Đầm Thị Nại, tỉnh Bình Định là đầm nước lợ trải rộng 5.000 ha, nổi tiếng với hệ sinh thái hoang sơ kỳ thú, nhiều câu chuyện gắn liền với chiều sâu lịch sử, văn hóa độc đáo ở miền đất Võ, trời Văn hấp dẫn du khách.
Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 8km về phía Đông Bắc, đầm Thị Nại là một trong những đầm nước lợ lớn nhất tỉnh Bình Định trải rộng trên diện tích khoảng 5.000 ha.
Một trong những trải nghiệm đặc biệt nhất khi đến đây chính là đi tàu ngắm cảnh, tận hưởng không gian yên bình và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của đầm nước độc đáo này. Du khách được mua bảo hiểm suốt hành trình, phục vụ uống nước dừa,thưởng thức trái cây, bánh ít lá gai…
Du khách có thể đi tàu của Công ty TNHH Du thuyền Thị Nại Quy Nhơn xuất bến tại bến du thuyền Cửu Long Gia, khu biệt thự Đại Phú Gia TP. Quy Nhơn tham quan du ngoạn trên Đầm Thị Nại. Ngao du trên đầm, du khách được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về hệ sinh thái Đầm Thị Nại, về lịch sử hai trận đánh vang dội trên Đầm Thị Nại, cây Cầu Thị Nại vượt biển dài thứ hai Việt Nam, về hệ sinh thái đa dạng trên rừng ngập mặn Cồn Chim…
Điểm nhấn trên hành trình chính là cầu Thị Nại, cây cầu dài gần 7km nối liền thành phố Quy Nhơn và bán đảo Phương Mai. Từ dưới mặt nước nhìn lên, cây cầu hiện lên đầy ấn tượng, là điểm check-in lý tưởng cho những ai muốn lưu giữ những khoảnh khắc đẹp trong chuyến đi.
Đi sâu vào đầm, du khách sẽ có cơ hội quan sát hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, nơi sinh sống của hàng trăm loài chim nước như: Cò, vạc, bồ nông... Vào những buổi sáng sớm hoặc hoàng hôn, từng đàn chimbay đi kiếm ăn hay trở về trú ngụ trong rừng bần, rừng đước... tạo nên không gian thiên nhiên tuyệt đẹp.
Đầm Thị Nại rộng 5.000ha với hệ thống rừng ngập mặn rộng hơn 1.000ha. Giữa đầm có ba cồn nổi gồm Cồn Chim, Cồn Trạng, Cồn Giá (gọi chung là khu sinh thái Cồn Chim). Những năm gần đây, nhiều đoàn du khách trong nước và quốc tế về đây du lịch trải nghiệm, thưởng ngoạn không gian thiên nhiên hoang sơ độc đáo.
Du khách đến tham quan nơi đây có thể đi ca nô hoặc chèo sup để khám phá không gian sinh thái men theo những luồng, lạch giữa Cồn Chim mà ngỡ như lạc về các tỉnh miền Tây sông nước thật thú vị.
Vào buổi hoàng hôn, du khách chiêm ngưỡng nhiều loài chim bay về tổ trong rừng đước cổ thụ. Theo các chuyên gia, đầm Thị Nại trong đó có Cồn Chim như kho báu sinh thái có giá trị đặc biệt. Nếu được bảo tồn phát triển đúng hướng, ốc đảo này sẽ trở thành "lá phổi xanh" của tỉnh Bình Định. Sau khi khám phá rừng ngập mặn, du khách có thể thưởng thức món cá, tôm, cua nướng chấm với muối ớt dân dã nhưng ngọt bùi và đậm hương vị miền quê.
Sách Nước non Bình Định của Quách Tấn mô tả đầm Thị Nại (sử sách còn ghi tên là đầm Hải Hạc, đầm Biển Cạn) là nơi hợp lưu của nhiều nhánh sông Côn, sông Hà Thanh. Nước đầm Thị Nại chảy ra cửa biển Quy Nhơn qua hai “răng nanh giao mũi” là gành Hổ và mũi Cổ Rùa, tạo ra thế “thủy khẩu giao nha” rất tốt.
Mang trong mình vẻ đẹp nên thơ, khung cảnh trữ tình giữa mênh mông biển nước ôm trọn núi đồi, chen lẫn màu xanh mướt của những cánh rừng ngập mặn trải dài từ TP Quy Nhơn đến khu vực ven đê khu Đông của huyện Tuy Phước, đầm Thị Nại làm xao xuyến tâm hồn du khách ở bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Phía Tây của đầm nổi lên một cụm đá lớn có tục danh là tháp Thầy Bói. Tên gọi tháp Thầy Bói gắn với nhiều câu chuyện dân gian kể lại, rằng xưa kia có một bốc sư bói ra cụm đá này xây dựng ngôi tháp để làm nghề xem bói.
Lại có người bảo rằng, nơi cụm đá nổi giữa đầm Thị Nại ngày trước là nơi quần cư của loài chim bói cá (dân gian hay gọi tên chim Thầy Bói) nên có tên Thầy Bói. Hiện tại nơi đây có những ngôi miếu được xây dựng lên, là một trong những địa điểm tâm linh quen thuộc của người dân làm nghề đánh bắt thủy sản trên đầm Thị Nại.
Trải nghệm trên đầm Thị Nại, du khách còn được nghe hướng dẫn viên kể về Trận thủy chiến hỏa công với hàng loạt chiến hạm, súng thần công hùng tráng bậc nhất sử Việt diễn ra tại đầm Thị Nại giữa thủy quân Tây Sơn và thủy quân của Nguyễn Phúc Ánh vào năm 1801.
Sau chuyến ngao du khám phá trên đầm, du khách có thể ghé đến những nhà hàng, quán ăn để thưởng thức ẩm thực dân dã, với nguyên liệu chế biến từ những sản vật được khai thác trong đầm Thị Nại, như: Lẩu cua, chả ram tôm đất, sò hấp, cháo hàu, cá dìa nấu canh chua, bánh xèo tôm nhảy… để rồi xuýt xoa nhớ mãi hương vị ẩm thực đậm đà khó quên ở vùng đất này.
Chuyến đi tàu khám phá đầm Thị Nại không chỉ mang đến trải nghiệm thư giãn giữa thiên nhiên mà còn giúp du khách khám phá vẻ đẹp hoang sơ và nét văn hóa đặc trưng của miền đất Võ, trời Văn.