Hàng không 'làm khó' du lịch bởi giá vé máy bay

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sau một thời gian dài neo cao, giá vé máy bay bất ngờ giảm mạnh ngay sát dịp lễ 30-4, thậm chí giảm 30 - 40% so với cách nay nhiều tháng, đã gây choáng váng cho các đại lý vé máy bay, các công ty du lịch và những người lỡ ôm vé.

Hàng không 'làm khó' du lịch bởi giá vé máy bay - 1

Giá vé máy bay giảm sát kỳ nghỉ lễ không giúp các điểm đến ở xa có thêm khách vì đa số đã chốt đi gần nhà cho bớt tốn kém - Ảnh: M.CHIẾN

Trước đó, thay vì tập trung phục vụ thị trường nội địa cho kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các hãng bay chỉ cung ứng số lượng vé nhỏ giọt khiến giá vé máy bay bị đẩy lên cao, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng.

Nhiều khách hủy phòng, nhiều doanh nghiệp và người dân hoãn kế hoạch đi chơi xa dịp lễ khiến hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng vắng khách. 

Chỉ đến khi Cục Hàng không yêu cầu, các hãng bay mới tăng chuyến, thêm vé...

Du lịch nội địa từng "đứng hình" vì giá vé máy bay

Việc giá vé máy bay bất ngờ "quay xe" khi lượng vé rẻ ồ ạt được tuồn ra, trong đó vé từ kênh đại lý được bán rẻ hơn website hãng bay khiến dư luận đặt ra nghi vấn có hiện tượng ôm vé, làm giá vé máy bay. 

Việc giá vé máy bay giảm sát ngày cao điểm 30-4 cũng khiến ngành du lịch chẳng mấy vui vẻ.

Trước đó, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người đã hủy kế hoạch đi chơi xa do thiếu vé máy bay trên một số đường bay. 

Chẳng hạn, giữa tháng 4 Cục Hàng không Việt Nam đã công khai số liệu một số đường bay có tỉ lệ đặt vé cao như ngày 29-4 tỉ lệ lấp đầy đặc biệt cao như chặng Hà Nội - Huế đạt 100%, Hà Nội - Tuy Hòa đạt 93%, Hà Nội - Đồng Hới/Quy Nhơn đều đạt trên 96%...

Sự khan hiếm vé, giá cao khiến nhiều khách chuyển sang phương tiện khác và địa điểm gần hơn. 

Điển hình là chị Mỹ Chi (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay dự tính sẽ cùng bạn trai đi Đà Nẵng, đến tham quan núi Ngũ Hành Sơn, khu du lịch Bà Nà Hill... 

Thế nhưng, hỏi giá vé thời điểm cuối tháng 3 cho hành trình đi chơi lễ 30-4, đại lý chào giá lên đến 2 triệu đồng/vé/chiều.

Nếu thực hiện kế hoạch du lịch, chỉ riêng chi phí vé máy bay khoảng 8 triệu đồng cho hai người, trong khi ngày thường chặng bay TP.HCM - Đà Nẵng khoảng 900.000 - 1 triệu đồng. 

Thấy giá quá cao, đi lại tốn kém nên chị Mỹ Chi đã hủy chuyến đi này, chuyển sang chọn homestay và tổ chức cắm trại với bạn tại Đồng Nai để tiết kiệm chi phí.

Ba tuần trước kỳ nghỉ lễ 30-4, nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn ở Phú Quốc, Nha Trang... đã "kêu trời" khi háo hức phục vụ cao điểm lễ nhưng lượng khách đặt phòng rất ít. 

Chẳng hạn như resort Kim Hoa ở Phú Quốc trống tới 55% công suất phòng trong dịp lễ, trong khi tháng trước khách đặt lên đến 80 - 85% rồi thông báo hủy dần.

Nguồn khách giảm, giá phòng cũng chỉ còn 900.000 đồng/đêm, giảm mạnh so với 1,4 triệu đồng/đêm trong dịp này năm trước. Giảm giá mạnh trong dịp lễ nhưng vẫn vắng khách. 

