Vẽ tranh trang trí cho ngày 23 tháng Chạp và dịp Tết Nhâm Dần, chị Hương Nhiên đã “thổi hồn” lên những chiếc xương lá bồ đề hình ảnh cá chép rất độc đáo, mang đậm bản sắc tranh dân gian Việt Nam.
Vẽ tranh trang trí cho ngày 23 tháng Chạp và dịp Tết Nhâm Dần, chị Hương Nhiên đã “thổi hồn” lên những chiếc xương lá bồ đề hình ảnh cá chép rất độc đáo, mang đậm bản sắc tranh dân gian Việt Nam.
Trong văn hoá Á Đông, cá chép mang ý nghĩa tốt lành, may mắn và đại diện cho sự sung túc. Vào dịp 23 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm, người Việt có phong tục tiễn công Công ông Táo cưỡi cá chép về trời. Cũng trong dịp này, chị Hương Nhiên (TP.HCM) nhận được nhiều đơn hàng vẽ tranh cá chép để trang trí trong nhà hay làm quà biếu.
Với biệt tài vẽ tranh trên xương lá bồ đề, cô gái 8X đã tạo nên những tác phẩm thủ công độc đáo và khác biệt. Ý tưởng vẽ tranh này đến với Hương Nhiên cũng thật tình cờ. Cách đây hơn 3 năm, chị được người bạn gửi tặng xương lá bồ đề làm bookmark. Trông chiếc lá đơn điệu, chị Nhiên nảy ra ý định sáng tạo dấu ấn cá nhân lên đó. Sau khi tìm hiểu, chị nhận ra niềm đam mê và thú vị khi vẽ tranh dân gian lên xương lá.
Chị Nhiên đã chọn những chiếc lá bồ đề tươi già, đem ngâm nước cho đến khi rã phần diệp lục (trong quá trình ngâm cần thay nước thường xuyên). Sau đó lấy bàn chải nhỏ tách phần thịt lá ra khỏi xương lá hoàn toàn rồi phơi khô. Xương lá phơi khô bạn có thể giữ nguyên bản hoặc nhuộm màu tùy thích, dùng để décor, quà tặng, trang trí trong nhà…
Đây là những xương lá chị Nhiên thu được sau gần 1 tháng ngâm và dùng bàn chải tỉ mẩn lấy đi phần thịt lá. Bạn nhớ chọn lá già để đường gân được rõ và dẻo dai hơn.
“Mình dùng xương lá bồ đề làm chất liệu để vẽ tranh. Ban đầu đây thật sự là một thử thách vì gân lá rỗng lại gồ ghề, cũng không xóa đi vẽ lại được nên chỉ cần run tay lem màu là đi tong cả chiếc lá. Nhưng rồi mình cũng có được thành quả. Màu vẽ mình sử dụng màu acrylic. Về mẹo để vẽ tranh trên lá, bạn chọn cọ mỹ thuật đầu nhỏ nhất sẽ cho nét vẽ sắc sảo và đẹp mắt hơn,” chị Nhiên chia sẻ.
Xương lá là chất liệu đặc thù với muôn vàn mắt lá rỗng, những đường gân gồ ghề. Vì thế vẽ lên xương lá sẽ hoàn toàn khác biệt với việc thể hiện trên các mặt phẳng như giấy, gỗ, vải hay sỏi... Cần thật sự tập trung và tốn kha khá lá để làm chủ được cọ vẽ.
Khổ lá giới hạn, những đường gân lá mỏng tang, bạn có thể hình dung cách để tạo nên bức tranh xương lá gói gọn trong hai từ: tỉ mỉ và nhẫn nại. Bởi chỉ một sơ sẩy nhỏ, một chấm màu lem hay một đường gân lá rách sẽ hỏng cả tác phẩm.
Tranh cá chép vẽ trên xương lá bồ đề với một mặt viết chữ "Ngư" âm đọc là “Yu” đồng âm với “dư” vừa là lời chúc ý nghĩa về sự dư giả, ấm no, đủ đầy, vừa là món quà tặng độc đáo. Thường một bức tranh vẽ để hoàn thiện cần 7 - 10 ngày.
Cá chép vượt vũ môn - tranh dân gian hàng Trống. Kích thước tranh gốc 59 x 72cm thu nhỏ lại trên chiếc xương lá chỉ 17cm chiều ngang. Bức này nhiều chi tiết nhỏ, nhưng màu sắc thật sống động, rực rỡ.
