Qua hơn 600 năm tồn tại, Gia Dục Quan vẫn bền bỉ cùng thời gian và là một trong những điểm du lịch được khách quốc tế yêu thích.
Gia Dục Quan - "Đệ nhất hùng quan" của Trung Quốc. Ảnh: Ngô Trần Hải An.
Được xây dựng tại vùng biên giới giáp sa mạc Gobi, kết nối trực tiếp với Con đường Tơ Lụa huyền thoại, Gia Dục Quan nằm ở điểm hẹp nhất ở phần phía Tây của hành lang Hà Tây, về phía Tây Nam thành phố Gia Dục Quan của tỉnh Cam Túc (Trung Quốc).
Theo ghi chép lịch sử, công trình được khởi công vào đầu thời nhà Minh, tức khoảng năm 1372. Gia Dục Quan có cấu trúc hình thang với chu vi 733m và diện tích trên 33.500m². Tổng chiều dài tường thành là 733m và chiều cao tường thành là 11m.
Cửa ải có hai cổng: một ở phía Đông và một ở phía Tây. Tại cửa ngõ phía Tây có dòng chữ "Gia Dục Quan" bằng Hán tự được viết trên một tấm bảng lớn. Hai mặt còn lại là phía Nam và Bắc của cửa ải kết nối với Vạn Lý Trường Thành.
Khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ của vùng sa mạc Gobi nhìn từ Gia Dục Quan. Ảnh: Ngô Trần Hải An.
Gia Dục Quan kết nối trực tiếp với Vạn Lý Trường Thành, tạo thành một tuyến phòng thủ vững chãi. Ảnh: Ngô Trần Hải An.
Đoàn người du mục cưỡi lạc đà - một nét đẹp văn hóa thường thấy tại Gia Dục Quan. Ảnh: Ngô Trần Hải An.
Trong quá khứ, Gia Dục Quan là một pháo đài kiên cố, là tuyến phòng thủ phía Tây của Trung Quốc giúp ngăn chặn ngoại xâm. Nhìn từ trên cao, công trình gồm ba vòng thành: thành nội, thành ngoại và các hào nước sâu bao quanh. Cứ tại mỗi góc của cửa ải sẽ có một tháp canh. Dù được củng cố vô cùng vững chắc qua nhiều triều đại, nhưng hiếm khi Gia Dục Quan xảy ra binh biến, vì vậy, công trình này còn có tên gọi khác là "Hòa Bình Quan".
Gia Dục Quan với ba vòng thành kiên cố, được duy tu qua nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc. Ảnh: Ngô Trần Hải An.
Quá trình xây dựng Gia Dục Quan gắn liền với nhiều câu chuyện điển tích ly kỳ, vốn là "chất liệu" không thể thiếu giúp chuyến khám phá công trình này trở nên hấp dẫn hơn đối với du khách.
Theo truyền thuyết nổi tiếng nhất về Gia Dục Quan, tác giả của công trình là nhà toán học lỗi lạc Dịch Khai Chiêm. Lúc bấy giờ, ông đã hoàn thành bản kế hoạch xây dựng thành rất tỉ mỉ, có thể ước lượng chính xác số gạch cần để xây là 99.999 viên. Tuy nhiên, tính toán của ông lại vấp phải sự hoài nghi của nhiều viên quan triều đình.
Để chiều lòng các vị quan bề trên, Dịch Khai Chiêm đã miễn cưỡng thêm vào một viên gạch trong bản kế hoạch. Đồng thời, ông buộc phải thiết lập khế ước cam kết rằng, chỉ cần ông tính sai một viên gạch thì toàn bộ dân phu xây dựng Gia Dục Quan sẽ bị phạt lao động khổ sai trong 3 năm, riêng bản thân mình sẽ bị chém đầu.
Về sau, Gia Dục Quan hoàn thành với tổng số 99.999 viên gạch, chỉ thừa đúng một viên được thêm vào, đã khiến triều đình thời đó vô cùng sửng sốt và thán phục trước khả năng tính toán "như thần" của Dịch Khai Chiêm.
Quang cảnh ngoạn mục của thiên nhiên khi đứng thưởng lãm từ một góc thành Gia Dục Quan. Ảnh: Ngô Trần Hải An.
Theo một dị bản khác của câu chuyện này, công trình hoàn thành nhưng thừa một viên gạch đã khiến quan giám sát đắc ý, ra lệnh bắt giam Dịch Khai Chiêm để chờ xét xử. Tuy nhiên, Dịch Khai Chiêm lại bảo rằng, đó là gạch "Thành Chuyên", là sự trời an bài, tuyệt đối không được động vào, nếu xê dịch sẽ khiến cả đoạn tường thành sụp đổ.
Quan giám sát không tin những lời này và quyết định cho dỡ bỏ viên gạch thừa, ngay lập tức, đoạn tường thành đổ sập, buộc phải cho xây lại. Về sau, viên gạch đó đến nay vẫn được đặt trang trọng trên cổng thành Gia Dục Quan, hiện hữu như một chứng tích lịch sử sống động cùng năm tháng.
Những truyền thuyết về quá trình xây dựng nên Gia Dục Quan luôn thu hút sự quan tâm của những du khách hiếu kỳ. Ảnh: Ngô Trần Hải An.
Nằm cô độc trên sa mạc Gobi, thành Gia Dục Quan hôm nay hiện lên giữa chiều tà như một thước phim cổ trang đẹp đẽ. Nắng chiều đổ ánh vàng rực rỡ lên những bức tường thành cao vút, khiến khung cảnh vừa bi tráng, vừa hoang liêu. Xa xa là những dãy núi tuyết kỳ vĩ lấp lánh ánh bạc.
Nắng chiều khẽ chạm lên những bức tường thành trăm năm tuổi, tạo nên khung cảnh đẹp diễm lệ như trong những thước phim cổ trang. Ảnh: Ngô Trần Hải An.
Nơi đây không chỉ là điểm xuất phát của hàng nghìn đoàn thương nhân trên Con đường Tơ Lụa huyền thoại, mà còn là nơi chứng kiến hành trình đến Ấn Độ thỉnh kinh của nhà sư Đường Huyền Trang, khởi nguồn cho cảm hứng sáng tác nên bộ tiểu thuyết Tây Du Ký. Vì vậy, du khách khi đến đây còn được thưởng lãm cả bức phù điêu ôn lại hành trình bôn ba của Đường Tăng, Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Long Mã.