Một trong những lý do là cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, giá vé máy bay đến Phú Quốc bất ngờ tăng rất mạnh, chặng Hà Nội - Phú Quốc lên đến 8 - 10 triệu đồng/khứ hồi, tăng gấp đôi ngày thường. Chưa kể, có nhiều chuyến hết vé khiến khách hàng tạm dừng kế hoạch đi du lịch.

Khách tăng trở lại nhưng không nhiều

Ngày 24-4, chị Ngọc Hân (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết gia đình chị đã quyết định đi nghỉ ở Phú Quốc dịp lễ này sau khi tìm mua được ba vé khứ hồi với tổng chi phí gần 10 triệu đồng. Có vé, chị đặt khách sạn quen với giá bằng ngày thường.

"Cách đây một tháng, chúng tôi đặt vé máy bay, giá đến 16 triệu đồng nên thôi", chị Hân cho biết.

Ông Trần Quốc Khánh cho biết khi giá vé máy bay đến Phú Quốc giảm 40%, tình hình khách đến Phú Quốc những ngày qua bắt đầu có cải thiện nhưng không đáng kể.

"Ghi nhận của chúng tôi đến ngày 24-4, những khách sạn lớn 4 - 5 sao, có tên tuổi công suất phòng cũng chỉ đạt 70%, còn những khách sạn nhỏ hơn chỉ đạt 40 - 50% công suất, trong khi cùng kỳ năm ngoái tất cả đều kín phòng", ông Khánh cho biết.

Vì sao chậm tăng chuyến?

Giữa tháng 4, Cục Hàng không Việt Nam đã công khai danh sách các đường bay có tỉ lệ đặt vé cao, yêu cầu các hãng xây dựng phương án tăng chuyến đảm bảo phục vụ khách đi lại dịp 30-4 và 1-5. 

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thay vì phục vụ du lịch nội địa cho những ngày lễ khách đi lại đông nhưng các hãng bay vẫn không tăng mà tập trung bay quốc tế để có lợi nhuận tốt hơn.

Cụ thể, trong dịp lễ này, Vietnam Airlines cung ứng gần 551.000 chỗ, tương đương gần 2.800 chuyến bay trên các đường bay nội địa trong thời gian từ ngày 26-4 đến 5-5, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022. 

Tương tự, Vietjet và Bamboo Airways tăng 10 - 20%. Thế nhưng, các đường bay quốc tế được các hãng bay tranh nhau tăng tần suất, mở đường bay mới.

Một trong những đường bay quốc tế cũng được tăng chuyến, điều chỉnh tần suất thu hút khách đi chơi lễ 30-4, 1-5 năm nay tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia...

Đặc trưng mùa vụ của hàng không vào cao điểm dịp lễ nhưng vì sao các hãng chưa mặn mà tăng chuyến nội địa? 

Trao đổi với chúng tôi, đại diện một hãng bay nói rằng có lý do việc sắp xếp lịch bay khá căng giữa quốc nội và quốc tế. 

Khi Trung Quốc mở cửa bầu trời, đã có tình trạng các hãng bay Việt tranh nhau lên kế hoạch bổ sung nguồn lực tàu bay và nhân sự để bay đến thị trường tỉ dân này.

Có hãng bay dành hẳn hàng chục tàu bay để chuyên bay thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, các đường bay quốc tế khác như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản... được khách Việt đi lại đông, các hãng vui vẻ, ưu tiên phục vụ vì có doanh thu tốt hơn bay nội địa.

Dù vậy, vị này thừa nhận nếu tập trung quốc tế sẽ mất cơ hội mùa cao điểm 30-4 vào "tay" hãng bay khác. 

Còn một lý do khác mà hãng bay phân trần việc chậm tăng chuyến là cấp thêm slot sát dịp lễ nên khi mở chuyến bay giá vé theo nguyên tắc từ thấp đến cao, cộng với đó là các công ty du lịch, đại lý cũng đã tranh thủ ôm "xê ri vé", và chỉ xả hàng khi người tiêu dùng không chấp nhận giá vé cao.

