An Giang vào mùa nước nổi – Mùa du lịch đẹp nhất trong năm
Tháng 8 âm lịch là lúc An Giang vào mùa nước nổi – mùa du lịch đẹp nhất trong năm, cũng là mùa no ấm của người địa phương chân lấm tay bùn bởi các loại thủy sản trời cho theo nước lũ tràn về.
Mời bạn về thăm An Giang, vùng đất miền biên viễn với đất đai sông nước trù phú, nhiều thắng cảnh nức tiếng và những món ăn dân dã làm say lòng bao du khách.
Nhắc đến du lịch ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (miền Tây Nam bộ), không thể không nhắc đến vùng đất miền biên viễn An Giang, tỉnh giáp ranh với Campuchia. Với tỉnh lỵ là thành phố Long Xuyên nằm cách TP.HCM khoảng 180 km, du khách dễ dàng tiếp cận An Giang bằng các phương tiện giao thông đường bộ. Nếu đã một lần đặt chân đến An Giang, không du khách nào có thể quên được vẻ bình yên và thu hút của mảnh đất này.
Phong cảnh thiên nhiên đa dạng
Được thiên nhiên ưu ái, An Giang có đủ các loại hình cảnh quan từ sông suối, kênh rạch, đồng bằng cho đến núi đồi. Các thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng ở miền biên viễn này có thể kể ra như: rừng tràm Trà Sư, hồ Ôtuksa, suối Ôtuksa, hồ Tà Pạ, núi Sam, núi Cấm,…
Nét đẹp rừng tràm Trà Sư An Giang
Hồ Tà Pạ mát xanh
Với đất đai trù phú, khí hậu ôn hòa, du khách có thể du lịch An Giang vào bất cứ mùa nào trong năm. Tầm tháng 8 âm lịch, An Giang vào mùa nước nổi – mùa du lịch đẹp nhất trong năm, cũng là mùa no ấm của người địa phương chân lấm tay bùn bởi các loại thủy sản trời cho theo nước lũ kéo về. Khoảng tháng 6 và tháng 12 hàng năm, nếu đến An Giang vào đúng mùa gặt, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những cánh đồng lúa chín bạt ngàn vàng óng trong nắng.
An Giang mùa nước nổi
Cánh đồng An Giang bao la nhìn từ trên cao
Xứ sở của thốt nốt và bò trắng
An Giang vốn được mệnh danh là “xứ sở của cây thốt nốt”. Thốt nốt ở An Giang gắn liền với vùng Thất Sơn huyền bí (còn gọi là vùng Bảy Núi) thuộc địa phận huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên. Nếu như dân nhiếp ảnh gia thích đến An Giang để canh chụp ảnh những cây thốt nốt đu đưa trong gió trong khoảnh khắc bình minh hay hoàng hôn, thì với một du khách thuần túy, địa danh “thốt nốt Trái Tim” luôn là một điểm “check-in” hấp dẫn.
An Giang, “xứ sở của cây thốt nốt”
Địa danh “check-in” hấp dẫn: thốt nốt Trái Tim
An Giang còn là nơi nuôi thả những chú bò trắng. Bò thì chẳng ai lấy làm lạ, nhưng bò màu trắng thì có chút đặc biệt với những du khách thị thành. Theo thông lệ, vùng đất này còn thu hút người người gần xa bởi lễ hội đua bò Bảy Núi – một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian được tổ chức vào dịp Sene Dolta (lễ cúng ông bà, tưởng nhớ tổ tiên) của đồng bào Khmer, rơi vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch hàng năm.
Bò trắng ở An Giang
Văn hóa tâm linh đặc sắc
Những vùng đất huyền bí cùng các câu chuyện, giai thoại linh thiêng đã giúp cho An Giang phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch tâm linh, du lịch hành hương trong tỉnh. Đến với An Giang, du khách có thể tham quan và chiêm bái tại các ngôi đền, khu di tích văn hóa lịch sử cách mạng ở nhiều điểm nổi tiếng như: miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, cụm di tích Núi Cấm, Nhà Mồ Ba Chúc, khu di tích đồi Tức Dụp, đền thờ Nguyễn Trung Trực,…
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam
Những ngôi chùa Nam tông Khmer ấn tượng
Dân tộc Khmer chiếm tỉ lệ lớn trong các dân tộc thiểu số ở An Giang. Phần lớn họ theo Phật giáo Nam tông (Phật giáo Tiểu Thừa), nên tại An Giang tập trung số lượng lớn những ngôi chùa Nam Tông Khmer. Ngoài kiểu kiến trúc thiết kế độc đáo và ấn tượng, khu vực bên trong các chùa Khmer ở An Giang còn được trang trí vô cùng tinh xảo và lộng lẫy, mang đậm ảnh hưởng triết lý Phật giáo, Bà-la-môn giáo, cùng tín ngưỡng dân gian.
Chùa Xvay Ton (chùa Xà Tón), ngôi chùa Nam tông Khmer xưa nhất An Giang
Cổng chùa Kon Kas (chùa Tual Prasat) được ví như “cổng trời” hay “cổng thiên đàng”
Vùng đất lịch sử Cù Lao Giêng
Cù lao Giêng là tên gọi chung cho 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Đây là một điểm đến du lịch hấp dẫn, mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách bởi lịch sử khai phá hơn 300 năm, cùng thiên nhiên xanh mát, vườn cây trái bội thu.
Cù Lao Giêng thanh bình
Các điểm tham quan phổ biến ở cù lao mượt mà và thanh bình này có thể nhắc đến như: nhà cổ 100 năm tuổi, nhà thờ Cù Lao Giêng, tu viện Phanxico, Thành Hoa Tự (chùa Ông Đạo nằm), đình thần Tấn Mỹ,…
Đình thần Tấn Mỹ trên Cù Lao Giêng
Ẩm thực dân dã phong phú
Bên cạnh các giá trị văn hóa lịch sử tâm linh, thiên nhiên đa dạng và trù phú, người dân hiếu khách và nhiệt thành, thì nền ẩm thực địa phương tại An Giang cũng để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Các món ăn đặc sản dân dã trong tỉnh chẳng những thu hút trong cách trình bày mà còn hấp dẫn ở mùi vị. Món ăn no thì có cơm tấm Long Xuyên, bánh Canh Vĩnh Trung Tịnh Biên,… Ăn chơi thì có bò bảy món núi Sam, gà đốt lá chúc Ô Thum, bánh xèo rau rừng,…
Bánh xèo rau rừng ở An Giang
“Vương quốc mắm” Châu Đốc
Và nếu có dịp ghé thăm xứ An Giang giàu đẹp, du khách chẳng ai là không từng thưởng thức ly nước thốt nốt mát lạnh, chiếc bánh bò thốt nốt thơm ngon, rồi mua về làm quà cơ man các loại đường thốt nốt, nước màu thốt nốt,… Hay có được một buổi thảnh thơi, ghé chợ Châu Đốc khám phá “vương quốc mắm”, tìm mua các loại khô cá thơm ngon, các loại bánh trái vùng biên lạ mắt dành tặng bạn bè, người thân.
Thốt nốt Khedol ở Tây Ninh, người dân thường gọi là “cây tình yêu”. Giữa đồng lúa mênh mông, cặp đôi thốt nốt nghiêng...