TP.HCM đối thoại với nông dân tìm hướng phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch
Du lịch nông thôn đang mở ra một chương mới cho sự phát triển của TP.HCM. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, thành phố cần có những giải pháp đồng bộ, từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng đến đào tạo nguồn nhân lực, nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng và hấp dẫn.
TP.HCM, thành phố mang dấu ấn hơn 300 năm văn hóa - lịch sử, không chỉ là trung tâm kinh tế năng động mà còn là điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng. Trong đó, du lịch nông thôn và nông nghiệp đang trở thành một hướng đi mới, góp phần làm giàu bản sắc địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Du khách trải nghiệm tại Thiềng Liềng
Ngày 27/11, lãnh đạo TP.HCM đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân Thành phố với Chủ đề: “Vai trò của nông dân trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn trên địa bàn TP.HCM. Phát biểu tại chương trình, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết du lịch TP.HCM đã ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ. Trong 11 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến TP.HCM đạt hơn 5,3 triệu lượt, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Khách du lịch nội địa đạt trên 34 triệu lượt, góp phần nâng tổng doanh thu du lịch lên 173.553 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2023. Đây là những kết quả tích cực, tạo động lực cho việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó có du lịch nông nghiệp và nông thôn.
Phát triển du lịch nông thôn không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa, sinh thái mà còn là cơ hội để nâng cao đời sống nông dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Thực hiện Quyết định 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch 3755/QĐ-UBND nhằm thúc đẩy du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tập trung vào các giá trị đặc trưng như làng nghề, văn hóa bản địa và môi trường sinh thái.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại chương trình đối thoại
Nhấn mạnh vai trò của người nông dân trong việc phát triển du lịch nông thôn, ông Võ Văn Hoan cho rằng, nông dân không chỉ là người sản xuất mà còn là người kể chuyện, kết nối du khách với nét đẹp văn hóa và đời sống nông thôn Việt Nam. Họ là những hướng dẫn viên chân chất, mang đến trải nghiệm độc đáo cho khách tham quan, từ thu hoạch nông sản đến tham gia các hoạt động làng nghề. Vì vậy, việc đào tạo kỹ năng, hỗ trợ thông tin thị trường và khuyến khích hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp du lịch là rất cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của mô hình này.
Thành phố cũng đang triển khai nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Các khu vực như Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh được định hướng trở thành điểm đến nổi bật với các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái và văn hóa. Điều này không chỉ góp phần tăng thu nhập cho nông dân mà còn thúc đẩy sự kết nối giữa du lịch và bảo tồn thiên nhiên.
Trong bối cảnh đó, việc tổ chức đối thoại với nông dân là cơ hội để các bên liên quan trao đổi và tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc. Đây cũng là nền tảng để định hướng phát triển ngành du lịch nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Du lịch nông thôn, với sự đồng hành của người nông dân, không chỉ mở ra cơ hội kinh tế mà còn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa - sinh thái, xây dựng TP.HCM trở thành điểm đến đa dạng và hấp dẫn hơn trong mắt du khách quốc tế và nội địa.