Sự biến mất của những du khách giàu có nhất
Sự vắng mặt lâu dài của du khách Trung Quốc đồng nghĩa doanh thu ngành du lịch toàn cầu khó có thể sớm trở lại mức trước đại dịch.
Trên đảo Jeju của Hàn Quốc, các khu chợ đã chìm trong bóng tối. Ở Bangkok (Thái Lan), hàng quán bán rong chờ đợi những khách hàng không bao giờ đến.
Tại Bali (Indonesia), hướng dẫn viên du lịch liên tục bị sa thải. Còn ở Paris (Pháp) và Rome (Italy), hàng dài du khách với những chiếc gậy selfie và mũ che nắng chỉ còn là ký ức xa vời, theo New York Times.
Năm 2021 được cho là sự trở lại của ngành du lịch. Nhiều quốc gia châu Âu và châu Á đã mở lại sân bay và đón du khách.
Thế nhưng, họ sớm phải đối mặt với thực tế mới rằng biến chủng Omicron đang gây ra sự hoảng loạn trên toàn cầu và khiến các chính phủ lại phải đóng cửa biên giới.
Do đó, khách du lịch Trung Quốc, nhóm tiêu dùng lớn nhất của họ, sẽ chẳng thể sớm quay lại.
Người Trung Quốc đến thăm trung tâm thành phố Praha (Czech) vào tháng 10/2019. Ảnh: Kasia Strek/New York Times.
Châu Á vắng lặng
Trung Quốc thông báo rằng trong suốt mùa đông này, các chuyến bay quốc tế sẽ chỉ được giữ ở mức 2,2% so với trước thời điểm dịch, như một nỗ lực duy trì chiến lược “Zero-Covid”.
Kể từ tháng 8, nước này gần như ngừng cấp hộ chiếu mới và áp dụng lệnh cách ly 14 ngày đối với những người nhập cảnh. Việc quay trở lại Trung Quốc cũng đòi hỏi nhiều thủ tục giấy tờ và xét nghiệm Covid-19. Do đó, người dân quyết định ở nhà.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng nhất đối với ngành du lịch toàn cầu. Khách du lịch nước này đã chi khoảng 260 tỷ USD trong năm 2019, vượt xa tất cả người quốc tịch khác.
Sự vắng mặt lâu dài của nhóm du khách này đồng nghĩa doanh thu du lịch khó có thể sớm trở lại mức trước đại dịch. Sư suy thoái đặc biệt ảnh hưởng đến khu vực Bắc và Đông Nam Á.
Theo Nihat Ercan, người đứng đầu bộ phận kinh doanh đầu tư khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại công ty cố vấn JLL Hotels & Hospitality, Trung Quốc là nguồn du lịch số 1 ở châu Á đối với một số thành phố lớn.
Cung điện Hoàng gia Thái Lan năm 2019 và năm 2020. Ảnh: Diego Azubel/EPA, Amanda Mustard/New York Times.
Phát hiện mới về biến chủng Omicron khiến các quốc gia áp dụng lại những hạn chế đi lại hoặc cấm khách du lịch. Đây là cú giáng mạnh vào ngành du lịch toàn cầu mới bắt đầu phục hồi và vẫn còn quay cuồng vì thiếu khách du lịch Trung Quốc.
Hoạt động kinh doanh đã tạm dừng tại chợ trái cây Or Tor Kor ở Bangkok, nơi từng có rất nhiều khách du lịch Trung Quốc tụ tập quanh các bàn ăn sầu riêng.
Phakamon Thadawatthanachok, một người bán sầu riêng, cho biết bà từng phải trữ 300-400 kg quả trong kho và phải nhập hàng 3-4 lần/tuần để đáp ứng nhu cầu của du khách. Giờ đây, bà phải vay tiền để trang trải cuộc sống.
“Mất thu nhập là điều tôi không thể lường trước được. Hiện chúng tôi chỉ còn biết hy vọng rằng một ngày nào đó, tình hình sẽ tốt lên”, bà nói.
Franky Budidarman, chủ sở hữu một công ty du lịch lớn trên đảo Bali chuyên phục vụ khách du lịch Trung Quốc, cho biết nhiều hãng du lịch đã bán phương tiện hoặc bị tịch thu bởi các công ty cho thuê.
Về phần mình, ông Budidarman phải cắt giảm 1/2 tiền lương của nhân viên và chuyển sang kinh doanh quán cà phê và dịch vụ giao đồ ăn.
“Tôi rất biết ơn vì đã sống sót trong 2 năm qua. Đôi lúc, tôi tự hỏi không biết tại sao mình có thể làm được”, ông chia sẻ.
Những địa danh thường đón các đoàn khách Trung Quốc đi theo tour chịu thiệt hại nghiêm trọng.
Tại đảo Jeju, địa điểm du lịch phổ biến với người Trung Quốc vì họ có thể nhập cảnh mà không cần visa, số lượng khách du lịch xứ tỷ dân đã giảm 90%, từ 1 triệu (2019) xuống còn 103.000 (2020). Trong 9 tháng đầu năm nay, con số đó chỉ khoảng 5.000 người.
