Cuộc trò chuyện bất ngờ với vị tỷ phú giữa đảo ngọc Phú Quốc
Cuối tuần, "trốn" khỏi guồng quay tất bật của Sài Gòn, tôi cùng gia đình tìm về với biển xanh và không khí trong lành của Phú Quốc. Đảo ngọc mùa này đẹp đến lặng người, trời cao vời vợi, nước biển trong veo màu ngọc bích, từng đợt sóng nhẹ vỗ vào bờ cát trắng mịn như tơ.
Vẻ đẹp Phú Quốc nhìn từ trên cao.
Sau bữa trưa đậm chất miền biển với gỏi cá trích, mực nướng và vài ly nước dừa mát lạnh, tôi lái xe thong thả dọc con đường Nguyễn Văn Cừ rộng rãi vắng bóng xe. Đang mải mê ngắm cảnh, tôi bất chợt bắt gặp một nhóm người đứng bên đường, gần một khu đất rộng lớn bên cạnh đường dẫn vào sân bay quốc tế Phú Quốc.
Một người đàn ông cao mảnh, mặc veston, tay cầm bản đồ, đang chỉ trỏ gì đó với vài bạn trẻ xung quanh. Tôi chậm lại, nhìn kỹ hơn. Không lẫn vào đâu được – chính là Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), Johnathan Hạnh Nguyễn.
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) trong bộ veston xanh navy lịch lãm, đang trao đổi công việc với nhân viên.
Tôi từng phỏng vấn anh vài lần ở các sự kiện lớn, ấn tượng bởi sự gần gũi và nụ cười luôn nồng nhiệt, nhưng chưa bao giờ thấy anh trong khung cảnh đời thường đến thế. Mồ hôi lấm tấm trên trán, dưới cái nắng hơn 30 độ của đảo ngọc. Không có vệ sĩ, không có khoảng cách, chỉ có một người đàn ông đang sống trọn vẹn với đam mê của mình.
- "Nhà báo cũng ra Phú Quốc hả? Đi công tác hay đi chơi đây?"
- "Dạ, đi chơi cuối tuần thôi. Còn anh sao lại đứng giữa nắng gắt thế này, đang tính 'ấp ủ' gì sao?"
Sự tò mò của tôi đã khiến anh cười lớn. Trong khi tay vẫn không rời tấm bản đồ, ánh mắt của doanh nhân lão làng bỗng sáng lên một niềm hân hoan kỳ lạ.
- "Đây là đam mê!", anh nói. "Phú Quốc vẫn còn nhiều chỗ đẹp quá, nếu bỏ không thì phí! Hôm nay, tôi với mấy kỹ sư của tập đoàn ra đây khảo sát vị trí cho dự án mới của IPPG. Muốn biết không? Tôi kể cho nghe!"
Tôi gật đầu cái rụp, rồi nhanh chóng chuyển đổi vai trò từ một du khách trở thành một nhà báo "chính chuyên", với bút giấy và điện thoại bật ghi âm.
- "Phú Quốc đâu chỉ là thiên đường du lịch, nó còn là một điểm sáng kinh tế trong tương lai. IPPG đang thực hiện chiến lược lớn để biến nơi này thành trung tâm thương mại và tiêu dùng quốc tế. Một phần quan trọng trong chiến lược đó là khu phi thuế quan với diện tích 101ha, nơi du khách mua sắm hàng hiệu miễn thuế. Cái tôi tâm huyết nhất ở dự án này chính là Factory Outlet."
Nói đoạn, anh quay lại nhìn khu đất phía sau và tiếp lời.
- "Factory Outlet là mô hình bán hàng chính hãng với giá ưu đãi, được phổ biến rộng rãi ở Mỹ và châu Âu, nhưng ở nước mình thì còn mới lắm. Tôi muốn làm Factory Outlet ngoài trời, kiến trúc mở, gần gũi thiên nhiên, nằm ngay giữa Phú Quốc. Sẽ có hàng loạt thương hiệu quốc tế và nội địa - từ quần áo, phụ kiện, giày dép đến đồ gia dụng với mức ưu đãi từ 30-70%. Khách đến đây không chỉ đi biển mà còn được mua sắm thỏa thích với giá hợp lý."
Cũng theo lời anh, Factory Outlet sẽ có kiến trúc hiện đại và sang trọng. Nơi đây không chỉ là cửa hàng mua sắm mà còn là một tổ hợp với nhà hàng, quán cà phê và khu vui chơi.
- "Mình không chỉ bán hàng, mà bán trải nghiệm. Đó là một trải nghiệm tiêu dùng đẳng cấp giữa thiên nhiên nhiệt đới", giọng anh đầy phấn khởi.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ tay vào vị trí mà ông sẽ cho xây dựng nên một Factory Outlet đầu tiên của Phú Quốc.
Trong tầm nhìn dài hạn, việc ra mắt Factory Outlet trong nội khu phi thuế quan sẽ giúp Phú Quốc níu chân du khách lâu hơn, cũng như sẽ thuyết phục họ sẵn sàng mở hầu bao chi tiêu nhiều hơn. Rõ ràng, đây là điều có lợi cho nền kinh tế địa phương.
Nhưng luôn có cái giá phải trả. Một mặt, Factory Outlet chính là đòn bẩy giúp đảo ngọc bứt phá, nhưng ở mặt còn lại, việc hy sinh cảnh quan thiên nhiên của Phú Quốc để đổi lấy những khối bê tông đầy hào nhoáng là một vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng.
