Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hôm nào đó, chẳng nhân dịp gì, mình ra ga mua vé tàu, dừng ở một ga nào đó mình chưa từng đến, nhảy xuống tắm biển, không có biển thì leo núi, uống 1 ly nước rồi trở về...

Tôi từng nghe cô Anh Thơ hát:

“Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay

Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi”.

Tôi không biết được một câu chuyện đẹp phía sau bài hát này cho đến khi xem chương trình Ký ức vui vẻ. Đầu năm 1977, NSND Thanh Hoa và chồng là nhạc sĩ Phan Lạc Hoa cùng tham gia vào đoàn văn công Văn Lịch – Tổng cục đường sắt Việt Nam lúc bấy giờ. NSND Thanh Hoa kể, “Thời ấy đi tàu rất cực, phải chuyển tàu liên tục chứ không được sung sướng như bây giờ đâu”.

Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay - 1

Khi đến đèo Hải Vân, NSND Thanh Hoa bỗng nghe được một hồi còi rất dài và tàu dừng lại. Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và anh Quý - trưởng tàu đi xuống, sau đó lúc lên mắt 2 người đều đỏ hoe. NSND Thanh Hoa được chồng kể lại: “Đây là đoạn đường mà người yêu của anh Quý đã từng ngã xuống nên mỗi lần đi qua đây anh ấy đều kéo một hồi còi dài và thắp nén nhang như một lời chào đến người yêu đã mất”.

Thấy quá thương cảm cho tình yêu của anh Quý, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa ngay lập tức sáng tác ca một ca khúc như món quà bằng âm nhạc để tặng anh Quý. NSND Thanh Hoa vẫn nhớ như in, “Khi ấy, mọi người tụ tập lại trong một toa tàu, Thanh Hoa hát cho mọi người nghe. Nhưng tôi hát không được trọn bài vì nước mắt cứ tuôn rơi không kiềm chế được”. Và hơn 40 năm, ca khúc “Tàu anh qua núi” đã in sâu trong lòng khán giả nhưng đến hôm nay khi sự thật phía sau ca khúc ấy được nhắc đến tiếp tục làm cho khán giả xúc động.

Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay - 2

Tôi cũng mới đọc một bài viết có cái tên rất thơ: “Mùa hè lướt ngoài cửa sổ” kể về trải nghiệm đi tàu của một bạn trẻ. Cửa sổ máy bay thì nhanh quá, chủ yếu chắc bạn sẽ chỉ nhớ những đám mây, cửa sổ ô tô thì tôi chắc có khi bạn còn chả bao giờ thèm kéo rèm: lên xe ngủ tới lúc xuống xe. Còn cửa sổ tàu hỏa, tôi chợt nghĩ có người chắc cả đời còn chưa bao giờ đi tàu hỏa.

Cũng đúng thôi, xét về cả thời gian lẫn giá cả, đi tàu ít có ưu thế gì để cạnh tranh cùng xe khách, máy bay. Vậy mà, tôi cũng có kha khá lần trải nghiệm việc đi tàu, trong đó hầu hết là đi du lịch.

Lần đầu tiên tôi đi tàu là năm 17 tuổi – đi một mạch từ Nam ra Bắc, từ Sài Gòn ra Hà Nội – chuyến đi vội vàng đến mức giờ tôi chẳng có ấn tượng gì nhiều ngoại trừ việc gặp một bạn đẹp trai người Quảng Bình.

Trong tưởng tượng của tôi, với tất cả sự mơ màng lãng mạn, ngồi tàu sẽ là chống tay mơ màng bên ô cửa sổ như Celine, ngắm những thị trấn, những làng quê lướt qua cửa sổ. Rồi một chàng trai như Jesse trong phim “Before Sunrise” sẽ đến bắt chuyện, rủ tôi xuống một nhà ga nào đó đi dạo và trò chuyện. Đó sẽ là chuyến tàu ngang qua những địa danh thơ mộng tôi đã từng học trong sách giáo khoa, nào sông Hương trong bài ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nào là ga xép nghèo nàn ở Cẩm Giàng Hải Dương gắn với truyện ngắn “Hai đứa trẻ”.

Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay - 3

Nhưng rồi tôi chỉ nhớ chiếc ghế nhỏ bé khó chịu, lối đi nhỏ vừa đủ chiếc xe đẩy của nhân viên bán hàng trên tàu bán đủ thứ trên đời từ đồ ăn nước uống. Ô cửa sổ ngày ấy vẫn còn gắn tấm sắt nhỏ nên tầm nhìn rất hạn chế. Cộng thêm việc thời đó tôi còn là học sinh, cũng chưa có điện thoại hay phương tiện gì để giải trí tiêu khiển giết thời gian nên việc ngồi tàu 2 ngày thực sự khá là đáng quên. Tiếng bánh xe xình xịch nghiến trên đường ray, những chiếc hầm hun hút tối hay cảnh biển xanh ngắt bên hông thân tàu thỉnh thoảng cũng kéo tôi ra khỏi sự chán chường đôi chút.

Sau này, khi có dịp đi vài tuyến tàu du lịch Sài Gòn – Nha Trang, Sài Gòn – Phan Thiết, cảm tình của tôi với đường sắt mới được bù đắp lại. Bởi những tuyến này rất sạch sẽ, dừng lại ở ít ga hơn, ghế ngồi trên tàu thoải mái tiện nghi, giới hạn chỗ ngồi, máy lạnh mát mẻ. Tùy vào giá tiền, bạn có thể chọn giường nằm khoang riêng.

Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay - 4

Tuy nhiên đi tàu du lịch sẽ không được chứng kiến cảnh mua bán ở mỗi ga ngang qua mỗi tỉnh – một trải nghiệm theo tôi là cực kỳ thú vị. Kiểu như nếu bạn mang theo một chiếc túi đi buôn, chỉ cần chăm chỉ shopping qua mỗi ga, chắc chắn khi xuống tàu, túi của bạn sẽ không còn chỗ nhét: từ thanh long Phan Thiết, táo, nho Ninh Thuận, bánh gai, bánh ú, nem công chả phượng, à lộn nem chua…

Tôi xem nhiều phim tài liệu nói về những con tàu: “Hành trình xuyên Siberia” (đi xuyên lục địa Á – Âu) là một trong những đường sắt ngoạn mục nhất thế giới kéo dài hơn 9.000 km, từ thủ đô Moscow đến Vladivostok, ngang qua Mông Cổ.

Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay - 5

Tôi từng đọc bài của một bạn trên diễn đàn phuot.vn, một topic rất nhiều ảnh đẹp chụp cảnh dọc đường sắt. Topic ấy nhận được nhiều lời khen hình đẹp quá, làm sao chụp được những góc như thế, cả những câu hỏi rất thú vị của người đọc, sau này bạn ấy mới bảo: mình là lái tàu. Một gã lái tàu khá là… mơ mộng.

Mấy đứa viển vông chúng tôi đã từng nói với nhau về một lần ngông cuồng tuổi trẻ: hôm nào đó, chẳng nhân dịp gì, mình ra ga mua vé tàu, dừng ở một ga nào đó mình chưa từng đến, nhảy xuống tắm biển, không có biển thì leo núi, uống 1 ly nước rồi lại tất tả trở về.

Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay - 6

Hay như từng bàn nhau một lần chơi lớn đi Trung Quốc đi: đi tàu từ Hà Nội sang Nam Ninh, rồi cứ đi tiếp cho tới khi nào đến… Tây Tạng, Thanh Hải. Ngày xưa cách 1.300 năm, công chúa Văn Thành thời Đường gả về nhà chồng phải mất 3 năm mới đến được Lhasa, còn chúng tôi sẽ ngồi tàu cho say độ cao chơi.

Hẹn một chuyến đi không vội vàng, tôi sẽ ngắm nhìn Việt Nam tươi đẹp lần nữa qua ô cửa kính tàu hỏa.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyền Trần

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.