Việc Hạ Long phát động xây dựng Thành phố của hoa sẽ giúp địa phương này tạo thêm sản phẩm du lịch mới, song hành với du lịch di sản vịnh Hạ Long và tạo cảnh quan, diện mạo mới cho thành phố.
Mới đây, UBND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định phê duyệt đề án “Hạ Long – Thành phố của hoa”. Đây là đề án huy động sự vào cuộc, tham gia tích cực, có trách nhiệm của các tập thể, tổ chức, đoàn thể, người dân trong việc chung tay xây dựng, phát triển ngành du lịch của Thành phố, lấy điểm nhấn tạo ấn tượng là các loài cây có hoa được trồng và cho hoa bốn mùa kết hợp cùng các lễ hội tổ chức quanh năm.
Một góc thành phố Hạ Long.
Trao đổi với PV Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh, đại diện chính quyền TP Hạ Long, cho biết mục tiêu của thành phố dựa trên cơ sở đề án “Phát triển du lịch thành phố Hạ Long đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với xu hướng phát triển du lịch của thành phố trong thời gian tới là tập trung xây dựng và phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch mới, độc đáo gắn với việc khai thác và phát huy các giá trị của Di sản Vịnh Hạ Long, tài nguyên thiên nhiên.
Để tạo điểm nhấn ấn tượng cho khách du lịch khi đến tham quan Hạ Long, thành phố sẽ nghiên cứu thực hiện đề án xen kẽ cùng các lễ hội, sự kiện trên địa bàn Thành phố, tăng cường trang trí hoa theo mùa, tạo các cổng hoa, lối đi hoa, đài hoa (sử dụng kết hợp hoa thật và hoa nhân tạo, trang trí,...), tạo các điểm quan sát, điểm chụp ảnh “check -in” tạo hiệu ứng lan tỏa rộng trong cộng đồng
Ngoài ra, đề án nhằm xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ... nghiên cứu xây dựng thành phố Hạ Long trở thành “Thành phố của Hoa” trong tương lai với chiến lược phát triển hệ thống cây xanh đô thị, các loại cây có hoa phù hợp với bốn mùa, có bản sắc riêng, đặc trưng và thích ứng với điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu.
“Đề án xác định mục tiêu cụ thể không chỉ là cải tạo, trồng bổ sung hệ thống cây xanh, cây có hoa tại các công viên, tiểu cảnh, dải phân cách, đảo giao thông, đường, hè phố tạo cảnh quan có hoa bốn mùa mà hướng đến việc hình thành các tuyến đường, tuyến phố có hoa theo các mùa; phát huy tính đa dạng của hệ thống cây xanh đô thị; trong đó xã hội hóa một phần việc trồng và chăm sóc cây xanh đô thị” đại diện TP Hạ Long, cho biết.
Cụ thể, theo đề án được phê duyệt, các phòng, ban, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể có chiến lược phát triển cây xanh đô thị, cây có hoa phù hợp với bốn mùa, có bản sắc riêng, đặc trưng và thích ứng với điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các đơn vị của thành phố trung chỉnh trang diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, tạo cảnh quan đô thị đẹp, đẳng cấp, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tạo lập và xây dựng nhận diện thương hiệu “Hạ Long - Thành phố của hoa” gắn với “Hạ Long - Thành phố Lễ hội” để kết hợp tạo thêm sản phẩm du lịch mới, góp phần thu hút khách du lịch đến Hạ Long.
“Chúng tôi tạo lập và xây dựng nhận diện thương hiệu “Hạ Long - Thành phố của hoa” gắn với “Hạ Long - Thành phố của Lễ hội” để kết hợp tạo thêm sản phẩm du lịch mới, góp phần thu hút khách du lịch đến Hạ Long”, đại diện TP Hạ Long chia sẻ.
Hạ Long xây dựng đề án Thành phố của hoa nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch thu hút du khách đến tham quan.
