Trong những ngày thành phố ồn ào và ngột ngạt vì nhịp sống tất bật, Lữ Duy Tường, một người yêu xê dịch đến từ TP.HCM, đã chọn hành trình "trốn phố" về với biển cả.
Không phải là Phan Thiết sôi động hay Mũi Né đông đúc, điểm đến lần này là làng chài Hòa Thắng, hay còn được gọi làng chài Bãi Ốc, thuộc xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Làng chài này nằm e ấp phía sau núi Hòn Hồng, gần như tách biệt hoàn toàn với sự ồn ã.
Làng chài này nằm e ấp phía sau núi Hòn Hồng, gần như tách biệt hoàn toàn với sự ồn ã
Bãi biển nơi đây có hình vòng cung, được núi bao bọc nên chắn gió tốt, trở thành nơi lý tưởng cho ngư dân neo đậu thuyền vào mùa mưa bão. Không bảng hiệu, không hàng quán, không cả tiếng loa rao vặt, mọi thứ chỉ có biển, cát, rừng dương và tiếng sóng thì thầm.
Tường đến nơi khi trời vừa nghiêng nắng, một bên là rừng núi hoang sơ, một bên là biển cả mênh mông. Anh chọn dựng trại bên cánh rừng dương, nơi bóng mát dịu dàng đổ xuống bãi cát mịn. Từ đây, anh có thể vừa thư thả ngắm làn nước xanh biếc, vừa cảm nhận làn gió mát lành thổi từ khơi xa, mang theo mùi muối biển đặc trưng của vùng duyên hải.
Làng chài Hòa Thắng, hay còn được gọi làng chài Bãi Ốc
Những trải nghiệm mộc mạc và đáng nhớ Làng chài này là nơi sinh sống của những cư dân gốc, đời này nối tiếp đời kia bám biển mưu sinh. Chính vì thế, không gian vẫn giữ được vẻ bình dị và nguyên sơ hiếm thấy.
Người dân cần mẫn vá lưới dưới nắng tháng Năm
Ban ngày, Tường thảnh thơi câu cá, bắt vẹm xanh từ các bãi đá, hoặc đơn giản chỉ là đi dạo trên bãi cát trải dài để cảm nhận từng làn sóng, nghe tiếng gió kể chuyện về biển xưa.
Chiều xuống, làng chài bắt đầu rộn ràng hơn đôi chút. Tường kể: “Tầm xế chiều, nhiều ngư dân và bọn trẻ con trong làng rủ nhau ra tắm biển, nô đùa, cười vang cả một vùng trời. Mình ngồi đó, nhìn họ sống thật với thiên nhiên, bỗng thấy lòng mình nhẹ tênh”.
Khi mặt trời lặn, anh dời trại lên một mỏm đất cao. Từ vị trí ấy, cả hoàng hôn như vỡ òa trước mắt, mặt trời đỏ rực khuất dần sau đường chân trời. Xa xa, Hòn Rùa hiện ra như một bức tranh thủy mặc giữa biển xanh.
Hoàng hôn làng chài
Đêm xuống, tiếng sóng rì rào, tiếng gió khẽ ru và tiếng lòng thì thầm. “Càng lớn, tôi càng thích những nơi như thế, yên tĩnh, vắng lặng và khiến mình cảm thấy tự do, tự tại nhất”, Tường chia sẻ.
Sáng hôm sau, lúc mặt trời chưa kịp lên cao, Tường đã thấy thuyền cá của ngư dân lần lượt cập bến. Những mẻ hải sản tươi rói vừa đánh bắt được mang lên bờ, cá, mực, ốc, ghẹ… đều có thể mua ngay tại chỗ với giá vô cùng hợp lý. Đặc biệt, vào khoảng 14 h chiều, thuyền chuyên đánh bắt ốc cập bến, người mua chen nhau lựa hàng, giao dịch diễn ra nhanh gọn chỉ trong 1 - 2 tiếng.
Không chỉ có biển, nơi đây còn có câu chuyện đời sống cần mẫn. Giữa cái nắng như đổ lửa của tháng năm, người dân vẫn miệt mài vá lưới, kiểm tra máy móc, chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi tiếp theo.
Họ làm nghề không chỉ để mưu sinh mà còn là để giữ làng, giữ biển, giữ lấy nét văn hóa biển miền Trung đang dần mai một.
Tường rời Hòa Thắng khi nắng đã lên cao. Trên tay anh không phải là vali đầy quà, mà là những mảnh ký ức mộc mạc, chân phương, về con người, thiên nhiên, và về một góc biển đẹp như tranh mà không phải ai cũng biết.
Hành trình về làng chài Bãi Ốc là hành trình tìm về với sự bình yên nguyên bản, nơi không có tiếng còi xe, không có deadline hay wifi, chỉ có trái tim lặng lẽ cảm nhận từng nhịp sóng, từng làn gió, và từng khoảnh khắc tự do thật sự.