Du lịch nông thôn TP.HCM: Cơ hội và thách thức
Du lịch nông thôn đang là xu hướng phát triển mới tại TP.HCM, tuy nhiên còn nhiều thách thức cần vượt qua.
Du lịch nông thôn đang nổi lên như một hướng đi đầy tiềm năng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại TP.HCM, đặc biệt ở các khu vực ngoại thành như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ.
Hội nghị “Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân” năm 2024 đã nhấn mạnh các giải pháp và bài học kinh nghiệm nhằm phát huy lợi thế của loại hình du lịch này, gắn liền với bảo tồn văn hóa và nâng cao đời sống của người dân.
Tiềm năng từ nguồn tài nguyên và sản phẩm OCOP, kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch
TS. Ngô Thị Thu Trang, Trưởng khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhấn mạnh rằng các vùng ngoại thành TP.HCM có những đặc trưng nông thôn hấp dẫn như làng nghề truyền thống, không gian canh tác nông nghiệp, và hệ sinh thái phong phú.
Đặc biệt, huyện Củ Chi là địa phương đi đầu với 35 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Đây là cơ sở để xây dựng các tour du lịch trải nghiệm nông nghiệp, góp phần quảng bá sản phẩm và tạo giá trị gia tăng cho nông sản địa phương.
Một ví dụ nổi bật là HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Du lịch Thiềng Liềng tại Cần Giờ. Ấp đảo Thiềng Liềng, với không gian tự nhiên độc đáo và nghề làm muối truyền thống, đã thu hút hơn 5.000 lượt du khách chỉ trong năm 2023 thông qua mô hình du lịch cộng đồng.
Đại diện HTX, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, chia sẻ: “Chúng tôi đã biến những ruộng muối, rừng ngập mặn và làng nghề thủ công thành điểm đến hấp dẫn, tạo ra ‘3 không’ đặc trưng: không khói bụi, không tệ nạn và không bến xe.”
Ông Trần Đăng Đạt - Đại diện công ty Đạt Food
Tại huyện Củ Chi, nơi có đến 35 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, mô hình "Đạt Tour" của Công ty TNHH Đạt Butter đã mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách.
Ông Trần Đăng Đạt, đại diện công ty, chia sẻ: “Những tour du lịch trải nghiệm không chỉ kết nối người tiêu dùng với sản phẩm sạch mà còn giúp bà con nông dân nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập.”
Hướng đi bền vững cho tương lai
Theo TS. Dương Đức Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, để phát triển bền vững, du lịch nông thôn cần dựa trên bốn yếu tố: tài nguyên du lịch, năng lực tài chính, nguồn nhân lực và chính sách hỗ trợ. Ông nhấn mạnh, chính quyền cần đẩy mạnh hỗ trợ tài chính và đào tạo kỹ năng cho người dân, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng và số hóa dữ liệu điểm đến du lịch.
TS. Dương Đức Minh – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Và Du lịch
Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển du lịch nông thôn tại TP.HCM vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
TS. Ngô Thị Thu Trang, Trưởng khoa Địa lý, Đại học KHXH&NV TP.HCM cho biết, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đang làm giảm quỹ đất nông nghiệp, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì không gian rộng lớn để phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch. Do đó, việc đầu tư vào hạ tầng, công nghệ cao và đa dạng hóa sản phẩm du lịch là điều cần thiết.
Dù đã có nhiều thành tựu, Thiềng Liềng và các điểm đến khác vẫn cần sự hỗ trợ để cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân sự chuyên nghiệp và quảng bá mạnh mẽ hơn. “Chúng tôi cần thêm các lớp đào tạo cho người dân địa phương để nâng cao kỹ năng, cũng như đầu tư vào giao thông và nhà trưng bày sản phẩm OCOP,” bà Tuyết kiến nghị.
Nhằm tối ưu hóa tiềm năng du lịch nông thôn, TP.HCM dự kiến triển khai số hóa dữ liệu điểm đến, xây dựng bản đồ du lịch gắn liền với sản phẩm OCOP. Theo các chuyên gia, đây sẽ là bước đột phá trong việc quảng bá và thu hút du khách, đồng thời mở ra cơ hội lớn để đưa du lịch nông thôn của thành phố vươn xa trên bản đồ quốc tế.
Để thúc đẩy du lịch nông thôn tại TP.HCM, các đại biểu tại hội nghị đã đưa ra nhiều đề xuất. Các kiến nghị nổi bật bao gồm việc mở rộng mạng lưới giao thông, đào tạo nguồn nhân lực trẻ, và xây dựng các “ngôi nhà chung” để trưng bày sản phẩm OCOP. Cần thêm các chính sách hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho người dân để đảm bảo sự phát triển bền vững.