Thành phố Hạ Long xác định một số loài cây hoa ưu tiên trên địa bàn Thành phố: cây thân gỗ có hoa (Bằng Lăng, Phượng Vĩ, Tường Vi, Hoa Giấy...); cây dây leo có hoa, lá màu (Sử Quân tử, Đăng Tiêu, Hoàng Thảo, Tử Đằng, Leo chùm ớt, Ti gôn); cây bụi có hoa (Ngọc bút, Mai chỉ thiên, Hồng Lộc, Ngũ Sắc, Chiều Tím, Hồng, Huỳnh Anh, Dâm Bụt, Mẫu Đơn, Bạch Trinh biển, Lựu đỏ, Hoàng Anh); Nghiên cứu, trồng thử nghiệm loại hoa mới: Anh đào, Đỗ quyên.
Thành phố đề xuất một số mô hình để các địa phương, cơ quan, đơn vị nghiên cứu thực hiện như: “Đường hoa - phố hoa,” “Điểm hoa,” “Vịnh Hoa,” “Làng hoa,” “Lớp hoa”. Các loại cây, hoa được đề xuất trong đề án đều là những loại cây đặc trưng của thành phố hoặc những loài phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.
Ngoài ra thành phố tổ chức các cuộc thi “Cây hoa đẹp”, “cổng, tường rào có hoa leo đẹp", “khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị đẹp” sẽ được tổ chức.
Để đề án lan tỏa đến cộng đồng, thành phố tuyên truyền vận động mỗi khu phố, tổ dân, thôn, xóm có một tuyến đường, ngõ đi có hoa đặc trưng; mỗi hộ dân trồng ít nhất 3 đến 5 cây có hoa trong khuôn viên gia đình; khuyến khích người dân tham gia trồng và chăm sóc hoa tại các địa điểm công cộng.
Đại diện TP Hạ Long, thông tin thêm đề án được chia làm nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn 2024-2025 sẽ xây dựng, cải tạo tối thiểu 3 tuyến đường hoa do Nhà nước thực hiện; cải tạo nâng cấp tuyến đường hoa thuộc khu vực trung tâm du lịch của TP do các chủ đầu tư ngoài nhà nước thực hiện, trong đó có việc nâng cấp Công viên hoa Hạ Long và đầu tư xây dựng mới 3 điểm ngắm cảnh.
Mục tiêu của đề án nhằm tạo cảnh quan đô thị tươi đẹp, đẳng cấp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng sống của nhân dân; tạo lập và xây dựng nhận diện thương hiệu “Hạ Long - Thành phố của Hoa” gắn với “Hạ Long - Thành phố của Lễ hội”.
Theo đánh giá của TP Hạ Long, trên địa bàn Thành phố hiện có 3 công viên cây xanh công cộng và 1 công viên do doanh nghiệp đầu tư quản lý. Các công viên công cộng hiện đều được UBND Thành phố giao cho Ban Quản lý dịch vụ công ích thực hiện chăm sóc, duy trì, bảo dưỡng. Hiện trạng cây xanh cơ bản phát triển tốt, chủng loại khá phong phú. Tuy nhiên, ngoại trừ Công viên Hoa Hạ Long thì 2 công viên còn lại cây có hoa chiếm tỉ lệ rất thấp, chưa nổi bật.
Toàn TP hiện có 76 vườn hoa, tiểu cảnh công cộng trong đó có 7.207 cây bóng mát, 3.089 m2 cây bờ viền, 9.303 m2 thảm màu, 3.740 cây tạo hình, 1.415 cây Cọ dừa. Các vườn cây xanh, tiểu cảnh trên vỉa hè các tuyến đường, đảo giao thông, dải phân cách trên địa bàn Thành phố đang được duy trì chăm sóc gồm cây bóng mát, bờ viền, thảm màu, thảm hoa, thảm cỏ, cây tạo hình, cây cọ, chà là, dừa, cau vua…