Check-in cùng ‘bia mộ’ của rừng già

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những cánh rừng già nhiều lần lột xác và để lại hàng trăm “bia mộ” nhuốm màu thời gian. Nơi đây trở thành những điểm check-in thú vị - mốc ngưng tụ của thiên nhiên và thời gian trăm tuổi.

Những cánh rừng nhiệt đới ở Việt Nam luôn xanh tươi, tràn đầy nhựa sống. Nhưng lẩn khuất trong màu xanh lá là những gốc cây cổ thụ đã đổ gãy nhưng vẫn chắc thớ vỏ gỗ sần sùi. Những gốc cây này được xem là “bia mộ” ghi dấu mấy trăm năm tuổi đời của rừng xanh.

“Bia mộ” trên núi Lảo Thẩn, nóc nhà Y Tý

Check-in cùng ‘bia mộ’ của rừng già - 1

Gốc cây trên đỉnh núi Lảo Thẩn, nóc nhà Y Tý, Lào Cai.

Đỉnh Lảo Thẩn nằm ở độ cao 2.860m, được xem là nóc nhà Y Tý với khung cảnh mây trắng giăng kín che lấp tầm nhìn về đồng bằng. Ngay trên sườn núi cao, phượt thủ và trekker khi đến đây có thể vươn mình bắt mây trên ngọn cây già vươn ra với trời.

Để đến đây, bạn phải vượt qua một quãng đường khá xa (khoảng 4-5 tiếng), băng qua địa hình nhiều núi đồi dốc đặc trưng vùng núi phía Tây Bắc. Đây là gốc cây nổi tiếng nhất trên lưng chừng núi Lảo Thần, sát với lán nghỉ. Tạo hình tự nhiên của gốc cây mang dáng dấp của đầu cong rồng, phù hợp với góc nhìn vươn mình ra với mây trời.

Check-in cùng ‘bia mộ’ của rừng già - 2

Gốc gây già vươn ra mây trời, là địa điểm check-in yêu thích của nhiều phượt thủ

Những lúc hoàng hôn và bình minh, đặc biệt khi mây trắng giăng kín lối, phượt thủ sẽ có ngay những bức ảnh đẹp, sự hùng vĩ của thiên nhiên và nỗ lực chinh phục của con người hài hòa trong một khung hình.

Check-in cùng ‘bia mộ’ của rừng già - 3

Cũng trên hành trình trekking nóc nhà Y Tý, khách du lịch tiếp tục chạm mặt với một dấu ấu thời gian của rừng già. Với hình dáng đặc biệt như đang chinh chiến và vươn ra biển mây lớn, gốc cây già chỉ còn một chùm lá, được giới phượt thủ truyền tai nhau là cây phong ba. Nơi đây cũng cách lán nghỉ khoảng 15-20 phút trekking, leo núi.

Check-in cùng ‘bia mộ’ của rừng già - 4

Một dấu ấn thời gian của rừng trên núi Lảo Thẩn.

Những dấu ấn trăm năm trên Nhìu Cồ Sàn, Lào Cai

Dọc theo triền núi và ẩn sâu trong rừng, những phượt thủ sẽ phát hiện ra nhiều dấu tích trăm năm của các loài cây cổ thụ để lại. Trong đó, có một gốc tích đã lên ảnh cùng nhiều người ưa thích khám phá. Mất khoảng 6 giờ đồng hồ vượt qua những con dốc khá gắt và mất sức, trekker băng qua bản Nhìu Cồ San thơ mộng, đến với thác Ong Chúa, rồi tiếp tục hướng về phía trời để đến với “bia mộ” và ngắm “thác mây” phía dưới.

Anh Nguyễn Anh Chiêm, với đam mê chinh phục những hành trình về với đại ngàn, đã luôn tìm kiếm những “bia mộ” của thiên nhiên. Trong hành trình đến với Nhìu Cồ San, anh chia sẻ: “Để đến với đỉnh núi bắt mây, tôi đã phải trải qua nhiều con dốc khá gắt và mất sức. Có đêm ở lán gặp mưa bão, mái tôn như sắp bung đến nơi. Nhưng sáng hôm sau thiên nhiên như bừng tỉnh.

Chúng tôi đến được với một gốc cây đã chết, đứng trên đó nhưng trái tim của chúng tôi như sống lại ở tuổi trẻ khi nhìn thấy khung cảnh đồi núi chìm trong mây giăng. Đấy cũng là một gốc cây sống ảo mà tôi ghi nhớ trong rất nhiều hành trình của mình”.

Check-in cùng ‘bia mộ’ của rừng già - 5

Trên triền núi Nhìu Cồ Sàn, Lào Cai

“Linh hồn” của Tả Liên Sơn

Dãy núi Tả Liên Sơn nổi tiếng bởi những thảm thực vật nguyên sinh đa dạng nằm dưới tán cây cổ thụ xum xuê. Đỉnh Tả Liên nằm ở độ cao 2996m, là ngọn núi cao thứ 6 của Việt Nam.

Check-in cùng ‘bia mộ’ của rừng già - 6

Gốc cây được giới phượt thủ xem là linh hồn của Tả Liên Sơn

Nơi đây có một gốc cây được giới phượt thủ xem là biểu tượng và linh hồn của Tả Liên Sơn. Bởi bất kỳ ai đã chinh phục hành trình này, đều đã nghỉ ngơi và check-in tại “bia mộ” hùng vỹ.

Check-in cùng ‘bia mộ’ của rừng già - 7

Thân cây cổ thụ gãy đổ, xác còn nằm nguyên vẹn một bên như dấu tích cuộc chiến giữa thiên nhiên và thời gian. Gốc cây còn lại đã rỗng, làm môi trường sinh sống cho các loại cây và rêu phong, dương xỉ. Gốc cây có thể chứa trọn từ 2-3 người.

Check-in cùng ‘bia mộ’ của rừng già - 8

Những thế hệ cây cổ thụ vươn lên và đổ xuống, ghi lại dấu mốc mấy trăm năm của cánh rừng nhiệt đới. Từ đồng bằng băng rừng khám phá thiên nhiên, con người hẳn ngỡ ngàng trước sự hùng vỹ của núi rừng, mà ngay chỉ với những “bia mộ” ghi dấu ấn trăm năm cũng đã đủ để gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài: Khánh Trinh, ảnh: Nguyễn Anh Chiêm

CLIP HOT