Bình Chánh phấn đấu 22 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên năm 2024

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bình Chánh, huyện ngoại thành TP.HCM với tiềm năng phát triển nông nghiệp to lớn, đang nỗ lực đẩy mạnh Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) với mục tiêu đưa sản phẩm địa phương vươn xa hơn nữa.

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản phẩm, Huyện Bình Chánh đã đề ra mục tiêu phấn đấu có ít nhất 22 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên trong năm 2024. Đồng thời, 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên.

Bình Chánh phấn đấu 22 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên năm 2024 - 1

Bưởi da xanh anh Tứ OCOP 3 sao tại Bình Chánh

Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) được xem là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Huyện Bình Chánh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả chương trình.

Theo Bí thư Huyện ủy Huyện Bình Chánh Trần Thanh Nam, để nông nghiệp huyện phát triển ổn định và bền vững, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, cá ban ngành cần hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân tham gia chuyển đổi số; tham gia sàn thương mại điện tử; tham gia thực hiện Đề án xây dựng đô thị thông minh tại huyện Bình Chánh giai đoạn 2020 - 2025; tuyên truyền thay đổi hình thức sản xuất từ cá thể, nhỏ lẻ mang tính truyền thống sang mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã;

Đồng thời, tăng cường hợp tác từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng trong nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, trao đổi nông sản, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân... qua đó, góp phần thực hiện Đề án phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử tại 3 xã Tân Nhựt, Lê Minh Xuân và Bình Lợi giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030. 

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia chương trình OCOP

Bình Chánh ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi đăng ký tham gia chương trình.

Bình Chánh phấn đấu 22 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên năm 2024 - 2

Hợp tác xã chăn nuôi Dê Đa Phước có sản phẩm mới là Sữa dê thanh trùng đạt chứng nhận OCOP 3 sao

Huyện cũng tăng cường các biện pháp hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cũng như quảng bá các sản phẩm OCOP của Bình Chánh. Ngoài ra, Huyện đặc biệt ưu tiên giới thiệu và kết nối với các sàn thương mại điện tử, nhằm giúp các sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đổi mới thông tin tuyên truyền, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức OCOP

Huyện Bình Chánh đã đổi mới thông tin tuyên truyền về Chương trình OCOP bằng nhiều phương pháp hiệu quả như: tổ chức các buổi dự họp, sinh hoạt, và phát thanh; trình bày thông điệp qua các phương tiện như pano, áp phích, và các phương tiện truyền thông báo chí; phát tờ rơi, cẩm nang để lan tỏa thông tin; tổ chức hội nghị, hội thảo, và lớp đào tạo; cũng như tổ chức các hoạt động như hội thi và tham quan khảo sát học tập về phát triển sản phẩm OCOP.

Huyện đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM để tổ chức một lớp tập huấn và bồi dưỡng kiến thức, nhằm triển khai và thực hiện Chương trình OCOP cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong năm 2024 trên địa bàn Huyện, với sự tham dự của khoảng 300 người.

Ngoài ra, Bình Chánh cũng đã phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP.HCM để tổ chức Hội thi tuyên truyền về Chương trình OCOP năm 2024 trên địa bàn TP.HCM, nhằm lan tỏa và tăng cường nhận thức về Chương trình trong cộng đồng.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

Huyện Bình Chánh vừa tổ chức đánh giá cho 18 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao và đã đề xuất cho TP.HCM xem xét và đánh giá phân hạng cho 4 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Điều này thể hiện sự nỗ lực của Huyện trong việc phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Bình Chánh đặt nền móng cho việc phát triển sản phẩm OCOP thông qua việc gắn kết với việc xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học. Huyện cũng tập trung vào việc áp dụng công nghệ sinh học và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, từ đó thúc đẩy sự phát triển sản xuất kết hợp với khai thác, phục vụ du lịch và đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Huyện đã tập trung vào việc tuyên truyền và vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ cá thể sản xuất tham gia giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ và triển lãm được tổ chức bởi huyện và TP.HCM, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, Huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ kết nối nguồn cung hàng hóa nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân vào các hệ thống phân phối tại chợ truyền thống, siêu thị và cửa hàng tiện ích.

Huyện cũng tăng cường thông tin và quảng bá các sản phẩm OCOP qua Cổng thông tin điện tử của Huyện, hỗ trợ tuyên truyền và bán hàng trên các kênh thương mại điện tử như Facebook, Zalo, cũng như các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Đồng thời, Huyện hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP trong việc xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, đồng thời phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch liên kết với các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Ông Mai Ngươn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Chánh cho biết, Hội sẽ phối hợp triển khai thực hiện 16 mô hình nông nghiệp liên kết với Đề án phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử tại 3 xã Tân Nhựt, Lê Minh Xuân và Bình Lợi giai đoạn 2020 - 2025, với định hướng mở rộng đến năm 2030. Đồng thời, trong số đó, các chương trình trọng điểm cũng được tập trung triển khai.

Riêng với 4 chương trình trọng điểm, Hội sẽ phối hợp xây dựng Đề án giữ gìn và phát huy tiềm năng của làng nghề hiện có, đồng thời tiến hành cải tạo, xây dựng và phát triển mới "Làng hoa Bình Chánh". Chương trình tuyên truyền và vận động nông dân sẽ được thúc đẩy, nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp chuyển đổi số, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường và mở rộng quy mô sản xuất.

Ngoài ra, Hội cũng sẽ chú trọng vào việc xây dựng "Cửa hàng nông sản nông dân" nhằm phục vụ công nhân lao động địa phương và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thạch An

CLIP HOT

77 chiến sĩ nhí trải nghiệm học kỳ công an
77 chiến sĩ nhí trải nghiệm học kỳ công an

Trong 12 ngày tham gia học kỳ công an, các học sinh sẽ được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống công an tỉnh Sóc Trăng; huấn luyện quân sự, võ thuật; hướng dẫn kỹ năng giao tiếp trên không gian mạng an toàn và hiệu quả.