Về Dương Nỗ, thăm các di tích gắn với thời niên thiếu của Bác Hồ
Cùng với ngôi nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ, Đình làng Dương Nỗ, Bến đá, Am Bà đã khắc ghi trong trí nhớ của Người về kỷ niệm tuổi thơ trong sáng và nỗi nhớ đau đáu về một miền quê xứ Huế.
Huế không chỉ nổi tiếng với 8 di sản được UNESCO vinh danh, với danh lam thắng cảnh nổi tiếng như sông Hương, núi Ngự đã đi vào thi ca và có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, mà Huế còn được biết đến là nơi lưu giữ những giá trị di sản tinh thần và vật chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mảnh đất này đã gắn bó sâu đậm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình của Người về sinh sống, học tập trong quãng thời gian 10 năm.
Chính nơi đây là mảnh đất đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để từ đó Người quyết định đi ra nước ngoài tìm con đường cứu dân – cứu nước.
Vì thế, Huế không những là nơi in đậm dấu ấn tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đọng lại những tình cảm sâu nặng, những ký ức nguyên vẹn thuở thiếu thời, mà Huế còn là một thành tố quan trọng đối với sự hình thành con người vĩ đại Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Ở TP Huế hiện còn khoảng 20 di tích và địa điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc liên quan trực tiếp đến gia đình Người. Trong đó, có 4 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt gồm: Nhà lưu niệm Bác Hồ ở đường Mai Thúc Loan; Trường Quốc Học Huế; Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ; Đình làng Dương Nỗ.
Nhân dịp TP Huế tổ chức Ngày hội ở làng Dương Nỗ, du khách về làng Dương Nỗ tham quan các điểm di tích gắn bó với tuổi thơ của Bác Hồ.
Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ nằm trong cụm di tích lưu niệm về Người ở làng Dương Nỗ. Cùng với đình làng, Am Bà, Bến đá, ngôi nhà đã góp phần tái hiện cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với cha và anh trai ở một làng quê của Huế vào những năm cuối thế kỷ XIX (1898-1900).
Năm 1898, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Bác) về mở lớp dạy học tại làng Dương Nỗ, học trò của cụ lúc bấy giờ có 2 lớp (lớp học trò lớn chuẩn bị thi Hương và lớp học trò mới vào học vỡ lòng).
Tại ngôi nhà mái tranh đơn sơ, giản dị, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu học chữ Hán, từ người thầy đầu tiên cũng chính là người cha thân yêu của mình, đã góp phần mở ra nhãn quan mới về nhận thức.
Làng Dương Nỗ đã ghi lại những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên của Nguyễn Sinh Cung, lúc học tập, vui chơi, nô đùa ở Đình làng, Am Bà, khi vùng vẫy trên sông Phổ Lợi với bạn bè. Chính nơi đây, hàng ngày Nguyễn Sinh Cung đã chứng kiến tinh thần lao động cần cù, tình làng nghĩa xóm của những người dân quê mộc mạc. Đó là nhân tố góp phần tạo nên tình yêu quê hương đất nước sâu nặng của Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Di tích Đình làng Dương Nỗ là một di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế. Đặc biệt mang dấu ấn khá sâu đậm trong thời gian 2 năm Người cùng anh theo cha về sinh sống, học tập tại làng Dương Nỗ.
Làng Dương Nỗ với ngôi đình bề thế, uy nghi được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông (1471), tọa lạc bên dòng sông Phổ Lợi, đã gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của làng quê qua bao thăng trầm và biến đổi.
Trong 2 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc bấy giờ có tên là Nguyễn Sinh Cung) cùng anh theo cha về làng Dương Nỗ, Đình làng là nơi Bác Hồ thường lui tới vui chơi và viếng cảnh. Đặc biệt, vào những dịp hội hè, tế lễ hàng năm của làng, Bác và bạn bè cùng lứa tuổi đã chứng kiến, hòa chung với những sinh hoạt văn hóa truyền thống nơi đây.
Điểm di tích Am Bà.
Nơi đây Nguyễn Sinh Cung thường đến hóng mát và học bài trong những năm Người sống, học tập ở làng Dương Nỗ.
Điểm di tích Bến đá - Nơi Nguyễn Sinh Cung thường ra tắm giặt trong những năm Người sống và học tập ở làng Dương Nỗ.
Cùng với ngôi nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ, Đình làng Dương Nỗ, Bến đá, Am Bà đã khắc ghi trong trí nhớ của Người về kỷ niệm tuổi thơ trong sáng và nỗi nhớ đau đáu về một miền quê xứ Huế, nơi đã tác động không nhỏ đến đời sống tình cảm và nhận thức của Người.
Di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Huế là tình yêu thương bao la cùng hệ thống di tích lưu niệm vô cùng quý giá về Người mà Đảng bộ và nhân dân TP Huế luôn trân trọng giữ gìn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị.

Với 35 tác phẩm ký họa, triển lãm giới thiệu đến công chúng những địa danh, ngôi nhà gắn biết bao nhiêu kỷ niệm thời...