Chuyện kỳ diệu về nữ nông dân thoát nghèo nhờ ao cá, đổi từ nhà “lá” sang nhà “villa”
Trong thế giới nông nghiệp, câu chuyện về những người nông dân vượt khó, đổi đời luôn mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ. Đôi vợ chồng nông dân ở huyện Bình Chánh, TP.HCM là tấm gương điển hình cho câu chuyện cảm hứng ấy nhờ bước ngoặc từ ao cá kiểng.
Cơ duyên từ mảnh đất ruộng cho thuê
Người ta thường nói, làm nông là một công việc vất vả và thu nhập không cao, nhưng câu chuyện về bà Nguyễn Thị Hồng Nga (48 tuổi), một người nông dân ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, đã minh chứng rằng chỉ cần có sự sáng tạo và kiên trì, cuộc sống có thể thay đổi hoàn toàn.
Nhờ mạnh dạng chuyển đổi nghề, vợ chồng bà Nga đã trở thành một tấm gương sáng về việc làm giàu từ nông nghiệp thông qua việc nuôi cá kiểng.
Trước khi gắn bó với nghề nuôi cá kiểng, bà Nga làm công nhân, còn chồng làm thợ hồ với đồng lương “ba cọc ba đồng” không đủ trang trải, cuộc sống gia đình cũng chẳng mấy dư dả. Nhưng chính trong những năm tháng khó khăn ấy, bà Nga đã nhận ra rằng chỉ có thay đổi tư duy và tìm kiếm cơ hội khác thì mới có thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của nghèo khó.
Gần 100 bể cá kiểng phia sau căn "villa" của gia đình bà Nga.
Với khoảng 3.000 m2 đất ruộng của ông bà để lại, vợ chồng bà cho thuê để kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Tuy nhiên, chính bước ngoặc ấy đã giúp bà tìm ra hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình.
Một lần tình cờ nhìn thấy người thuê đất để nuôi cá kiểng ăn nên làm ra, bà Nga nhận thấy tiềm năng mô hình này, đầy mới mẻ nhưng cũng không kém phần thách thức.
Lúc đó bà thầm nghĩ: “Tại sao người ta đi thuê đất nuôi cá mà vẫn làm ăn khấm khá, còn mình có đất thì không được như vậy?”.
Nghĩ là làm, sau đó bà Nga về bàn lại với chồng và đi đến quyết định từ bỏ công việc hiện công nhân và thợ hồ để chuyển sang nuôi cá kiểng. Từ đây, cơ duyên với nghề nuôi cá kiểng đã gắn bó với gia đình bà Nga đến bây giờ đã 12 năm.
Vợ chồng bà Nga đang vớt cá kiểng để chuẩn bị xuất bán.
Cá kiểng với kích thước nhỏ được bà Nga dùng vợt vớt lên từ bể.
Theo bà Nga, thời điểm mới bắt tay vào làm, vợ chồng bà phân công mỗi người một nhiệm vụ. Trong khi ông xã tích cực nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá từ hàng xóm thuê đất, tìm tòi kiến thức qua mạng, tham gia các buổi tập huấn, còn bà Nga sẽ đem cá rong ruổi khắp các đại lý để chào hàng.
Những con sau khi vớt lên từ bể sẽ được lựa chọn lại con nào đạt yêu cầu mới xuất bán.
Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, cả hai vợ chồng đã không ngại khó, liên tục tự mày mò học hỏi kỹ thuật nuôi cá trên mạng và tìm hiểu thị trường. Dù gặp không ít khó khăn, thất bại ban đầu, nhưng với tinh thần kiên trì và lòng yêu nghề, bà Nga và chồng dần dần tích lũy kinh nghiệm và làm chủ kỹ thuật nuôi cá kiểng.
Những bể cá này dành để nuôi cá 7 màu.
Lâu ngày bể cá thường bị đóng rong nên việc việc sinh luôn được kiểm tra, dọn dẹp thường xuyên.
“Mới đầu cũng bấp bênh lắm vì đầu ra không có, chưa kể nuôi lứa nào lứa ấy chết sạch vì chưa có kinh nghiệm. Sau nhờ được Hội Nông dân xã cho đi tham quan, học tập huấn nuôi trồng cá kiểng, kết hợp với tìm hiểu qua mạng rồi từ từ mới có kinh nghiệm”, bà Nga chia sẻ.
Theo vợ chồng bà Nga, phải mất khoảng vài tháng mới ổn định, kiểm soát được vấn đề cá chết. Nhờ kiên trì, đơn hàng đầu tiên bán ra là khoảng 2.000 con cho một chủ sạp ở quận 5, TP.HCM. Từ đó đại lý này đầu ra quen thuộc cho đàn cá kiểng của vợ chồng bà Nga.
Đổi từ nhà “lá” sang “villa” 200m2, giúp cộng đồng cùng phát triển
Sau nhiều năm vất vả, cuối cùng, người nông dân đã tìm được công thức thành công. Những chú cá kiểng trong ao nhà bà Nga không chỉ khỏe mạnh mà còn sở hữu vẻ đẹp độc đáo, được thị trường ưa chuộng.
