ĐÔ THỊ HOÁ VÀ Ô NHIỄM, CHÂU Á TRONG NĂM 2016?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đô thị hoá không chỉ là phát triển mạnh về dân số, có thêm nhiều nhà cao tầng, chung cư; phổ cập công nghệ thông tin, internet mà còn phải hài hoà và đồng bộ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, công ích, y tế, giáo dục bên cạnh các chuẩn mực về văn hoá, lối sống và vệ sinh, môi trường xanh, sạch.

 ĐÔ THỊ HOÁ VÀ Ô NHIỄM, CHÂU Á TRONG NĂM 2016? - 1

Đô thị hoá với hệ lụy tệ nạn và bệnh tật

Từ khi thành phố được “phát minh”, những người có tiền tự động xem đây là lãnh địa của họ! Nông thôn dù phì nhiêu đến mấy cũng bị xem là của…tầng lớp nghèo. Nhiều thành phố tại những nước đang phát triển hiện nay sẽ chết già theo số tuổi của chúng và trở thành cổ. Gạch, đá cũ và nhiều thứ khác không còn bảo trì, thay thế được. Chúng để lại một di sản rác rưới khổng lồ cho thế hệ mai sau. Nào là vô số cột thu phát sóng điện thoại di động, các nhà máy sử dụng than đá và dầu hoả, rồi hàng đống giấy tờ tồn kho trong các văn phòng kiểu cũ. Thành phố đầy dẫy nạn nhân của biến đổi khí hậu di tản về. Người nghèo vẫn đông đúc để người khác… biết mình giàu. Nhiều khu ổ chuột mới mọc lên ở ngoại ô giống như các “cộng đồng lều” tại những nước đã phát triển. Các nhà xưởng bóc lột sức người và các điểm hút chích buôn bán bất hợp pháp ma tuý tiếp tục tồn tại. Đô thị chưa bao giờ hết mang tiếng là nơi dung dưỡng mọi loại tội ác từ khi đô thị ra đời.

Một thành phố không có tội ác là “thành phố không tưởng” vì con người chưa biết “thế nào là đủ”. Con người sống tại các đô thị hiện nay ngày càng xa lạ với giấc ngủ, và thời gian ngủ cũng bị đảo lộn. Số người ngủ ngày đông dần lên, vì ban đêm còn bận kiếm sống. Con người có thể ngủ, nhưng thành phố luôn luôn thức, và các hệ thống “mạch máu” phải vận hành không nghỉ một giây. Nếu nghỉ, mọi thứ sẽ tê liệt và thành phố sẽ chết. Sống trong một thế giới mà tất cả dịch vụ và tiện ích đều được nối mạng thì ảnh hưởng và tác hại dây chuyền là rất lớn. Lo lắng về thảm hoạ cháy nhà cao tầng đã trở thành nỗi ám ảnh tâm lý ngày càng tăng của những người sống trong chung cư và cao ốc văn phòng. Vui hưởng không khí trong lành ở độ cao, nhìn khắp thành phố từ căn phòng nội thất đẹp với tiện nghi hiện đại, nhiều người không nghĩ rằng họ đã tự giam mình trong một không gian nhỏ rất khó xoay sở khi xảy ra sự biến, đặc biệt là cháy nổ.

