Đề án phát triển du lịch cộng đồng: Cơ hội mới cho nông thôn TP.HCM

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tại TP.HCM, các điểm du lịch cộng đồng như ấp đảo Thiềng Liềng đang trở thành điểm sáng, góp phần bảo tồn văn hóa và cải thiện sinh kế cho người dân.

Ngày 30/10/2024 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 3222/QĐ-BVHTTDL, phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam, mở ra một giai đoạn mới cho du lịch cộng đồng với các mục tiêu và giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển bền vững cho các địa phương. Tại TP.HCM, các điểm du lịch cộng đồng như ấp đảo Thiềng Liềng đang trở thành điểm sáng, góp phần bảo tồn văn hóa và cải thiện sinh kế cho người dân.

Đề án phát triển du lịch cộng đồng: Cơ hội mới cho nông thôn TP.HCM - 1

Du lịch cộng đồng: Lợi ích cho người dân và ngành du lịch

Đề án phát triển du lịch cộng đồng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng tới khai thác tiềm năng sẵn có của từng vùng, nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống và tạo điều kiện cho các cộng đồng phát triển sinh kế bền vững. Điều này được thể hiện qua bảy nhóm giải pháp cụ thể, bao gồm cải tạo cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng cao năng lực cộng đồng và bảo tồn văn hóa.

Trong thời gian tới, ngân sách nhà nước sẽ được ưu tiên đầu tư vào việc cải tạo hệ thống giao thông, điện nước, y tế, vệ sinh và các dịch vụ hỗ trợ khác tại các điểm du lịch cộng đồng.

Đây là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo các điểm du lịch cộng đồng luôn trong tình trạng sẵn sàng phục vụ du khách, tạo sự thoải mái và tiện nghi khi khách đến tham quan, từ đó thu hút nhiều du khách hơn đến với những vùng nông thôn mới của TP.HCM và cả nước.

Tạo dựng sản phẩm du lịch đặc trưng từ tài nguyên địa phương

Một trong những điểm nhấn của Đề án là khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với giá trị văn hóa bản địa. Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) cũng được đẩy mạnh nhằm giúp các địa phương tự phát triển các sản phẩm, dịch vụ đặc thù dựa trên tài nguyên và sản vật địa phương. Các sản phẩm từ OCOP không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là cách để du khách hiểu hơn về nét đẹp của từng vùng miền.

Theo bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục PTNT TP.HCM,  Thành phố định hướng phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đẩy mạnh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố, các sản phẩm thuộc làng nghề truyền thống và các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Từ khi triển khai vào năm 2019 đến nay, thành phố đã có khoảng 200 sản phẩm OCOP của 60 chủ thể được công nhận và phân hạng đạt 3 và 4 sao. Chương trình OCOP đã góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập cho người dân nông thôn so với giai đoạn trước khi triển khai.

Chương trình OCOP tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay tập trung vào 6 sản phẩm chủ lực, bao gồm rau, hoa, kiểng, bò, sữa, cá cảnh và heo. Đặc biệt, từ giai đoạn 2021–2025, chương trình đã được mở rộng về quy mô và đối tượng, bao phủ toàn thành phố (bao gồm Thành phố Thủ Đức và 5 huyện ngoại thành) thay vì chỉ giới hạn ở các huyện ngoại thành như trước đây. Các lĩnh vực tham gia cũng được mở rộng với 6 nhóm ngành gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất và dịch vụ du lịch.

"Nhóm ngành dịch vụ và du lịch được xác định là lĩnh vực cần phát triển sản phẩm OCOP, giúp phát triển kinh tế địa phương và thu hút du khách. Các sở, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về việc gắn kết hoạt động du lịch với chương trình OCOP và xác định các sản phẩm du lịch tiềm năng tham gia đánh giá, phân hạng" bà Mai nhấn mạnh.

Đề án phát triển du lịch cộng đồng: Cơ hội mới cho nông thôn TP.HCM - 2

Tại TP.HCM, ấp Thiềng Liềng, nơi nổi tiếng với nghề làm muối, đã trở thành điểm đến du lịch cộng đồng điển hình từ cuối năm 2022. Từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2024, hơn 3.000 lượt khách đã đến đây, mang lại nguồn thu gần 900 triệu đồng. Nhờ hoạt động du lịch, người dân Thiềng Liềng không chỉ phát triển được sinh kế phụ mà còn kết nối với các nguồn lực để ổn định kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những thách thức sinh kế khác.

