Gắn câu chuyện của sản phẩm OCOP để phát triển du lịch
Không chỉ bán các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) chất lượng mà còn gắn với câu chuyện trong đó để phát triển du lịch.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM vào chiều 14/8/2023, tại chương trình ký kết hợp tác xây dựng chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” và thương hiệu nông sản Cần Giờ.
Du khách trải nghiệm làm “Diêm dân” trong chương trình khảo sát tour du lịch tại Ấp đảo Thiềng Liềng.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thời gian qua nhiều địa phương đã xây dựng được các sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao, nhưng việc đưa sản phẩm vào thị trường gặp nhiều khó khăn. Các sàn thương mại điện tử cũng chưa phát huy được hiệu quả trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP.
“Chúng tôi tiến tới xây dựng chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP để giúp mọi người hiểu sản phẩm hơn cũng như nắm bắt nhu cầu tiêu dùng. Ngành nông nghiệp sản xuất ra cùng sự tư vấn của ngành công thương, chất lượng đảm bảo, bao bì tốt, kỳ vọng sẽ chinh phục được khách hàng”, ông Phương bày tỏ.
Toàn cảnh chương trình “1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP” và lễ ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng thương hiệu nông sản Cần Giờ; Sàn giao dịch thịt heo TP.HCM.
"Chúng tôi muốn đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất và thương mại để đưa hàng hóa đến gần với người tiêu dùng hơn. Cùng với đó là việc xây dựng những câu chuyện liên quan đến sản phẩm nhằm tạo ra giá trị gia tăng, giúp chúng tạo ấn tượng tốt hơn với người tiêu dùng. Chúng ta không chỉ kết nối ở thị trường nội địa mà phải nghĩ rộng ra thị trường trên quy mô toàn cầu", Phó Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh.
Cùng nhận định trên, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM nêu rõ, mục đích chương trình hướng tới không chỉ bán được các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) chất lượng mà còn gắn với câu chuyện trong đó để phát triển du lịch.
Chương trình “1000 câu chuyện OCOP” sẽ giúp cho các sản phẩm OCOP của TP.HCM nói riêng và các tỉnh thành có liên kết với TP.HCM sẽ phát triển mạnh hơn nữa, ông Phú tin tưởng.
Trên thực tế, có những sản phẩm địa phương như cà pháo, rau má nhưng xuất khẩu sang được gần 20 nước trên thế giới. Tuy nhiên hiện nay, TP.HCM chỉ có 66 sản phẩm OCOP là ở mức thấp, chưa đạt mức trung bình của các tỉnh bình quân trong cả nước.
Do đó, UBND TP.HCM đã điều chỉnh và dự kiến từ nay đến cuối năm cùng với những sản phẩm OCOP của các tỉnh sản xuất tại TP.HCM, TP sẽ có thêm khoảng 100 sản phẩm OCOP, ông Phú dự tính.
Đại diện Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, UBND huyện Cần Giờ và Công ty TNHH Tiki - Sàn thương mại điện tử Tiki ký kết hợp tác xây dựng thương hiệu nông sản Cần Giờ.
Dịp này, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, UBND huyện Cần Giờ và Công ty TNHH Tiki - Sàn thương mại điện tử Tiki ký kết hợp tác xây dựng thương hiệu nông sản Cần Giờ.
Theo nội dung ký kết, các bên hợp tác chia sẻ các thông tin phù hợp về danh mục các sản phẩm OCOP, sản phẩm trọng tâm, chủ lực của huyện Cần Giờ (như yến sào, xoài, cua, muối, mật dừa nước, khô cá dứa, bưởi da xanh…); thực hiện nghiên cứu thị trường, khảo sát khách hàng về mức độ hiểu biết về sản phẩm, các nhu cầu, thị hiếu, các rào cản hiện tại của khách hàng khi tìm, mua sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế…
Việc bắt tay hợp tác giữa ngành nông nghiệp và công thương có ý nghĩa quan trọng, sẽ giải quyết bài toán cung - cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt là tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, ông Phương tin tưởng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, ký kết các biên bản ghi nhớ với các đơn vị thương mại điện tử có uy tín sẽ mở ra bước khởi đầu quan trọng trong việc xây dựng và thúc đẩy phát triển các thương hiệu nông sản OCOP chủ lực của TP.HCM nói riêng, định vị giá trị thương hiệu các nông sản này tại thị trường trong nước và quốc tế.
Trong đó, việc kí kết giữa các bên để xây dựng thương hiệu nông sản Cần Giờ sẽ nhằm hướng đến phát huy vai trò, lợi thế, năng lực chuyên môn của mỗi bên. Đồng thời, tạo môi trường, cơ chế, hệ thống công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP tại huyện Cần Giờ cải tiến sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đến được với người tiêu dùng cả nước và hướng đến xuất khẩu sang thị trường quốc tế, ông Phương cho hay.
“Thông qua Chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP, sản phẩm OCOP Cần Giờ sẽ được quảng bá tốt hơn, kênh phân phối thương mại điện tử giúp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng nhiều hơn”, ông Triển kỳ vọng.
Liên quan đến các sản phẩm đạt chứng chỉ OCOP của huyện, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ chia sẻ, hiện nay, Cần Giờ đang hướng dẫn 4 chủ thể lập hồ sơ tham gia phân hạng OCOP đối với 20 sản phẩm gồm: 12 sản phẩm chế biến từ tổ yến, 6 sản phẩm khô thủy sản các loại, 2 sản phẩm du lịch.
Vì vậy, thông qua việc kí kết, huyện mong muốn giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng xây dựng OCOP đến tận tay người dân trên cả nước; kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện; đồng thời, lắng nghe và tiếp thu các giải pháp xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Cần Giờ.