Bảo Đại, người mở đường cho du lịch ở Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Không hề nói quá khi coi Bảo Đại là người mở đầu văn hóa du lịch - hưởng thụ ở Việt Nam. Để phục vụ cho một trong những “thú vui trần thế” là khám phá du lịch của mình, từ những lầu các và dinh thự trải dài khắp các danh lam thắng cảnh của đất nước, đến những chốn riêng nơi thâm sơn cùng cốc, trên khắp mảnh đất mà mình đáng lẽ phải “trị vì”, nhà vua luôn tìm được “cái đẹp” để tận hưởng.

"Khi trở về Việt Nam lên ngôi Hoàng đế, tôi sẽ chẳng làm gì cả, mà chỉ hưởng lạc những thú vui trần thế"

Bảo Đại, người mở đường cho du lịch ở Việt Nam - 1

Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy là con trai duy nhất của vua Khải Định, được xác lập làm Đông cung Hoàng Thái tử năm 9 tuổi. Tháng 6/1922, Vĩnh Thụy được vợ chồng cựu Khâm sứ Trung kỳ, Jean François Eugène Charles, nhận làm con nuôi và theo học tại Pháp. Năm 1925, vua Khải Định mất, Vĩnh Thuỵ về nước thọ tang. Tháng 1/1926, khi mới 12 tuổi, Thái tử được tôn lên kế vị làm Hoàng đế kế nhiệm, lấy niên hiệu Bảo Đại. Tháng 3 cùng năm, Bảo Đại trở lại Pháp để tiếp tục du học.

Vậy là suốt thời niên thiếu, suốt những năm tháng học hành, số lần về nước của Bảo Đại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông tiếp nhận giáo dục và văn hóa-lối sống phương Tây, mãi đến năm 19 tuổi.

Bảo Đại, người mở đường cho du lịch ở Việt Nam - 2

Bảo Đại tại Paris, 1926

"Khi trở về Việt Nam lên ngôi Hoàng đế, tôi sẽ chẳng làm gì cả, mà chỉ hưởng lạc những thú vui trần thế." Đó là một trong những tuyên bố của Thái tử Vĩnh Thụy khi rời Pháp để về tiếp tục “làm vua” một nước. Đúng như câu nói của mình, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn được biết đến nổi tiếng với lối sống xa hoa và những cuộc ăn chơi khét tiếng. Ông thành thạo nhiều cách hưởng thụ: từ nhảy đầm, đánh golf, sưu tầm ô tô đến săn bắn, và tất nhiên, là một "tín đồ" du lịch.

Tháng 9 năm 1932, khi Bảo Đại kết thúc chuyến du học Pháp trở về, xe ô tô mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng 27 năm, với mức giá dĩ nhiên không dành cho tất cả. Bằng gia tài khổng lồ và tính tiêu xài xa hoa, ông vua trẻ không ngần ngại vung tiền cho bộ sưu tập ô tô của mình. Trong cuốn “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam” ra mắt năm 2006, tác giả người Pháp Daniel Grandclément đã so sánh sở thích của vua Louis XVI nước Pháp với vị cựu hoàng triều Nguyễn: “Louis XVI thì mê các ổ khóa, còn Bảo Đại thì thích hí hoáy hàng giờ với động cơ ô tô”.

Bảo Đại từng là chủ sở hữu của một chiếc Mercedes lớn nặng 4 tấn, có kính dày 3 cm, vỏ chống được đạn 8 ly của tiểu liên và súng máy; bốn chiếc Limousine; một chiếc Citroën động cơ bánh trước; những chiếc xe thể thao hiệu Ferrari hay Bentley; và vài chiếc máy bay, du thuyền khác.

Bảo Đại, người mở đường cho du lịch ở Việt Nam - 3

Chiếc Ferrari 250 GT Tour de France của Bảo Đại

Tất cả những chiếc xe này đều được Hoàng đế sử dụng để đi thăm thú, du lịch mọi nơi. Nguyễn Hữu Đào, người tài xế từng đưa Bảo Đại đi khắp đất nước (và cả nước ngoài) suốt 15 năm, kể lại một chuyện rằng, “Hôm ấy là ngày 9/3, Nhật đảo chính Pháp, đất nước đang trong cơn rối ren nhưng cựu hoàng vẫn mải đi săn ở một cánh rừng thuộc vùng Khe Sanh, huyện Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị”. Quân Nhật tràn vào Huế nhưng không thấy vua đâu, sau khi biết chuyện liền sai người “điệu” ngài từ Quảng Trị về cố đô. Vậy nhưng ngay ngày hôm sau, nhà vua lại bảo ông Đào chở đi Touranne (Đà Nẵng) để nghỉ mát.

Từ ấy, việc dùng xe hơi đi xa, đi du lịch cũng dần phổ biến trên đất Đại Nam. Có thể nói, khoảng thời gian Bảo Đại "ăn chơi hưởng lạc" cũng là dấu mốc đầu tiên cho lối du lịch bằng xe ô tô của nước ta.

