Người trẻ kể chuyện vừa du lịch vừa làm việc
Nhầm lẫn về workcation và những bi hài được các bạn trẻ kể lại qua một thời gian "vừa làm vừa chơi".
Khái niệm workcation (làm việc kết hợp nghỉ dưỡng) được biết đến sau sự nổi lên của staycation (kỳ nghỉ tại chỗ). Qua đại dịch, workcation trở thành xu hướng du lịch của nhiều bạn trẻ.
Workcation không phải chuyến công tác
Lê Hữu Chính - Kinh doanh tự do
Tôi thấy nhiều người nhầm lẫn giữa workcation và công tác. Khi bạn đi công tác, bạn có thể được cơ quan cấp cho nơi lưu trú sang, đẹp, xa nơi bạn sinh sống và làm việc. Tất cả yếu tố đó đều để phục vụ cho công việc, không phải nghỉ dưỡng.
Còn workcation nghĩa là làm việc kết hợp nghỉ dưỡng, khi đó bạn có thể vui chơi nhưng đồng thời vẫn giải quyết công việc. Mọi chi phí của workcation đều do bạn tự chi trả. Tất cả các yếu tố đó vừa phục vụ cho việc nghỉ ngơi thư giãn, cũng vừa là môi trường để bạn làm việc.
Tôi bắt đầu kinh doanh và làm việc tự do từ năm 2017, xuất phát từ đam mê du lịch, đây cũng là lợi điểm của tôi nếu muốn workcation.
Việc làm chủ thời gian rất quan trọng nếu bạn quyết định workcation. Để không ảnh hưởng đến công việc, bạn nên báo cáo chuyến đi với cấp trên để tránh những đáng tiếc không nên có.
Dần dà, tôi biến đam mê du lịch thành công việc. Với tôi bây giờ, đi du lịch là để làm việc chứ không còn là du lịch kết hợp với làm việc nữa.
Workcation không chỉ dành cho freelancer
Tạ Quang Hùng - Giám đốc kinh doanh
Tôi bắt đầu workcation từ năm 2019. Hàng ngày, tôi chủ động thay đổi không gian làm việc, từ quán cafe này sang quán cafe khác để cảm giác làm việc mới mẻ hơn mỗi ngày. Nên workcation như liều doping đối với người “anti văn phòng” như tôi.
Nghe qua tính chất, workcation chỉ phù hợp với dân làm tự do, nhưng tôi không nghĩ vậy.
Workcation dành cho tất cả những ai có thể xê dịch trong công việc. Những người làm văn phòng ở vị trí cao, trừ lúc họp hành thì họ có thể điều hành công ty từ xa, hoặc với những công ty, tổ chức không ràng buộc về giờ giấc... là ví dụ.
Tuy nhiên, tôi nghĩ workcation khó có thể trở thành xu thế. Vì để có được trải nghiệm workcation, bạn phải đáp ứng được nhiều điều kiện cả về tài chính lẫn sự cho phép của công việc. Nếu nhìn về số người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ người có thể đáp ứng được các điều kiện đó không nhiều.
Những kinh nghiệm khi workcation
Nguyễn Thị Ngọc Hy - Content writer
Từ năm 2018, tôi nghỉ việc toàn thời gian ở công ty nhưng chưa có ý định đi làm lại nên tranh thủ nhận các công việc tự do để kiếm thêm thu nhập.
Tôi nhận thấy công việc freelance giúp tôi linh hoạt thời gian hơn, có nhiều thời gian đi đây đó hơn. Workcation gắn bó với tôi cũng từ lúc đó.
Kinh qua cả 2 môi trường làm việc, tôi hiểu rõ bản chất của workcation là thay đổi môi trường, không gian, với mục đích cho ra kết quả làm việc tốt nhất chứ không phải lười nhác, trốn việc.
Ngược lại, bạn cần phải có khả năng làm chủ thời gian và có trách nghiệm cao mới có thể "vừa làm vừa chơi". Nói như thế cũng không phải là không có bất cập.
Tôi nhớ có một lần vì quá mê trekking nên mua một gói trải nghiệm mà quên tìm hiểu về vấn đề Internet. Kết quả, suốt 3 ngày 2 đêm đi trong rừng không có sóng, tôi bị lỡ nhiều cuộc gọi của khách hàng, đồng nghiệp. May mắn, công việc sau đó cũng được giải quyết ổn thoả nhưng khá chật vật.
Chưa kể đến những hạn chế của hình thức du lịch này. Bạn chỉ có thể dành phần nhiều thời gian tại nơi lưu trú chứ không thể du ngoạn đây đó. Nên việc chọn một cơ sở lưu trú đáp ứng các yêu cầu về đường truyền mạng nhanh, đầy đủ tiện nghi văn phòng, dịch vụ ẩm thực là việc cần lưu ý khi quyết định workcation.
Ngọc Trâm (TP.HCM) chia sẻ về chuyến đi glamping ở Đồng Nai vào cuối tuần. Đây là lần đầu tiên cô trải nghiệm hình thức...