Hàng không 'làm khó' du lịch bởi giá vé máy bay - 2

Du khách tham quan du lịch Phú Quốc - Ảnh: CHÍ CÔNG

Hàng không thiếu liên kết với du lịch

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Y Yên, tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist, cho rằng tại Việt Nam chưa có công ty du lịch, lữ hành nào đủ lớn để có thể thương lượng sòng phẳng với hãng hàng không về giá vé máy bay. 

Các hãng hàng không tự đánh giá nhu cầu đi lại của thị trường trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tăng cao như năm trước và tăng giá vé để điều tiết. 

Nhưng thực tế dịch bệnh, thông tin kinh tế không mấy khả quan, sức mua giảm dẫn đến nhu cầu đi du lịch của người dân cũng không còn cao. 

"Trong khi đó, các công ty du lịch có nhiều thông tin thị trường hơn và có thể đưa ra nhận định chính xác hơn. Nếu hãng bay và công ty du lịch cùng trao đổi thông tin và có hợp tác chặt chẽ sẽ hạn chế được tình trạng như hiện nay, đem lại sự phát triển bền vững hơn cho ngành du lịch", ông Yên nhìn nhận.

Theo ông Phạm Trung Lương - nguyên viện phó Viện Nghiên cứu du lịch, giá vé máy bay tăng có thể đẩy giá tour tăng đến 30 - 40%, ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đi du lịch của du khách. 

Người Việt có nhu cầu đi du lịch theo nhóm bạn bè, gia đình, nếu giá vé máy bay cao, chắc chắn họ sẽ phải tính phương án khác.

"Sự hợp tác giữa hàng không và du lịch còn bất cập đang gây khó cho ngành du lịch và sự phục hồi của nhiều ngành nghề khác. Các hãng hàng không và công ty lữ hành cần hợp tác chặt chẽ và phối hợp ăn ý hơn nữa mới đem lại lợi ích chung cũng như sự phát triển bền vững của cả hai bên", ông Lương nói.

Theo ông Trần Quốc Khánh - chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, hoạt động du lịch Phú Quốc phụ thuộc vào 80% đường bay từ địa phương khác đến Phú Quốc. 

Chi phí vé máy bay tăng cao trước đó là rào cản cho việc lựa chọn của du khách, vì kế hoạch đi chơi của các gia đình thường chốt rất sớm làm mất lợi thế cạnh tranh của Phú Quốc.

"Lẽ ra các hãng hàng không làm việc trước với Tổng cục Du lịch, xây dựng chiến lược giá vé rõ ràng sẽ không xảy ra tình trạng như hiện nay", ông Khánh nói.

Rất tai hại nếu có cảnh "mua hoa Tết đêm giao thừa"!

Với việc các hãng bay "bỏ rơi" ngành du lịch, chỉ tăng nguồn cung và giảm giá vé máy bay vào giờ chót, thay vì mua trước sẽ được vé có giá rẻ hơn, nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng sẽ tác động đến sức mua của khách hàng cho những năm về sau.

Ông Nguyễn Quang Trường, tổng giám đốc công ty chuyên logistics, trong đó có dịch vụ hậu cần vận tải hàng không - du lịch (quận 2, TP.HCM), cho rằng giá vé máy bay theo cung cầu của thị trường là điều bình thường. Tuy nhiên, với hiện tượng "sốc giá" vào phút chót dịp lễ 30-4 sẽ gây nhiều hệ lụy về lâu dài.

"Nhiều người lo xa mua vé trước mắc hơn mua vé sát ngày bay, rút kinh nghiệm từ năm nay sẽ chần chừ mua vé. Nếu tình trạng này xảy ra công ty du lịch cũng khó bán hàng, hãng bay cũng không tránh khỏi chuyện khách chờ đợt giảm giá sát ngày bay để săn vé ế", ông Trường nói và cho rằng các đại lý vé máy bay và công ty du lịch cũng sẽ cân nhắc việc mua "trữ hàng" để tránh nguy cơ thua lỗ nặng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CÔNG TRUNG - NHƯ BÌNH (Báo Tuổi Trẻ)

CLIP HOT