Người Trung Quốc đến Bali vào tháng 1/2020. Ảnh: Sonny Tumbelaka/AFP.
Theo Hong Suk-kyoun, phát ngôn viên của Hiệp hội Du lịch Jeju, một nửa số cửa hàng miễn thuế phục vụ du khách Trung Quốc trên đảo đã đóng cửa.
Tại một trung tâm mua sắm từng bán các đặc sản của đảo như socola và hàng thủ công, 9 trong số 12 nhân viên đã bị cho thôi việc.
“Từ khi virus bắt đầu lan rộng, tất cả chúng tôi bắt đầu đếm ngược đến ngày rời đi của mình. Chúng tôi biết trước rằng hoạt động kinh doanh sẽ sớm đóng băng”, An Young-hoon (33 tuổi), một trong số những người thất nghiệp hồi tháng 7, cho biết.
Châu Âu chờ đợi
Khách Trung Quốc từng ít phổ biến hơn ở châu Âu. Nhưng trong những năm gần đây, họ nổi lên như một thị trường ngày càng quan trọng.
Vào thời kỳ cao điểm của Bảo tàng Sherlock Holmes ở London (Anh), khoảng 1.000 người đến tham quan mỗi ngày. Ít nhất một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc, theo Paul Leharne, giám sát viên của bảo tàng.
Kể từ khi mở cửa trở lại vào ngày 17/5, bảo tàng chỉ thu hút được 10% số lượng khách tham quan thông thường. Năm nay, bảo tàng mở một cửa hàng trực tuyến để bán vật phẩm và đồ lưu niệm. Ông Leharne cho biết 1/3 trong số đó đang được vận chuyển đến Trung Quốc.
“Chúng tôi thực sự cảm nhận được sự vắng mặt của họ”, Alfonsina Russo, giám đốc Đấu trường La Mã ở Rome, nói về khách du lịch Trung Quốc.
Theo bà Russo, khách du lịch châu Á, “đặc biệt là từ Trung Quốc,” chiếm khoảng 40% lượng khách quốc tế đến Đấu trường La Mã vào năm 2019.
Năm đó, trang web của điểm du lịch này đã bổ sung thêm tiếng Trung Quốc, cùng với tiếng Anh và tiếng Italy.
Fausto Palombelli, người đứng đầu bộ phận du lịch của Unindustria, một hiệp hội kinh doanh ở vùng Lazio, bao gồm cả Rome, cho biết sự vắng mặt của nhóm du khách Trung Quốc đã giáng một "đòn nặng nề" đối với một số doanh nghiệp đã đầu tư vào nhóm cụ thể này.
Giống như rất nhiều nơi khác, Rome đã thực hiện một số thay đổi để phục vụ khách du lịch đến từ Trung Quốc. Các tài xế taxi được hướng dẫn cảm ơn du khách bằng tiếng Quan Thoại. Sân bay quốc tế Fiumicino cũng cung cấp dịch vụ mua sắm cá nhân miễn thuế.
Du khách Trung Quốc ở bên ngoài Bảo tàng Louvre (2018) và cảnh vắng lặng của địa điểm này năm 2020. Ảnh: Philippe Wojazer/Reuters, Dmitry Kostyukov/New York Times.
Tại Pháp, mặc dù biết rằng có thể mất vài tháng hoặc năm để du khách Trung Quốc quay trở lại, một số người vẫn cố gắng giữ kết nối với khách hàng tiềm năng.
Catherine Oden, nhân viên của Atout France, viện quốc gia phụ trách việc quảng bá nước Pháp như một điểm đến du lịch, cho biết cô phải tự làm quen với các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, để phát livestream các hoạt động ảo như hướng dẫn nấu ăn kiểu Pháp và các chuyến tham quan lâu đài Château de Chantilly.
“Chúng tôi muốn hiện diện trong tâm trí họ. Để đến khi mọi thứ trở lại bình thường, họ sẽ chọn Pháp là điểm đến đầu tiên”, cô chia sẻ.
Hàng dài du khách Trung Quốc đi dạo quanh các cửa hàng ở đại lộ Champs-Élysées từng là cảnh thường thấy ở thủ đô Paris.
“Trước đại dịch, chúng tôi có 4 nhân viên bán hàng nói tiếng Trung Quốc. Giờ chúng tôi chỉ còn lại một người và không có ý định tuyển dụng thêm”, Khaled Yesli (28 tuổi), quản lý bán lẻ của một cửa hàng sang trọng trên đại lộ Champs-Élysées, cho biết.
Theo Yesli, sản phẩm bán chạy nhất của cửa hàng từng là một hộp kim loại màu đỏ và vàng chứa bánh macaron kèm kem dưỡng tay được thiết kế dành riêng cho khách du lịch Trung Quốc. Nhưng giờ đây, với doanh số bán hàng sụt giảm, những chiếc hộp này hiện nằm xếp xó.
Dọc theo sông Dương Tử, vô số làng mạc, thị trấn mọc lên, lối sống người dân bám vào sông nước từng hàng ngàn năm...