Cầm trên tay một chiếc xương lá thật, tay sờ vào từng đường gân, mạch lá, nhìn rõ từng mắt lá li ti, mới thấy tự nhiên tinh tế và kì diệu biết bao. Bức vẽ với những đường nét duyên dáng và thanh thoát, phô bật nét nguyên sơ trong trẻo của từng đường gân thiên nhiên, khác biệt so với bất kì bức tranh nào khác mà bạn có.
Mỏng tang như cánh chuồn...
Cá chép ngắm trăng - một trong những tranh dân gian Đông Hồ chị Nhiên thích nhất và vẽ lại trên xương lá. Với lá này chị nhuộm màu xanh biển để thể hiện màu nước. Cách nhuộm cũng rất đơn giản tuy hơi mất thời gian, chỉ cần pha màu với nước rồi cho lá vào ngâm khoảng từ 2 đến 3 ngày, sao cho đạt độ đậm nhạt mong muốn là có thể dùng được.
Trong quá trình vẽ tranh trên xương lá, chị Nhiên nhận được nhiều câu hỏi như tranh xương lá có bền không, có bị bay màu theo thời gian hay không? Câu trả lời là với tranh vẽ trên xương lá, bạn đóng khung cách ẩm tốt sẽ bảo quản được lâu bền và không bay màu theo thời gian nên có thể trưng mãi. Thêm nữa, xương lá nhìn mỏng manh nhưng có độ dẻo dai nhất định nên ngay cả khi không đóng khung, chỉ cần bạn cẩn thận nâng niu bảo quản thì vẫn giữ được lâu.
Vẽ xong bạn đóng khung cách ẩm thế này sẽ có thể trưng mãi không lo bị bay màu và mục ruỗng.
Kiểu khung này cũng thấy được nét độc đáo của dáng lá tự nhiên. Bức vẽ cá chép này được vẽ trên hai mặt lá.
Đây là mặt còn lại của bức vẽ.
Cá chép là biểu trưng cho sự tốt lành, hanh thông. Mong một năm mới với thật nhiều may mắn và bình an.
“Một chiếc khung đèn được tạo hình thủ công theo dáng lá. Vẽ đã lâu, làm khung còn lâu hơn tuy nhiên thành quả thật sự xứng đáng phải không? Mình ưng ý nhất là hiệu ứng phát sáng rực rỡ của mặt trăng khi lên đèn,” chị Nhiên cho biết.
Còn đây là một chiếc hộp đèn 3D tỉ mỉ hơn gấp bội phần và tốn gấp đôi thời gian. Vốn yêu thích tranh dân gian, chị luôn mong muốn mang lại sự mới mẻ, độc đáo khi thể hiện lại trên xương lá.
Vòng đời của lá: Lá xanh chuyển vàng rồi về với đất, đó là quy luật của tự nhiên. Nhưng từ chiếc lá tươi xanh thành xương lá và rồi “úm ba la” ra bức tranh, hẳn sẽ là một hành trình mới rực rỡ và thú vị. Và như thế vòng đời của lá còn tiếp diễn mãi...
Ngoài vẽ tranh cá chép, dịp Tết Nhâm Dần 2022, chị Nhiên cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng vẽ tranh dân gian làm quà tặng như Đám cưới chuột, tranh Ngũ Hổ…
“Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã”. Tranh xếp từ 5 lá vẽ riêng biệt. Với khổ lá giới hạn, những lá lớn nhất kích cỡ khoảng 15 - 17cm vì thế mình nghĩ đến việc xếp lá để tạo nên những bức tranh lớn hơn. Việc sắp xếp bố cục sao cho hợp lý cũng thật sự là một thử thách rất thú vị,” chị Nhiên cho hay.
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong”. Những bức vẽ lá kích cỡ nhỏ hơn được dùng trang trí nắp hộp quà tặng.
Lá nằm trong lá. Với những xương lá mỏng tang, trong suốt đến độ xuyên thấu, khi đặt ở bất kỳ đâu cũng sẽ có ngay một background xịn sò. Với những bức vẽ trên lá bạn chỉ cần đóng khung cách ẩm như thế này là có thể bảo quản được mãi.
Một bức vẽ Ngũ Hổ nhân năm Nhâm Dần sắp tới.