“Cháy nhà cao tầng là cơn ác mộng của đội ngũ cứu hoả tại chỗ, dù có được trang đầy đủ” – một chuyên viên an toàn nhà cao tầng nói. Nhiều cư dân bắt đầu quan tâm đến tính mạng và tài sản của họ sau khi hoả hoạn gây thiệt hại nặng cho nhiều toà chung cư tại các nước đang phát triển, đặc biệt là những toà nhà có hệ thống thoát hiểm kém, phương tiện cứu hoả kém và tường ngăn được làm bằng loại vật liệu dễ cháy. Ước tính có đến 50% chung cư cao cấp được trang trí mặt tiền bằng vách ốp có chất dẻo rất nhạy nhiệt nằm giữa hai tấm nhôm. Khi các vách này bị cháy, chúng sẽ lan rất nhanh. Nguyên nhân có thể chỉ là tàn thuốc lá vứt không đúng chỗ, hay than từ lò nướng ở ban công. Một chuyên viên cháy nổ nhấn mạnh là có rất nhiều vụ cháy nhà cao tầng không được điều tra đến nơi đến chốn và nhiều vụ không tìm được nguyên nhân thực sự. Các nước đều có luật lệ và qui định về xây dựng và quản lý nhà cao tầng, đa phần mô phỏng luật Anh và Mỹ, nhưng do áp lực của các công ty kinh doanh địa ốc, luật thường khá mơ hồ, ai giải thích thế nào cũng được. Sự phát triển nhanh đến chóng mặt của các thành phố có nghĩa là luật không đuổi kịp thực tiễn. Các chung cư được xây dựng bằng công nghệ và qui trình mới nên tốc độ cực nhanh. Việc vận dụng luật lại tuỳ tiện. “Tôi có cảm giác như gia đình mình đang sống trong một cái bẫy tử thần” – một cư dân bức xúc.

Ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ánh sáng và phân hoá xã hội

ĐÔ THỊ HOÁ VÀ Ô NHIỄM, CHÂU Á TRONG NĂM 2016? - 2

“Năng lượng thay thế” sẽ đóng vai trò chủ đạo trong “quốc sách” năng lượng. Tại các thành phố, năng lượng gió, thuỷ triều và năng lượng mặt trời sẽ trở thành bình thường như xăng dầu và than đá, hai loại năng lương gây ô nhiễm môi trường. Hiện năng lượng mặt trời chiếm đến ¼ nguồn cung năng lượng của hành tinh với mức tăng trưởng đạt 86% vào năm ngoái.

Đây là mức tăng nhanh nhất cho thấy đang có sự chuyển biến rõ rệt về chọn lựa năng lượng tiêu thụ của người dân. Một số nhà phân tích thị trường năng lượng còn dự báo là năng lượng mặt trời sẽ chiếm ưu thế trong tổng điện năng cung cấp toàn cầu. Nhưng ý tưởng “năng lượng xanh” còn quá xa vời với các thành phố “khát” điện với bất cứ giá nào. Các cư dân thành phố hy vọng, cuối cùng thì nhiên liệu tái tạo sẽ trở thành xu hướng chung của thế giới. Xăng sạch thay thế dần xăng dầu thông dụng để chạy xe. “Đây là qui luật không thể đảo ngược trong một thế giới xanh hoá” – một nhà phân tích xu hướng năng lượng tương lai nói. Phát triển đô thị còn này sinh ra lắm bất cập khác, trong đó có hai vấn nạn đáng chú ý là giao thông hỗn loạn và bất bình đẳng xã hội. Ví dụ thành phố Rio De Janeiro của Brazil. Tờ Financial Times từng cảnh báo về “nguy cơ tiềm ẩn của đô thị hoá thiếu điều tiết”. “Toàn cầu hoá làm cho các thành phố lớn giầu hơn nhưng cũng làm tăng bất bình đẳng xã hội, thậm chí có thể tạo ra một “thùng thuốc nổ bạo lực” chỉ chờ châm ngòi là bùng cháy. “Chúng ta đã phạm sai lầm lớn khi nhìn các thành phố Luân Đôn, New York, Tokyo…bằng con mắt quá lạc quan, và tự đánh lừa mình rằng các thành phố này là các sân chơi bình đẳng cho mọi người, nơi mọi người cùng có cơ hội như nhau” – một nhà nghiên cứu các hệ lụy của phát triển đô thị nhận định. Sống tại các đô thị phát triển quá sức chịu đựng, mỗi ngày ngày trôi qua, chúng ta đều bị bao vây bởi tiếng ồn và “cộng hưởng tiếng ồn”.

Đô thị của tương lai có thoát khỏi các vấn nạn cũ?

