Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần giúp Huế lan tỏa hơn về thương hiệu Áo dài Huế.

Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc đưa Tri thức may, mặc áo dài Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tại mảnh đất xứ Huế, áo dài trở thành một hình ảnh quen thuộc, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ nghi, hội hè và cả trong đời thường ở vùng đất cố đô.

Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - 1

Thướt tha tà áo dài.

Nhiều du khách khi đến Huế du lịch đều mong muốn một lần diện lên mình tà áo dài duyên dáng để chụp ảnh, check-in bên không gian di sản Huế. Du khách hào hứng khi được mang tà áo dài và tham quan Đại Nội Huế, các lăng tẩm vua Nguyễn... Họ tự hào khi được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, mang đậm nét văn hóa vùng đất cố đô.

Ở nơi này, các hiệu may đo áo dài Huế chủ yếu phân bố tập trung ở vùng Gia Hội - Chợ Dinh, Phủ Cam... Đây là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, dân cư tập trung đông đúc và nơi sinh sống của các gia đình, dòng họ có truyền thống may đo áo dài Huế.

Các khâu kỹ thuật cắt, may, luôn tà, làm nút đều được nghệ nhân, người thợ may áo dài chăm chút. Vì vậy, chiếc áo dài không đơn thuần là sản phẩm may mặc, mà là tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế.

Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - 2

Du khách diện cổ phục tham quan Hoàng cung Huế.

Vài năm qua, chính quyền địa phương đã phát động và đẩy mạnh việc gìn giữ, phục hưng áo dài truyền thống. Đặc biệt, ngày 29/3/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài".

Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án này là bảo tồn và phát huy giá trị tri thức may, mặc áo dài Huế. Đây là tiền đề để triển khai có hiệu quả hoạt động quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, khẳng định áo dài Huế trong cộng đồng quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Áo dài Huế thực sự là một ngành nghề thủ công đặc biệt để tạo nên những sản phẩm ấn tượng. Đó là chưa kể rất nhiều các loại phụ kiện, trang sức kèm theo. Ngoài ra, công nghiệp văn hóa áo dài còn mở ra nhiều khía cạnh khác như sản phẩm lưu niệm, đồ chơi, phụ kiện, điện ảnh, mỹ thuật… Đây chính là hướng phát triển công nghiệp văn hóa, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn, lan tỏa giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế.

Do đó, Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần giúp địa phương phát triển, lan tỏa hơn nữa thương hiệu Áo dài Huế trong thời gian tới.

Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - 3

Du khách thích thú khi được diện lên tà áo dài duyên dáng.

Cũng theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Chiếc Áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa.

Từ năm 1826 đến năm 1837, vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước. Từ đó, chiếc Áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hải Vân

CLIP HOT