Tái khởi động tour du lịch Trung Quốc
Sau thời gian gián đoạn do dịch Covid-19, nhiều công ty du lịch tại Hà Nội đã bắt đầu mở bán tour du lịch sang Trung Quốc, khởi hành trong tháng 4."Hot" các tour ngắn, đường bộ
Từ giữa tháng 3, khi hay tin Trung Quốc sắp mở cửa đón khách du lịch Việt Nam, chị Hoàng Thị Bình Minh, nhân viên văn phòng (trú Q.Thanh Xuân, Hà Nội), đã lên mạng tìm kiếm tour đi Trung Quốc cùng đồng nghiệp dịp 30.4. "Sau khi khảo giá, chúng tôi quyết định chọn tour đường bộ đi Phượng Hoàng cổ trấn - Phù Dung cổ trấn - Trương Gia Giới giá 7,39 triệu đồng/người. So với đi trong nước, mức giá như vậy là quá ổn, lại được xuất ngoại. Thời gian 5 ngày, 6 đêm đúng với thời gian nghỉ lễ, chúng tôi không phải xin nghỉ thêm", chị Minh nói.
Trương Gia Giới là địa danh thu hút khách du lịch Việt Nam trước và sau dịch Covid-19
Trên mạng xã hội, tour đi du lịch Trung Quốc đang được các công ty, cá nhân chào bán rất sôi nổi. Đơn cử như tour Trương Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn giá 7,69 - 7,99 triệu đồng/khách; tour Quế Lâm - Dương Sóc giá 6,68 - 6,95 triệu đồng/khách. Ngoài ra, các công ty còn chào bán tour đường hàng không đi Thiên Môn Sơn - Viên Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn, bay Vietjet giá 11,99 - 13,49 triệu đồng/khách…
Bên cạnh đó, một số đơn vị bán tour 3 ngày, 2 đêm đi cửa khẩu như: tour Lào Cai - Hà Khẩu (Trung Quốc); Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) - Đông Hưng (Trung Quốc); Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) - Bằng Tường (Trung Quốc) với giá từ 2,1 - 3,5 triệu đồng/khách.
Ông Hoàng Hậu Dương, Giám đốc Công ty du lịch Đại lục Việt Nam, cho biết từ giữa tháng 3, nhiều du khách đã liên hệ hỏi đi Trung Quốc, nhất là vào dịp nghỉ lễ 30.4. Do đường bay thương mại từ Hà Nội đi các thành phố ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Thành Đô chưa nối lại nên thời điểm này các công ty du lịch chủ yếu chào bán các tour ngắn, đường bộ như: Trương Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn; Lệ Giang - Shangrila; Nam Ninh - Quế Lâm…
"Chi phí vận chuyển đường hàng không giá cao, ít hãng khai thác, nếu bay quá cảnh giá tour bị đội lên nhiều. Hiện tại, chúng tôi chủ yếu tập trung vào các tour vốn "hot" trước dịch như: Trương Gia Giới - Phượng Hoàng cổ trấn; Lệ Giang - Shangrila… Qua thăm dò, hiện tại nhiều khách vẫn thích đi các tuyến này do gần biên giới Việt Nam, thuận lợi về giao thông, tiết kiệm được thời gian", ông Dương nói.
Mặc dù giá tour Trung Quốc cao hơn khoảng 20% so với trước dịch, song ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, đánh giá tour đường bộ có nhiều ưu điểm so với trước đây. "Các tuyến cao tốc từ Hà Nội đi các cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn hiện nay rất thuận tiện. Sang Trung Quốc, có tàu cao tốc đi lại, di chuyển cũng nhanh hơn. Từ Côn Minh, khách du lịch có thể đến Dương Sóc, Quý Châu, Hồ Nam, Thành Đô, Tứ Xuyên… Doanh nghiệp du lịch và du khách có thể chủ động hơn trong việc lựa chọn tour, tuyến, ngày giờ khởi hành mà không bị phụ thuộc vào lịch bay", ông Hoan nói.
Về lý do giá tour Trung Quốc tăng cao so với trước, vị này lý giải: do tình hình lạm phát, xăng dầu tăng. Hơn nữa, trước đây các tour được các điểm mua sắm, nhà hàng, khách sạn trợ giá, giờ mới chỉ có một số điểm mua sắm, khách sạn mở lại, cộng thêm thiếu nhân lực nên giá dịch vụ tăng cao. "Khách hàng kỳ vọng lớn vào khuyến mại, giảm giá tour, có tâm lý chờ đợi thêm để mua tour giá tốt, song với những lý do trên thì rất khó có thể đi tour giá rẻ", ông Hoan chia sẻ.
Tăng cường hợp tác du lịch xuyên biên giới
Để khai thác thị trường du lịch Trung Quốc, các công ty du lịch 2 nước cũng đã khởi động tăng cường kết nối xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng, phù hợp với thị hiếu của khách Trung Quốc và Việt Nam sau dịch Covid-19.
Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với sở du lịch các địa phương: Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng cùng chính quyền châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) tổ chức Hội nghị xúc tiến khởi động tuyến du lịch vàng "Hai quốc gia - sáu điểm đến" giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Chương trình xúc tiến với sự tham gia của gần 300 đơn vị doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đến từ Trung Quốc và Việt Nam, trao đổi thông tin về sản phẩm du lịch, giới thiệu quảng bá du lịch, điểm đến; qua đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch tìm hiểu nhu cầu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Ông Triệu Thụy Quân, Bí thư Châu ủy Hồng Hà, cho hay Hồng Hà là hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc xinh đẹp và Vân Nam đầy màu sắc. Đến với châu Hồng Hà, du khách có thể đến thăm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam đã làm việc tại H.Mông Tự; gặp người dân Hà Nhì, Yi; tham quan thị trấn rừng hồ Thái Bình và trải nghiệm tầm nhìn cuộc sống tươi đẹp nơi đây; trải nghiệm chuyến tàu nhỏ của Pháp để đi ngược gió, khám phá cây cầu cổ Song Long và làng cổ Đoàn Sơn hàng nghìn năm...
"Việc khởi động tuyến du lịch vàng "Hai quốc gia - sáu điểm đến" Trung Quốc - Việt Nam, gồm: Côn Minh - Hồng Hà - Sa Pa (tỉnh Lào Cai) - Hà Nội - Hải Phòng - vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) sẽ tạo nền tảng tốt để Trung Quốc và Việt Nam tăng cường hợp tác du lịch xuyên biên giới trên phạm vi rộng lớn hơn", Bí thư Châu ủy Hồng Hà nói.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết Hà Nội luôn xác định Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm hàng đầu. Việc khởi động lại tuyến du lịch "vàng" là một tín hiệu đáng mừng cho ngành du lịch 2 quốc gia nói chung và các địa phương nói riêng.
Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp du lịch cùng chủ động giao lưu, trao đổi thông tin, cơ hội hợp tác để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, sản phẩm, nguồn nhân lực, sớm triển khai ngay chương trình đưa đón khách du lịch 2 chiều.
Theo các công ty du lịch, dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 là thời điểm thích hợp để kích cầu tour Trung Quốc. Tới đây, nếu các đường bay thường lệ được nối lại, giá tour Trung Quốc "hạ nhiệt", dự báo mùa hè này sẽ "bùng nổ" các tuyến tour đi Trung Quốc trở lại như trước dịch Covid-19.