Vũng Tàu xây dựng khu đô thị đường 3/2 thành khu dịch vụ du lịch tổng hợp hiện đại
Khu du lịch dịch vụ được định hướng xây dựng nhiều loại du lịch đa dạng như: Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái trải nghiệm.
Phối cảnh khu đô thị đường 3/2 sau khi quy hoạch.
UBND TP.Vũng Tàu vừa công bố Quyết định số 7179/QĐ-UBND của UBND TP.Vũng Tàu về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị đường 3/2.
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị đường 3/2 thuộc địa phận phường 10 và phường 11, TP.Vũng Tàu. Khu vực lập quy hoạch có tổng diện tích 966.393,2m². Tính chất của khu đô thị đường 3/2 được quy hoạch là khu dịch vụ du lịch tổng hợp hiện đại kết hợp khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở, các công trình thương mại, dịch vụ.
Quy hoạch phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan được chia làm 2 khu vực chính: khu vực phát triển dân cư mới và khu vực phát triển du lịch dịch vụ. Trong đó, khu du lịch dịch vụ được định hướng xây dựng nhiều loại du lịch đa dạng như: Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái trải nghiệm. Bên cạnh đó, phát triển thêm các dịch vụ lưu trú xen kẽ trong các khu du lịch nhằm tăng thu hút đầu tư; các khu du lịch ven biển với phong cách kiến trúc hiện đại, kiến trúc xanh, tránh can thiệp sâu vào địa hình.
Trước đó, Vũng Tàu cũng công bố quy hoạch mũi Nghinh Phong thành một tổ hợp du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp. Mũi Nghinh Phong được quy hoạch là một khu dịch vụ du lịch vui chơi giải trí cao cấp với chiều cao tối đa 10 tầng và thấp nhất là 3 tầng, vừa đủ để làm điểm nhấn vừa không che chắn tầm nhìn của đồi Con Heo. Mật độ xây dựng khoảng 35%-45%.
Không gian kiến trúc cảnh quan quy hoạch bao gồm 5 khu chức năng. Khu dịch vụ du lịch vui chơi giải trí cao tầng gồm 10 tầng, mật độ xây dựng gộp 45%, trong đó tầng 1-3 là thương mại dịch vụ; tầng 4-10 là khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp. Khu công trình dịch vụ du lịch thấp tầng: từ 3-6 tầng, bố trí cụm công trình khách sạn, trên mái các công trình này tạo ra các khu vực vườn hoa, đường dạo; quầy dịch vụ kết hợp nhà hàng mặt nước.
Khu vực không gian mở trung tâm: kết nối đường Hạ Long đến bãi biển và đảo Hòn Bà, giữ nguyên hiện trạng khu vực Hòn Bà và tuyến đường đá dẫn ra Hòn Bà, đảm bảo các điều kiện phù hợp, thuận lợi nhất cho người dân và du khách tiếp cận bãi tắm công cộng và Hòn Bà. