Cả làng cùng nhau đổi đời làm nghề Youtuber cho dễ kiếm tiền
Ngôi làng nhỏ được mệnh danh là "làng Youtube của Ấn Độ" bởi có tới một phần ba người dân địa phương đã bỏ việc để chuyển sang làm Youtuber, sáng tạo nội dung trên mạng và kiếm tiền.
Sáng tạo nội dung video trực tuyến đang phổ biến hơn bao giờ hết. Không có gì lạ khi hàng triệu người trên khắp thế giới đang nỗ lực xây dựng sự nghiệp với tư cách là người tạo video, nhưng không nơi nào tập trung đông như Tulsi, ngôi làng nhỏ ở thành phố Raipur thuộc bang Chhattisgarh, Ấn Độ.
Với dân số chỉ khoảng 3.000 đến 4.000 người, nhưng một phần ba người dân địa phương đã bỏ việc, chuyển sang kiếm tiền bằng cách sản xuất các video và đăng tải lên kênh Youtube cá nhân của mình.
Ngôi làng nhỏ bình yên ở Ấn Độ hiện đang trở thành "làng Youtube". Ảnh: Agoda.
Câu chuyện về "làng Youtube" được khơi nguồn cảm hứng từ Gyanendra Shukla và Jai Verma. Cả hai được ví như "viên gạch đời đầu" khởi xướng ra xu hướng trở thành các Youtuber ở làng Tulsi. Vốn là kỹ sư mạng và giáo viên, nhưng Shukla và Verma lại bỏ việc để sản xuất các video.
Sau một thời gian nỗ lực gây dựng, cả hai bắt đầu kiếm được số tiền không nhỏ từ các video trên kênh cá nhân. "Tiếng lành đồn xa", chẳng bao lâu câu chuyện đã lan truyền khắp làng, để rồi đến nay người người nhà nhà cùng đổ xô đi làm Youtuber.
Được biết, các video do người dân Tulsi sáng tạo nên không chỉ đơn thuần mang tính giải trí, còn mở rộng ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, tư vấn, thậm chí cả đua xe. Mỗi người tự gây dựng kênh riêng của mình dựa theo thế mạnh bản thân.
Đến nay, nhà sáng tạo nội dung nhỏ tuổi nhất trong làng chỉ vừa tròn 15 tuổi. Trong khi đó, một cụ bà 85 tuổi lại giữ danh hiệu "Youtuber già nhất làng".
Anh Chetan Nayak, một YouTuber trong làng, cho biết: "Bạn có thể thấy người dân ở mọi lứa tuổi trong làng đều đang trở thành những nghệ sĩ trên mạng xã hội".
Các "nghệ sĩ" tự dàn dựng kịch bản, tự quay video. Ảnh: Times.
Hiện khoảng 1.000 Youtuber ở Tulsi đã gây dựng 40 kênh riêng, kiếm thu nhập khá hơn nhiều so với nghề cũ trước kia. Thậm chí, có nhà sáng tạo nội dung nhận mức thu nhập cao gấp 3 lần so với công việc trước đó.
Anh Gyanendra Shukla, một trong những Youtuber đầu tiên trong làng, cho biết từng là một kỹ sư mạng, nhưng đến nay "chuyển nghề" và có thù lao tốt hơn. Nếu như trước kia mọi người còn ngại ngần khi sáng tạo các nội dung trên Youtube và không tự tin "biểu diễn" để quay video, thì đến nay mọi việc đã khác hẳn.
Theo nhận định của anh, điều quan trọng hơn nữa, nhờ việc sáng tạo nội dung, nhiều phụ nữ trong làng được hoàn nhập vào thế giới thay vì không được phép rời khỏi nhà như trước kia.
Được biết, đây không phải là ngôi làng duy nhất "đổi đời" nhờ sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Một ngôi làng nghèo hẻo lánh khác ở Indonesia cũng "thay da đổi thịt" nhờ hàng loạt video thu hút cả triệu lượt xem. Đó là Kasegeran, một ngôi làng hẻo lánh trên đảo Java, Indonesia.
Làng Kasegeran từng là một trong những nơi nghèo nhất ở "xứ sở vạn đảo". Thậm chí hầu hết người dân Indonesia phải tìm kiếm vất vả mới thấy trên bản đồ.
Một trong những cá nhân thành công nhất trong việc kiếm tiền nhờ Youtube phải kể tới anh Siswanto, từng là một thợ máy nghèo. Cách đây vài năm, người đàn ông này rất chật vật duy trì hoạt động kinh doanh tại tiệm sửa xe máy của mình. Vất vả là vậy nhưng cuộc sống khốn khó vẫn hoàn khốn khó.
Mỗi tháng những người sản xuất video như anh Siswanto có thể kiếm hàng trăm triệu đồng (Ảnh: News).
Tình cờ một lần, anh xem chương trình truyền hình về người có tầm ảnh hưởng ở Indonesia kiếm rất nhiều tiền nhờ sáng tạo các video trực tuyến. Thấy vậy, anh cũng mày mò làm thử các đoạn clip ngắn. Nhưng những video đầu tiên gần như không có người xem khiến anh định dừng lại.
Một ngày nọ, khi đang vật lộn sửa một chiếc xe máy đắt tiền của khách, anh vừa quay video, vừa thử chia sẻ trực tuyến để nhờ cộng đồng mạng hỗ trợ. Chẳng ai ngờ được, từ sự khởi đầu không mấy thuận lợi, chỉ vài năm sau, Siswanto đã xây dựng cho mình trang Youtube riêng với hơn 2 triệu người theo dõi.
Công việc như "hái ra tiền" khiến anh bất ngờ. Người đàn ông này không ngần ngại tiết lộ mỗi tháng mang về khoảng 150 triệu rupiah (hơn 230 triệu đồng).
Con số quá lớn so với mức thu nhập tại đây khiến nhiều người trong làng bắt đầu xì xào bàn tán. Để dập tắt những lời đồn đoán, anh quyết định tổ chức một buổi họp gặp mặt người dân trong hội trường lớn của làng và giải thích về công việc của mình trên Youtube.
Đến nay, hàng chục người làng đã mày mò tự tạo dựng kênh riêng của mình. Nhờ số tiền khấm khá kiếm được giúp nhiều người dân trong làng "đổi đời" và chuyển hướng kiếm tiền mới mà không cần đi làm thuê nữa.
"Từ một ngôi làng nghèo khó, đến nay, chúng tôi có thể cạnh tranh với các địa phương khác. Đây cũng là cảm hứng cho các thanh niên. Họ không dùng điện thoại vào việc vô ích nữa mà kiếm tiền từ chúng", trưởng làng Saifuddin tự hào chia sẻ.
Ghé thăm thủ đô vào thời gian này, du khách có thể dạo quanh các con phố, tận hưởng không khí se lạnh và thưởng thức...