ĐÔ THỊ HOÁ VÀ Ô NHIỄM, CHÂU Á TRONG NĂM 2016? - 3

Năm 2050, dân số trái đất có thể đạt đến 10 tỉ người và 75% sẽ sống tại các thành phố và siêu đô thị. Khi không gian đô thị dàn trải theo cả bề rộng lẫn chiều cao thì “làm cách nào bảo đảm là sự phát triển có thể tự duy trì?” là câu hỏi phải trả lời. Các chuyên gia qui hoạch đô thị cần ngồi lại để xem xét một loạt giải pháp khả thi nhằm giúp các thành phố kéo giảm được tác hại do chính kích cỡ của nó gây ra và nâng cao khả năng tự duy trì. Thành phố tương lai có diện mạo bên ngoài và “chất lượng sống” bên trong ra sao? Đây là 2 nội dung nổi cộm cần trả lời sớm. “Cư dân của các siêu đô thị tương lai sẽ có cái nhìn thế nào về chúng? Chắc chắn chúng sẽ không bị quá tải bởi ánh sáng, âm thanh và mùi vị như hiện nay. Tất cả các thành phố và siêu đô thị đông đúc đều có chung ba đặc điểm này. Thành phố tương lai, dù không gian chiều rộng còn thừa mứa, nhà chọc trời vẫn mọc lên san sát! Lý do đơn giản: không thể gọi là siêu độ thị nếu thiếu nhà chọc trời và hệ thống giao thông mạng nhện. Chỉ có hệ thống điện, viễn thông là được chuyển xuống dưới đất.

Đèn tín hiệu giao thông và biển báo giao thông sẽ giảm mạnh. Xe tự hành hoạt động ngày đêm thầm lặng và chăm chỉ như đàn kiến. Chúng đi qua các giao lộ mà không hề va chạm vào nhau. Siêu đô thị sẽ không có khói, an toàn với CO2 và im lặng hơn nhiều. Thành phố bớt được ô nhiễm không khí. Thành phố của tương lai sẽ tràn ngập các loại thực phẩm chế biến đa dạng. Khi ý thức về sức khoẻ phổ cập hơn, người dân sẽ chuyển qua ăn uống những thứ có lợi cho sức khoẻ, kể cả côn trùng, tảo và vi sinh. Đây là những món mà Liên Hiệp quốc đang khuyến khích sử dụng. Mì gói và thức ăn nhanh sẽ không biến mất, thậm chí còn phổ biến hơn nữa nhưng công thức phải khác để đáp ứng tâm lý “ăn uống an toàn và mạnh khoẻ”. Người già đô thị chống đi lạc và phát bệnh bằng vòng đeo tay hay đồng hổ nối mạng với các dịch vụ y tế hay an ninh. Nhiều công nghệ được phát triển cho người già để tăng chất lượng sống cho họ vì thành phần dân số lão hoá ngày càng đông. Giao dịch mua bán trên mạng trở thành chủ đạo, vừa giảm được thời gian đi lại vừa thuận tiện hơn nhưng hoạt động chống tội phạm trên không gian ảo cũng tất bật hơn.

ĐÔ THỊ HOÁ VÀ Ô NHIỄM, CHÂU Á TRONG NĂM 2016? - 4

Trong vài chục năm nữa, con người sẽ xây dựng được một số điểm cư trú trong không gian phi trọng lực. Có thể là một thành phố khang trang giống một Dubai thu nhỏ. Chúng ta cũng sẽ bắt đầu “thuộc địa hoá” Mặt trăng và sao Hoả. Do biến đổi khí hậu, các trận siêu bão sẽ mạnh hơn và những thành phố ven biển luôn phải đối phó với bão tố và nước dâng. Các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng có nhiều việc để làm nhắm giúp con người tối giảm được tác hại của thay đổi khí hậu.

LÊ TÂY SƠN

 (Theo The New York Times và The Economist 12.2015)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT