo Hồi
Sakhi Shah-e Mardan Shrine hay gọi ngắn hơn là Ziyarat-e Sakhi, là một nhà thờ Hồi Giáo gắn liền với câu chuyện của tiên tri Muhammad - người sáng lập ra đạo Hồi. Theo lời kể lại, ông từng đến đây làm công việc rồi nghỉ ngơi, để lại chiếc áo choàng từng mặc và được giữ đến ngày nay.
Sau chuyến đi đó, Ali là cháu của Muhammad trở thành người giữ gìn ngôi đền này và ông là Caliph thứ 4 trong lịch sử. Ngôi thánh đường được áo một lớp màu xanh ngọc tuyệt đẹp, nổi bật với khung cảnh đồi Asmayi ở phía xa.
Công viên Quốc gia Band-e-Amir
Band-e Amir là vườn quốc gia sở hữu 6 hồ nước xanh thẳm được ngăn cách bởi các con đập tự nhiên là cách vách núi và mỏ khoáng sản. Quần thể này nằm trọn bên trong dãy núi Hindu Kush ở độ cao khoảng 3000 m, phía tây là hai bức tượng Phật khổng lồ vùng Bamiyan nổi tiếng đã bị phá hủy.
Màu nước xanh do carbon dioxide rỉ ra từ các mỏ khoáng sản, lâu ngày kết tủa mà thành. Band-e Amir được nhiều người gọi là Grand Canyon của Afghanistan, nơi này thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch mỗi năm. Vùng nước ở đây là một phần của hệ thống sông Balkh.
Đồi Bibi Mahroo
Còn được gọi là Teppe Bemaru, ngọn đồi khá thấp có view nhìn ra Wazir Akbar Khan. Nơi này thu hút khách du lịch nước ngoài vì họ có thể phóng tầm nhìn ra toàn thành phố và trải nghiệm một số trải nghiệm du lịch dã ngoại, đi bộ đường dài,...
Ở đỉnh đồi có một hồ bơi đạt chuẩn quốc tế do người Nga xây dựng nhưng hầu như không bao giờ được sử dụng vì rất khó để bơm nước từ dưới sông lên đồi dốc. Ngọn đồi này từng là pháo đài quan trọng trong các cuộc chiến tranh, chứng kiến nhiều đế chế đến rồi đi.
Dãy núi Pamir
Ẩn giấu sau tất cả những biến động của Afghanistan là dãy Pamir rất thích hợp cho người yêu thích thám hiểm, đi bộ đường dài. Vùng núi này trong lịch sử là nơi của bộ tộc du mục Kyrgyzstan sống hẻo lánh hơn thế kỷ, sở hữu nhiều sống lưng khủng long, thung lũng rộng và vực sâu hút.
Khi được khai thác du lịch, nơi đây được mệnh danh là “Lối vào chốn hư vô” của Afghanistan. Du khách có thể gặp những tộc người hầu như không tiếp cận với văn minh thế giới và tận hưởng thiên nhiên hoang vu, chưa có sự tác động nhiều từ con người hiện đại.
Afghanistan quả thật là thiên đường dành cho những đôi chân xê dịch yêu lịch sử, văn hóa, tôn giáo và thiên nhiên. Nơi đây có tiềm năng du lịch rất lớn vì chưa được khai thác quá mức, cảnh quan tự nhiên còn hoang sơ cũng như bản sắc địa phương đậm đà. Nếu có dịp đến đây, hãy tìm một công ty lữ hành uy tín để đảm bảo chuyến đi được diễn ra suôn sẻ, không gặp sự cố đáng tiếc.
Lesotho là một quốc gia rất khác biệt, nơi đây được mệnh danh “Vương quốc trên trời“. Tuy có nhiều kim cương nhưng người...