Chàng trai kẹt ở Cao Bằng 2 tháng vì Covid-19

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đi làm video về cảnh đẹp Việt Nam, Phan Quốc không thể trở về TP HCM vì dịch bất ngờ, phải ở nhà sàn gần thung lũng Phong Nậm (Trùng Khánh).

Đến ngày 23/8, Phan Quốc (sinh năm 1992) đã tới Cao Bằng tròn 2 tháng. Anh cho biết, mục đích của chuyến đi là để quay cảnh đẹp của các tỉnh thành, hoàn thành video vẻ đẹp Việt Nam đã ấp ủ hơn một năm qua. Anh khởi hành từ TP HCM đến Hà Nội giữa tháng 5, sau đó thuê xe máy khám phá các tỉnh thành miền Bắc, trong đó có Ninh Bình một tháng.

Chàng trai kẹt ở Cao Bằng 2 tháng vì Covid-19 - 1

Những cánh đồng lúa ở Phong Nậm, gần nơi Quốc ở 2 tháng nay.

Khi tới Cao Bằng, anh dự định sẽ quay các cảnh đẹp ở Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Ngọc Khê, Ngọc Côn, mùa lúa chín ở thung lũng Phong Nậm... sau đó sẽ tiếp tục di chuyển tới Mù Cang Chải (Yên Bái) để săn cảnh mùa lúa chín. Tuy nhiên, gần cuối tháng 6, dịch Covid-19 diễn ra phức tạp ở các địa phương, cả nước ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới so với thời điểm bùng dịch cuối tháng 4. Vì thế, Quốc quyết định không di chuyển, tiếp xúc với nhiều người để chung tay chống dịch. Anh cho biết không muốn rời Cao Bằng vì có thể không được trở lại tỉnh, sẽ bỏ lỡ "mùa vàng" tháng 9 ở Phong Nậm.

Ở thành phố Cao Bằng khoảng nửa tháng, anh chuyển tới ở nhà sàn của người địa phương tại homestay Giốc Rùng, được bao quanh bởi núi trong xã Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh), tiếp giáp xã Phong Nậm. Ở đây người dân sống chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Ở một mình, anh vẫn duy trì công việc lập trình viên qua máy tính, thời gian còn lại trong ngày sẽ đi tới một nhánh sông Quây Sơn, ngắm hoàng hôn, đi dạo, chụp ảnh các bánh xe nước dẫn vào cánh đồng.

Anh cho biết cảm thấy may mắn vì được ở lại, di chuyển tự do ở Cao Bằng, nơi chưa có ca nhiễm Covid-19 nào cho tới nay. Tỉnh cũng dừng đón khách du lịch từ 24/7 nên rất an toàn, mọi hoạt động dường như diễn ra bình thường, chỉ tạm dừng các hoạt động không thiết yếu và cơ sở kinh doanh không phục vụ sau 22h.

Chàng trai kẹt ở Cao Bằng 2 tháng vì Covid-19 - 2

Quốc chơi đùa cùng một con ngựa trong đàn ở Trà Lĩnh. Anh cho biết những lần đầu gặp, chúng chưa quen nên hung dữ, lâu dần mới cho lại gần.

Chàng trai kẹt ở Cao Bằng 2 tháng vì Covid-19 - 3

Hoàng hôn ở cây cầu tre địa phương.

Chàng trai kẹt ở Cao Bằng 2 tháng vì Covid-19 - 4

Bầu trời đêm nhìn từ nhà sàn anh ở.

Chàng trai kẹt ở Cao Bằng 2 tháng vì Covid-19 - 5

Thác Bản Giốc hùng vĩ tháng 6.

Hàng ngày xung quanh homestay là tiếng gà, vịt; tối đến là tiếng dế, ếch kêu. Đặc biệt do ở vùng núi và xung quanh không có đèn điện, những tối trời quang, anh có thể ngắm dải ngân hà, không thể tìm thấy ở các thành phố hay thị trấn ngày nay.

Ở lại nhà sàn, anh cũng được thưởng thức những món ăn địa phương do bà chủ lớn tuổi nấu hàng ngày, mà nguyên liệu sạch từ khu vườn. Với anh, 2 tháng qua là thời gian lý tưởng để anh trải nghiệm sự yên bình, sống gần với thiên nhiên hơn. Dù cảnh vật ở đây không thay đổi nhiều, anh cho rằng mình không hề thấy nhàm chán. Những đồng lúa ở Phong Nậm đã bắt đầu trổ bông là tin anh mong chờ nhất trong những ngày ở đây. Dùng flycam, anh ghi được hình ảnh cánh đồng lúa xanh mướt nằm giữa những dãy núi đá vôi, uốn lượn ở giữa là nhánh sông tự nhiên.

"Việt Nam được mẹ thiên nhiên ưu đãi cho quá nhiều cảnh đẹp. Vì vậy mình mong muốn sẽ góp phần lan tỏa vẻ đẹp ấy đến bạn bè quốc tế", anh nói và cho biết video đã hoàn thành được 70%. Anh dự kiến sẽ hoàn thành video vào năm sau khi ghi hình mùa lúa tháng 4 ở Mù Cang Chải, vì năm nay đã bỏ lỡ do dịch bệnh.

Anh chia sẻ, chi phí ở lại Cao Bằng không cao. Tiền ở homestay là 200.000 đồng/ngày, chi phí thuê xe 1,5 triệu đồng/tháng. Trong những ngày đi xa, Quốc cho biết cũng rất lo lắng cho mẹ và anh trai ở TP HCM, trong trường hợp cần thiết anh sẽ chạy xe máy về thẳng thành phố. Theo kế hoạch, khi ghi hết cảnh lúa chín khoảng một tuần, anh sẽ tiếp tục tới các tỉnh Tây Bắc, vì người xuất phát từ Cao Bằng được coi là vùng xanh.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lan Hương (Theo VnExpress)

CLIP HOT