Bảo Đại, người mở đường cho du lịch ở Việt Nam - 4

Hoàng đế Bảo Đại, ảnh chụp năm 1932 (Flickr/Agence Mondial)

"Phần nhiều, sau một ngày đi dạo trong rừng sâu, tôi trở về chòi, cảm thấy khoan khoái trước sự yên lặng của rừng"

Không chỉ có sở thích về xe hơi, Bảo Đại còn mê săn bắn. Hầu như tuần nào, tháng nào, vua cũng rời kinh thành để tìm thú vui tiêu khiển trong chốn thâm sơn cùng cốc. Một trong những địa điểm được ngài ưa chọn nhất là vùng đất Tây Nguyên lắm thú nhiều chim. Đường từ Huế lên cao nguyên tuy xa nhưng xe cộ thưa thớt, mỗi lần đi, vua thường cho chạy xe một mạch từ Huế lên Đà Lạt không nghỉ đêm.

Ở Tây Nguyên, Bảo Đại còn lập một cánh đồng voi rộng lớn ở giữa buôn Đắk Liêng, huyện Lắk (nay là thị trấn Lắk, tỉnh Đắk Lắk), làm nơi chăn thả đàn voi hàng trăm con của mình. Để thỏa mãn thú ăn chơi ít ai sánh được, Bảo Đại cho người xây dựng khu dinh thự nghỉ dưỡng trên đỉnh núi nhìn ra hồ Lắk. Đây là vị trí đắc địa để quan sát buôn Jun, buôn Liên rộng lớn, hay thưởng lãm lễ diễu hành voi hoành tráng do những nài voi tài ba nhất Tây Nguyên thực hiện. Những cây hoa sứ già bên đường lên biệt thự ngày nay, cũng là do Bảo Đại khi xưa mang giống đến trồng.

Bảo Đại, người mở đường cho du lịch ở Việt Nam - 5

Vua Bảo Đại (người đứng giữa, mặc áo ngắn tay) trong một lần đi săn ở Buôn Đôn

Nhưng, Quảng Trị mới là khu săn của Bảo Đại, là nơi ông đặc biệt thích đến nghỉ ngơi. Trong cuốn hồi ký “Con rồng An Nam”, Bảo Đại viết về bãi săn ở Quảng Trị của mình:

“Ở đấy, tôi có ngàn mẫu tây đồi núi, có rừng cây nằm ở phía nam Cam Lộ. Trong những khu rừng lớn, có vài con suối nước mát quanh co, có đủ thú rừng của nước tôi, voi, cọp, trâu, rừng, hươu, nai và lợn lòi. Trên nền đất đó một thửa đồi, đã có một ngôi nhà sàn lợp lứa, có bao lơn như tất cả các ngôi nhà sàn của người Thượng.

[…] Đứng trên bao lơn, nhìn ra phía thung lũng ở giữa hai ngọn đồi, tôi có thể quan sát được cả một sự di chuyển của bầy trâu rừng, một loài dã thú vừa đẹp vừa tuyệt vời, vừa rất nguy hiểm, có nhiều con cao tới hai mét”.

Bảo Đại, người mở đường cho du lịch ở Việt Nam - 6

“Đến nay, tôi vẫn còn thấy thích thú những buổi chiều hôm ở trại săn Quảng Trị. Hoàng hậu có khi cũng theo đi. Thỉnh thoảng, tôi có một số bạn cùng dự. Chúng tôi đã qua những buổi chiều hết sức cởi mở trong một bầu không khí thân hữu gia đình. Nhưng phần nhiều, sau một ngày đi dạo trong rừng sâu, tôi trở về chòi, cảm thấy khoan khoái trước sự yên lặng của rừng, sau khi mặt trời vừa lặn. Trước khi bóng đêm phủ xuống, mặt trời đi ngủ, thì đó là một tràn than vãn tê tái của loài côn trùng, như loài giun dế đồng thanh ca ngợi ngày đã qua. Sau đó là tĩnh mịch hoàn toàn. Sự hiện diện của đất đai, như chỉ còn có mùi thơm ẩm ướt của cây rừng và của rong rêu trước mịt mùng vô tận...”

Và đó, Bảo Đại - vị Hoàng đế bị ghim chặt với hình ảnh một ông vua ham chơi, xa xỉ - hoá ra cũng là một người đàn ông yêu rừng núi, và khao khát cái thảnh thơi khi vùi mình vào thiên nhiên.

Bảo Đại, người mở đường cho du lịch ở Việt Nam - 7

Bảo Đại trong bộ hình trên tạp chí LIFE (1948)

Bảo Đại, người mở đường cho du lịch ở Việt Nam - 8

Bảo Đại trong bộ hình trên tạp chí LIFE (1948)

"Trong các cuộc đi dạo, sự cô đơn là điều thích hợp với tâm hồn của tôi"

Ngoài những cơ ngơi ở Kinh đô Huế, Bảo Đại còn có nhiều biệt thự, dinh cơ trải dài khắp ba miền Bắc-Trung-Nam. Đến đâu, vị cựu hoàng này cũng ưu tiên hưởng thụ và sống xa xỉ. Điều đặc biệt là các dinh thự ấy đều tọa lạc ở những vị trí, những mảnh đất mà bây giờ, khi những người Việt thế hệ sau tìm đến, ai cũng dễ dàng cảm thán rằng: chẳng thể lý tưởng hơn.

