Chào bình minh Sài Gòn
Bạn chẳng cần đi xa để "chữa lành", cứ mỗi sáng sớm, làm một vòng "Chào bình minh Sài Gòn" giúp thể lực được tăng cường, tinh thần phấn chấn hơn, để rồi từ đó, thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất và con người Sài Gòn hào sảng, nghĩa tình.
Từ cuối thập niên 1960, lớp trẻ miền Nam, trong đó có tôi, thường tưởng tượng Sài Gòn qua giai điệu cha cha cha bài hát "Sài Gòn" của nhạc sĩ Y Vân (1933 – 1992). Bài hát được ca sĩ Carol Kim hát thu băng lần đầu vào năm 1965 và sau đó nhanh chóng phổ biến.
Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai. Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay. Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này. Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!
Không ít bạn bè các nơi, nhất là phía Bắc hỏi tôi "Phải chăng Sài Gòn đẹp nhất khi chiều muộn?". Đẹp, tùy góc nhìn và quan điểm từng người, nhưng Sài Gòn sôi động nhất về đêm.
Sài Gòn bừng sáng về đêm.
Vào Sài Gòn từ năm 1974, tôi thích ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn hoặc các kênh rạch, quay quắt nhớ quê. Hơn mười năm nay, Sài Gòn ngày càng chen chúc, giờ nào cũng kẹt xe. Chiều muộn là cao điểm, kẹt cứng; chẳng còn tâm trí và cũng không còn chỗ để tiễn hoàng hôn. Nhiều người Sài Gòn khoái Tết vì thiên hạ về quê, chỉ còn dân gốc Sài Gòn ở lại. Đường phố thoáng đãng, tĩnh lặng, sạch mát…
Do đặc thù công việc, làm hướng dẫn viên du lịch, thường đi sớm về muộn, đi về giữa khuya nên tôi nhận ra, Sài Gòn đáng yêu nhất từ 22h30 đến 6h30 sáng hôm sau, đẹp nhất lúc bình minh, thời khắc chuyển giao đêm và ngày. Càng về khuya, phố xá càng bình yên, nhịp sống càng chậm lại.
Sài Gòn thức khuya, dậy sớm. Có cảm giác Sài Gòn không ngủ hoặc chỉ mơ màng, khác hẳn nhiều vùng quê. Chừng 4 giờ, nhịp sống tăng dần, quán xá chuẩn bị đón ngày mới. Tiếng chuông nhà thờ rộn rã báo thức, sợ mọi người ngủ quên. Người Sài Gòn chuẩn bị mưu sinh và tập thể dục, chừng mực, không hối hả, chẳng ồn ào, cứ như sợ làm phiền hàng xóm.
Người Sài Gòn vẫn giữ thói quen dậy sớm tập thể dục hoặc dắt thú cưng đi dạo trong công viên.
Đèn đường vẫn sáng. Âm thanh ngày mới giục đất trời. Không gian sáng dần. Đêm nhẹ nhàng nhường chỗ. Khi những tia nắng đầu tiên được gió đẩy đưa ùa đến, cả vũ trụ sáng bừng reo vui. Tôi đã gặp những người Sài Gòn thích dậy sớm. Không phải vì mưu sinh hay tập thể dục. Họ chỉ thong dong ngắm Sài Gòn, trò chuyện với cỏ cây, nghe đất thầm thì kể chuyện hồng hoang và đợi bình minh.
Tôi biết có nhiều nhóm nhỏ chạy bộ, đi bộ, đạp xe, nạp năng lượng ngày mới có khá nhiều người nước ngoài. Gần đây, Công ty Du lịch Lửa Việt tổ chức hẳn tour "Good morning Sài Gòn", mời khách Inbound, bằng xe gắn máy. Người nước ngoài, nhất là các nước lệch múi giờ nhiều với Việt Nam, rất khó dậy sớm. Tham gia tour, họ ngỡ ngàng vì có một Sài Gòn rất khác với những trải nghiệm ấn tượng, để đời.
Điểm đến đầu tiên là công viên Lê Văn Tám, hòa nhịp cùng hàng trăm người, rộn ràng rèn luyện thân thể, theo độ tuổi, nghề nghiệp và sở thích. Có những nhóm mang theo nhạc để tập thể dục theo nhịp điệu. Vốn trước đây nơi này là "đất Thánh Tây" (nghĩa trang người Pháp) rồi nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi trước năm 1975. Từ năm 1983, nghĩa trang bốn mặt tiền vắng lặng, chuyển mình thành công viên sống động, điểm hẹn của người dân Sài Gòn, nhất là vào sáng tinh mơ.
Một góc công viên Lê Văn Tám.
Cách đó không xa, chung đường, là nhà thờ Tân Định, khởi dựng từ năm 1870, theo phong cách Roman kết hợp Gothic và Phục hưng, trông hài hòa, tinh tế. Thánh lễ thường bắt đầu lúc 5h và 6g15. Chờ tan lễ, ta có thể ngắm cả ngàn giáo dân từ thánh đường, tỏa về khắp nẻo gọi bình minh, chào ngày mới. Khi những tia nắng đầu tiên tràn từ đỉnh tháp cao 52,6m, cả thánh đường màu hồng sáng bừng mê hoặc. Mùa Noel, nhà thờ Tân Định càng nhộn nhịp và lộng lẫy, kiêu sa.
Nhà thờ "màu hồng" Tân Định.
Đi thêm mấy trăm mét vào đường Trường Sa (Phú Nhuận), nằm dọc theo con kênh Nhiêu Lộc, ta có thể ngắm dòng kênh được mệnh danh "Hoa hậu đường thủy Việt Nam", duyên thầm trong nắng mới, tinh khôi và e ấp. Rồi sau đó, vãn cảnh chùa Pháp Hoa, khởi dựng từ năm 1928 theo lối kiến trúc Phật giáo Bắc tông truyền thống. Phía đối diện, đường Hoàng Sa (quận 3) là chùa Chantarangsay, có nghĩa là "ánh trăng". Chùa khoác lên mình kiến trúc Phật giáo Nam tông, khởi dựng từ năm 1946.
Điểm đến tiếp theo là chợ Nguyễn Văn Trỗi. Trước năm 1975, là chợ Trương Minh Giảng (1792 – 1841), đặt theo tên của Tổng tài Quốc Sử quán nhà Nguyễn, Kinh lược Đại sứ Chân Lạp. Không nổi tiếng như chợ Bến Thành (quận 1), hay đông đúc như chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), chợ Nguyễn Văn Trỗi còn giữ được nhiều nét dân dã của chợ Sài Gòn xưa. Đến đây, ta nên thử vài món lót dạ buổi sáng.
Về lại quận 1, ghé nhà thờ Đức Bà tuyệt đẹp mang dấu ấn kiến trúc Gothic, khởi dựng từ năm 1877, được thắp sáng bởi hơn 500.000m đèn LED, lung linh mê hoặc, suốt đêm đợi khách kết giao.
Nhà thờ Đức Bà khoác lên mình tấm áo LED rực rỡ đón Giáng sinh.
Sau đó, di chuyển ra bến Bạch Đằng để đón bình minh bên sông Sài Gòn. Góc nhìn đẹp nhất là khi đứng tại Cột cờ Thủ Ngữ (1865), đối diện Bến Nhà Rồng (1863) ngay ngã ba sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé. Trời vừa hửng sáng, vạn vật đã nhộn nhịp mà an nhiên. Có cả bồ câu, chim én và cò cùng dậy sớm.
Cột cờ Thủ Ngữ.
Cuối năm gió se lạnh, trời thường mù mịt nên mặt trời hay "dậy" trễ. Gặp con nước ròng, mấy chục anh chị cò rủ nhau lội sình kiếm ăn ven sông trước Bến Nhà Rồng. Có cả mấy con cá trê cụ to tổ chảng, lượn lờ khuấy bùn. Dòng sông mang tên thành phố, vẫn bình thản, mặc bao dâu bể thăng trầm thời cuộc, từ bao đời nay vẫn chung hành trình hòa vào biển lớn.
Sông Sài Gòn hiền hòa "ôm" trọn thành phố.
Cách đó không xa là tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228 – 1300). Ông đã đứng đây cùng dân Sài Gòn từ năm 1967. Cầu Thủ Thiêm 2 như bức tranh thủy mặc, sáng dần theo thời khắc. Phía Tây là cầu Mống cổ xưa, khởi dựng từ năm 1893. Khi bình minh ló dạng, cả vũ trụ sáng bừng niềm vui ngày mới. Mặt trời điệu đàng để mọi người nhìn ngắm, bởi lát sau sẽ chói chang, khó chịu.
Tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo tại vòng xoay Công trường Mê Linh.
Nhớ ghé cà phê Gióng ở đường Nguyễn Du, phía trước nhà thờ Đức Bà. Cà phê ngon, không gian ấm áp, cổ kính. Mặt tiền quán giữ nguyên từ năm 1920, vốn là một phần xưởng in đầu tiên của Đông Dương, khởi dựng từ năm 1867. Bên trong có cửa và cầu thang gỗ xưa. Tầng trên còn giữ được một số phù điêu nghệ thuật nổi ghép mảnh sứ cổ. Có thời gian, vòng ra phía sau, len qua hẻm nhỏ, nhà máy xưa còn nguyên bộ khung với những căn hộ mới chen chúc…
Tour "Good morning Sài Gòn", thường kéo dài từ 120 – 150 phút. Tùy phương tiện di chuyển (xe gắn máy, xe đạp) để chọn điểm đến phù hợp. Sài Gòn khởi dựng từ năm 1698, khai mở từ hướng Đông theo đường thủy. Tôi mơ Sài Gòn dụ được cò về ở, đưa cá về tụ ngay bến Bạch Đằng như trên sông Chao Phraya (Bangkok) của người Thái Lan.
Các quận huyện và thành phố Thủ Đức đều có những tour “Chào bình minh” độc đáo, đảm bảo xoay vòng cả tháng chưa hết. Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh có gần trăm tour như vậy. Bạn chẳng cần đi xa để "chữa lành", cứ mỗi sáng sớm, làm một vòng "Chào bình minh Sài Gòn" hay tour Net Zero, không chỉ giúp thể lực được tăng cường, tinh thần phấn chấn hơn mà còn được dịp hiểu thêm, yêu thêm đất và người Sài Gòn hào sảng, nghĩa tình, cầu thị và nhân văn.
Đố ai tìm được khắp chân trời góc bể,
Một thành phố trẻ măng nhưng lịch sử rất lạ lùng.
(Hưởng Triều)