- "Anh có lo rằng Phú Quốc sẽ bị ngộp bê tông không?", tôi hỏi.
Anh im lặng vài giây, rồi đáp bằng giọng trầm:
- "Đó là điều tôi suy nghĩ rất nhiều. IPPG cam kết phát triển bền vững, không chạy theo tốc độ bằng mọi giá. Các dự án sẽ giữ mật độ xây dựng thấp, ưu tiên không gian xanh, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Tôi không muốn biến Phú Quốc thành một đô thị bê tông. Mình phải giữ được cái hồn của đảo mà thiên nhiên ban tặng."
Trong bối cảnh hôm nay, phát triển kinh tế bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường không còn là một lựa chọn xa xỉ, mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết và sống còn. Mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống, vốn thường xem nhẹ hoặc phớt lờ các giới hạn của môi trường, đã bộc lộ rõ sự thiếu bền vững, tạo ra lợi ích ngắn hạn nhưng để lại những hậu quả tiêu cực và chi phí khổng lồ cho tương lai. Do đó, việc chuyển đổi sang một mô hình phát triển hài hòa, nơi các mục tiêu kinh tế song hành với việc bảo tồn tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và bảo đảm công bằng xã hội, là con đường duy nhất để kiến tạo một tương lai thịnh vượng. Dĩ nhiên, với tầm vóc của anh và đội ngũ IPPG, câu chuyện này hẳn đã được tiên liệu từ trước.
- "Dự án này của anh có được tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện thực hiện không?", tôi hỏi tiếp.
- "Có chứ, trong quá trình triển khai, đã có một số vướng mắc cần chính quyền hỗ trợ, chẳng hạn như cơ chế về miễn thuế. Chuyện này phải do các bộ ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ thì mới tháo gỡ được. IPPG đã có tờ trình với các bộ ngành và đợi có cơ chế để vận hành, hy vọng sẽ sớm được Chính phủ ban hành trong thời gian tới đây", anh nói.
Ông chủ của Tập đoàn IPPG cũng kỳ vọng dự án sẽ hoàn thành trước thềm diễn ra APEC 2027 để các lãnh đạo quốc tế khi đến với Phú Quốc không chỉ để họp bàn chính trị hay ký kết các thỏa thuận giao thương, mà còn ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp và tiềm năng nơi đây. Đó cũng chính là điểm nhấn giúp Phú Quốc khác biệt với Hà Nội hay Đà Nẵng – những địa phương đã từng đăng cai tổ chức APEC vào các năm 2006 và 2017.
- "Tôi mong muốn Factory Outlet sẽ được hoàn thiện trước sự kiện, với không gian xanh, kiến trúc hài hòa với thiên nhiên đảo ngọc. Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để bảo đảm hạ tầng giao thông, như đường sá và sân bay, được nâng cấp kịp thời. APEC 2027 sẽ là cơ hội để thế giới thấy một Phú Quốc hiện đại, nhưng vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ."
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng khu phi thuế quan sẽ kịp hoàn thành trước khi diễn ra APEC 2027.
Ở độ tuổi U80, là một doanh nhân thành công được nhiều người ngưỡng mộ, nhưng ở anh vẫn toát lên nét giản dị và gần gũi, khiến người đối diện cảm thấy thoải mái. Thỉnh thoảng, trong lúc trò chuyện với tôi, anh còn pha trò để nhân viên xung quanh bớt căng thẳng. Đó có lẽ là thứ "keo dính" đã giúp anh tạo nên một tập thể đoàn kết, và cũng chính sức mạnh của đoàn kết đã giúp con tàu IPPG, dưới sự dẫn dắt của "thuyền trưởng” Johnathan Hạnh Nguyễn, không ngừng vươn xa và khai phá những chân trời mới.
- "Còn chú, đi Phú Quốc thấy có gì hay? Có phát hiện thêm gì mới không?", anh bất chợt hỏi tôi.
Thật lạ khi đang ở vị trí người đặt câu hỏi, bất giác lại trở thành người trả lời. Trong vài giây lúng túng, tôi đã cố nghĩ trong đầu về một câu trả lời ấn tượng cốt để anh hài lòng, nhưng tôi lại thấy anh là một người rất thật – không khoa trương, không bóng bẩy. Do đó, nếu đáp lời anh bằng một câu nói "thảo mai" e sẽ không hợp lẽ.
- "Hoàng hôn Phú Quốc không chê được đâu anh ạ!", rồi tôi kể anh nghe mình đã chứng kiến khung cảnh mặt trời lặn ở Sunset Sanato ấn tượng như thế nào, và cả các thức hải sản ở Phú Quốc đã khiến tôi thích thú ra sao.
- "Lần sau ra lại, nhớ báo tôi trước. Lúc đó, khu phi thuế quan có Factory Outlet có khi đã thành hình rồi. Tôi sẽ dẫn chú đi xem tận nơi", anh cười, nói với tôi như thế.
Tôi bắt tay anh lần nữa rồi rời đi. Phú Quốc hôm nay vốn dĩ đã rất tuyệt vời, nhưng đảo ngọc rồi sẽ còn nổi bật hơn trong tương lai. Bởi tôi tin, với tầm nhìn chiến lược mà anh và IPPG đang có, hòn đảo này sẽ sớm trở thành một "thiên đường trải nghiệm" đích thực của châu Á, nơi những giá trị nguyên bản được gìn giữ và giao hòa nhịp nhàng với hơi thở của thời đại mới trong kỷ nguyên đất nước vươn mình.