Ở miền Nam, Bảo Đại có toà Bạch Dinh nằm bên sườn núi lớn của thành phố Vũng Tàu. Với địa thế “tựa sơn hướng thủy”, Bạch Dinh không chỉ có tầm nhìn hướng ra biển đẹp lãng mạn mà còn có ý nghĩa lớn về mặt phong thủy. Năm 1934, toà “Biệt thự trắng” (Villa Blanche) vốn xây dành cho Toàn quyền Pháp này được nhượng lại để làm nơi nghỉ mát cho Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu. Hầu hết các bức tường Bạch Dinh đều được quét vôi trắng, kết hợp với kiểu cửa mái vòm cùng mái lợp ngói, tạo nên nên vẻ đẹp xa hoa, sang trọng và nét nghệ thuật cổ điển của thế kỷ XIX - XX.

Bảo Đại, người mở đường cho du lịch ở Việt Nam - 9

Toà Bạch Dinh

Tại miền Trung, có tận 5 toà mang tên Bảo Đại: Dinh I - II - III Bảo Đại ở Đà Lạt, Biệt điện Bảo Đại ở Đắk Lắk và Lầu Bảo Đại ở Nha Trang. Đà Lạt là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của Bảo Đại, đây cũng là nơi ông lần đầu gặp Nguyễn Hữu Thị Lan - người phụ nữ duy nhất được tấn phong Hoàng hậu của triều Nguyễn. Cả Dinh I, Dinh II và Dinh III đều nằm trên đồi thông cao, có không gian xanh mát và thơ mộng, mang nét lãng mạn đặc trưng của thành phố sương mù.

Bảo Đại, người mở đường cho du lịch ở Việt Nam - 10

Biệt điện Bảo Đại

Ba dinh thự trên cùng với Biệt điện Bảo Đại đều nằm ở trung tâm thành phố, toạ lạc ở vị trí “đất vàng” đắc địa. Lầu Bảo Đại thì chỉ cách trung tâm Nha Trang 6 km về phía nam, là quần thể gồm 5 trong số những ngôi biệt thự đẹp nhất Việt Nam.

Biệt thự Bảo Đại ở Đồ Sơn (Hải Phòng) là hành cung duy nhất của triều đình nhà Nguyễn tại miền Bắc. Biệt thự này nằm trên đồi Vung, được xây dựng từ năm 1928, được Toàn quyền Đông Dương Pafquiere tặng lại cho vua Bảo Đại vào năm 1949. Mỗi lần đi kinh lý miền Bắc, nhà vua và Hoàng hậu hầu như đều chọn nơi này để làm việc, tiếp khách và làm chỗ nghỉ mát cho cả gia đình. Đứng ở đây, có thể nhìn toàn cảnh bán đảo Đồ Sơn và thả tầm mắt theo sóng biển mênh mông đến tận chân trời. Khí hậu vùng đất này cũng rất ôn hòa và mát mẻ, thích hợp để nghỉ ngơi và thư giãn.

Ngoài ra, ít người biết rằng Bảo Đại còn có hai căn biệt thự Pháp cổ xa hoa ở Hà Nội: một căn nằm trên phố Ngọc Hà (Ba Đình) còn một căn ở phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm). Năm 1945, sau khi thoái vị, Bảo Đại từng có thời gian ngắn sống ở đây.

Bảo Đại, người mở đường cho du lịch ở Việt Nam - 11

Bên trong Biệt thự Bảo Đại ở Đồ Sơn

Bảo Đại, người mở đường cho du lịch ở Việt Nam - 12

Biệt thự Pháp cổ trên phố Trần Hưng Đạo của vua Bảo Đại

Tất nhiên, Bảo Đại không chỉ đến những nơi trên đây, ông đã đi qua, và ôm ấp vô kể những mối tình khác với nhiều vùng đất của Việt Nam. Có lẽ Bảo Đại đã không hề miệt mài học cách trị nước, nhưng ông đã miệt mài đi, để “khám phá ra những vẻ đẹp của vùng ven đô”, hay “đến Buôn Mê Thuột, ở đấy có một nhà lầu sát hồ nước nằm trên núi cao, vốn là miệng núi lửa xưa kia”.

Như chính ông từng nói, "Rất thường, tôi vẫn đi xa như thế, và chỉ đến đêm khuya mới trở về. Trong các cuộc đi dạo ấy, chính sự cô đơn là điều thích hợp với tâm hồn hiu quạnh của tôi".

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

An - Ảnh: Internet (Travellive+)

CLIP HOT