Bảo tồn văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ

Việc bảo tồn văn hóa địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng là yếu tố được chú trọng. Đề án kêu gọi cộng đồng tham gia du lịch bằng cách bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng tộc và làng xã. Các làng quê văn hóa sẽ được xây dựng theo hướng bảo tồn nếp sống, giữ gìn an toàn xã hội trong môi trường du lịch, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và giữ được nét đẹp văn hóa vùng miền.

Đề án phát triển du lịch cộng đồng: Cơ hội mới cho nông thôn TP.HCM - 3

Để đảm bảo chất lượng phục vụ, Đề án cũng tập trung vào công tác quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các chương trình tập huấn, nâng cao nghiệp vụ và bộ quy tắc ứng xử sẽ được triển khai để giúp người dân và du khách cùng giữ gìn và bảo vệ môi trường du lịch. Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng mà còn đảm bảo du lịch cộng đồng TP.HCM nói riêng cũng như Việt Nam nói chung phát triển một cách bền vững.

Theo bà Bùi Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, các vùng ngoại thành của Thành phố với nhiều tiềm năng để hình thành và phát triển các mô hình và sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp như: huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, đã hình thành những điểm đến du lịch nông nghiệp, sinh thái mới dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa khá phong phú, với các khu vườn cây ăn trái, vui chơi, thư giãn, nghỉ ngơi trong bầu không khí trong lành, yên ả tại các vùng nông nghiệp truyền thống với không gian làng xã sinh động và cảnh quan đồng quê trữ tình. 

Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ được xây dựng trong không gian sinh thái nông nghiệp, dựa trên giá trị cộng đồng địa phương gắn với nghề làm muối của diêm dân hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm từ du khách trong và ngoài nước.

Thiềng Liềng – Mô hình điểm trong du lịch cộng đồng tại TP.HCM

Ấp Thiềng Liềng, được mệnh danh là “xứ vàng trắng”, là điểm đến du lịch cộng đồng tiêu biểu đầu tiên tại TP.HCM. Nằm tách biệt với các địa phương khác trong khu vực Đông Nam Bộ, Thiềng Liềng tạo nên một trải nghiệm đặc biệt cho du khách nhờ sự kết hợp giữa vị trí địa lý độc đáo và các hoạt động trải nghiệm văn hóa, sản xuất muối.

Đề án phát triển du lịch cộng đồng: Cơ hội mới cho nông thôn TP.HCM - 4

Nghề muối là nghề chính tại đây, nhưng chỉ có thể thực hiện vào mùa khô, còn mùa mưa, người dân dành thời gian đón tiếp du khách, từ đó tạo sinh kế phụ bền vững, giảm thiểu tác động của các yếu tố thời tiết và biến đổi khí hậu đến đời sống kinh tế.

Nhờ vị trí đặc biệt là "đảo trong đảo", Thiềng Liềng không chỉ tạo thêm lựa chọn cho du lịch TP.HCM mà còn đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế địa phương.

Theo thống kê của Tổ Du lịch Thiềng Liềng, các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại đây đã thu hút sự quan tâm của các công ty lữ hành và truyền thông, tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt cho TP.HCM – một đô thị vốn sôi động và hiện đại.

Mở rộng thị trường và phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Đề án còn nhấn mạnh đến việc quảng bá, phát triển thị trường du lịch cộng đồng không chỉ tại thị trường trong nước mà còn hướng đến các thị trường quốc tế trọng điểm như ASEAN, Đông Bắc Á, Tây Âu và Úc. Các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng sẽ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách và tạo nên bản sắc riêng cho du lịch cộng đồng Việt Nam, giúp quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững cũng được đề cập, khuyến khích cộng đồng và du khách cùng bảo vệ môi trường tự nhiên. Các sản phẩm du lịch sinh thái, sản phẩm sạch sẽ được phát triển, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm một cách thân thiện với môi trường.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT