Bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST25
Với chủ đề "cây lúa Sóc Trăng xưa và nay", bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST25 đã phản ảnh giữa 2 thời kỳ thay đổi từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật của ngành nông nghiệp.
Tối 22/11, Sở Văn hóa –Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Guiness đối với bức tranh lớn nhất Việt Nam được làm từ gạo ST25. Buổi lễ được tổ chức tại công viên 30/4 (TP Sóc Trăng) – nơi có tượng đài nhà nông học Lương Định Của.
Bức tranh này do các nghệ nhân làm thủ công 100% trong thời gian một tháng. Bức tranh từ chất liệu gạo ST25 có chiều cao 4 m, ngang 7 m, độ dày 10 mm. Các nghệ nhân đã lắp ghép bức tranh lớn này từ 14 bức tranh nhỏ (1 x 2 m), được phủ sơn trong suốt, chống nhiệt, chống thấm, độ bền khoảng 50 năm.Bức tranh làm bằng gạo ST25 được trưng bày tại công viên 30/4, nơi có tượng đài nhà nông học Lương Định Của. Ảnh: Duy Khang.
Với chủ đề "cây lúa Sóc Trăng xưa và nay", bức tranh làm bằng gạo ST25 đã phản ảnh giữa 2 thời kỳ thay đổi từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Toàn tỉnh này có khoảng 340.000 ha đất trồng lúa, trong đó lúa dòng ST từ 40.000 – 45.000 ha.
Nhắc đến ngành nông nghiệp, tỉnh Sóc Trăng tự hào về thành tựu to lớn của giáo sư, bác sĩ nông học Lương Định Của.
Nhà nông học Lương Định Của sinh ngày 16/8/1920, tại làng Đại Ngãi, quận Kế Sách (nay là thị trấn Đại Ngãi), huyện Long Phú, Sóc Trăng. Lúc nhỏ, ông học tại Trường Tiểu học Lasan Taberd Sóc Trăng, rồi chuyển lên TP.HCM học trung học.
Trường Tiểu học Lasan Taberd Sóc Trăng sau đó có tên là Trường THPT Lê Lợi và nay là Trường iSchool Sóc Trăng.Bức tranh có độ bền khoảng 50 năm. Ảnh: Duy Khang.
Năm 17 tuổi, nhà nông học Lương Định Của đỗ tú tài toàn phần, rồi sang Hong Kong (Trung Quốc) học tại trường Đại học Y khoa. Sau 3 năm, ông không theo đuổi ngành y nữa mà đến Thượng Hải học trường Đại học Kinh tế Thượng Hải.
Năm 1941, trường đại học này đóng cửa, ông sang Nhật. Theo lời khuyên của một số nhà yêu nước Việt Nam, ông quyết định học nông nghiệp với hoài bão mang kiến thức về phục vụ đất nước. Kết thúc năm học thứ nhất tại Khoa sinh vật thực nghiệm, trường Đại học Kyushu, ông được đặc cách học thẳng lên năm thứ ba.
Năm 1945, ông kết hôn với bà Nakamura Nubuko, một phụ nữ Nhật Bản. Sau đó, hai ông bà cùng làm việc tại Viện thí nghiệm của trường Đại học Kyushu.
Danh tiếng của ông bắt đầu lan xa vào mùa hè năm 1951, khi ông bảo vệ xuất sắc luận án di truyền học với đề tài “Cách xử lý đa bội thể di truyền nhằm tạo nên giống lúa mới”. Hội đồng Khoa học trường Đại học Tổng hợp Kyoto đã nhận xét rằng: Lương Định Của đã có cống hiến lớn cho ngành nông học trong việc cải thiện giống lúa và trao cho ông bằng bác sĩ nông học - học vị cao nhất ở Nhật Bản lúc đó. Thời điểm ấy, ông là người trẻ nhất và cũng là người nước ngoài duy nhất được cấp học vị này tại Nhật Bản.
Ông còn nhận được bằng khen của Viện Nghiên cứu sinh học Kihata về công trình “Sự sinh sản của giống lúa lai tạo từ hai giống lúa Japonica và Indica”. Phát minh này của ông Lương Định Của đã được ứng dụng ngay lúc đó trong việc lai tạo giống lúa tại Hoa Kỳ.
Những nghiên cứu này của ông được giới khoa học quốc tế đánh giá là một trong những người đi tiên phong trong nghiên cứu sinh học của thế giới lúc bấy giờ.Bức tranh làm bằng gạo ST25 đã phản ảnh giữa 2 thời kỳ thay đổi từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật của ngành nông nghiệp. Ảnh: Duy Khang.
Ngày 16/7/2020, tỉnh Sóc Trăng khánh thành công trình tượng tượng đài giáo sư, bác sĩ nông học Lương Định Củ. Công trình nhằm tôn vinh và ghi nhớ công lao to lớn của ông đối với nền nông nghiệp nước nhà, đồng thời, đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của đông đảo nhân dân tỉnh nhà cũng như tôn vinh một nhà khoa học nổi tiếng, một trí thức yêu nước của Việt Nam.
Công trình tượng đài Lương Định Của được khởi công vào tháng 2/2020, tổng vốn đầu tư hơn 8,5 tỷ đồng. Quy mô phần tượng toàn thân hình giáo sư, bác sĩ nông học Lương Định Của đứng, cao 6 m, đang ôm bó lúa. Phần đế tượng cao 1,5 m, phần bệ tượng cao 1 m. Tượng được làm bằng chất liệu đá granite trắng xám Bình Định, nền lát đá granite, phần đế tượng, bệ tượng, bồn hoa ốp đá granite đen.