Các bể nuôi cá hồng kim.
Những loại cá 7 màu, cá hồng kim của gia đình bà Nga không chỉ được ưa chuộng ở TP.HCM mà các tỉnh thành cũng nhập về bán. Điều này không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn giúp bà Nga khẳng định tên tuổi trong giới nuôi cá kiểng tại huyện Bình Chánh.
Bà Nga chia sẻ, nhờ sự kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và kỹ thuật hiện đại trại cá của gia đình bà đã lên một tầm cao mới.
Chỉ tay về phía ngôi nhà của gia đình vừa mới xây khoảng 2 tỷ đồng, rộng gần 200m2, bà Nga phấn khởi chia sẻ: “Mấy năm đó nuôi được lắm, mỗi lần bán ra không thể nhớ hết cụ thể bao nhiêu con. Mỗi ngày chăm cá bán và cá giống đến tận khuya mới ngủ, rồi đến 3h sáng phải thức dậy mang đi giao cho đại lý. Tôi chỉ biết mỗi tháng khi ấy lãi từ việc bán cá kiểng khoảng từ 40-50 triệu/tháng”.
Nhờ nuôi cá kiểng, vợ chồng bà Nga có thể kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Chồng bà Nga có nhiệm vụ lựa cá kiểng đạt chuẩn để xuất bán
Nhờ mấy năm tích góp từ việc nuôi cá kiểng cả chục năm nay, gia đình bà Nga đã thành công trong việc làm giàu trên đất quê hương, chuyển từ nhà “lá” sang “villa” khiến ai cũng mừng cho vợ chồng nông dân tần tảo sớm khuya. Cũng nhờ những bể cá kiểng mà con gái bà Nga đã ăn học đến nơi đến chốn, có việc làm ổn định.
Hiện tại, trại cá kiểng của bà không chỉ là nguồn thu nhập chính mà còn là niềm tự hào của gia đình và làng xóm. Tuy nhiên, do sức khoẻ yếu hơn trước, vợ chồng bả chỉ còn nuôi khoảng gần 100 bể cá kiểng các loại ở phía sau căn “villa”.
Việc lựa cá đạt chuẩn được thực hiện theo kinh nghiệm.
Những con cá kiểng đạt tiêu chuẩn được đưa vào một chậu nước khác.
Với bà Nga, thành công không chỉ là việc kiếm được nhiều tiền, mà còn là việc giúp đỡ cộng đồng cùng phát triển. Bà đã chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá kiểng cho những hộ dân khác đang học hỏi mô hình này, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần cải thiện cuộc sống của nhiều gia đình. Mỗi nhân công đến làm việc cho cho gia đình bà nhận từ 350.000 đồng – 500.000 đồng/ngày.
“Quan trọng nhất là nếu nuôi cá sống được thì sẽ có đầu ra, đầu ra không quan trọng bằng sự kiên trì và luôn không ngừng học hỏi kinh nghiệm mới thành công. Sắp tới đây tôi sẽ đầu tư thêm mô hình hồ thủy sinh để bán lẻ trước nhà, nhờ nguồn cung cá giống có sẵn nên sẽ bán giá mềm hơn để dễ tiếp cận khách hàng, từ đó tạo ra nguồn thu nhập ổn định và bền vững”, bà Nga chia sẻ thêm.
Ngoài nuôi cá kiểng, bà Nga còn tham gia Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xã Tân Nhựt, chăm lo cho các hộ nghèo.
Căn "villa" mới xây khang trang của gia đình bà Nga nhờ việc nuôi cá kiểng để bán
Bà Trần Thị Phượng Hằng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nhựt cho biết, do nguồn nước nuôi cá thịt bị ô nhiễm nên nông dân đã chuyển sang cái mô hình nuôi cá kiểng và những năm trở lại đây mô hình này rất phát triển trên địa bàn xã. Cá kiểng mang lại hiệu quả kinh tế cũng cao hơn là nuôi cá thịt nên bà con nông dân nuôi nhiều.
“Đối với mô hình của nhà chị Nga, bên Hội Nông dân xã đã có ý định nhân rộng ra để giúp đỡ những bà con đang có ý định chuyển đổi nuôi trồng, những hộ có nhu cầu nuôi cá kiểng. Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã cũng sẽ hỗ trợ vốn và con giống để cho bà con thực hiện mô hình này. Hiện nay tại địa phương có khoảng 30 hộ nông dân nuôi cá kiểng đạt hiệu quả và gia đình chị Nga là điển hình của mô hình này”, bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, mô hình nuôi cá kiểng đang rất thích hợp với điều kiện tự nhiên cũng như là nguồn nước của xã. Do đó, Hội Nông dân xã sẽ giới thiệu với UBND xã chuyển sang phát triển mô hình này trên địa bàn xã, từ đó giúp bà con nông dân nâng câo thu nhập từ cá kiểng.
Lộ trình thực hiện mục tiêu Net Zero năm 2050 của doanh nghiệp điển hình, Vinamilk, đang không chỉ giúp doanh nghiệp có những...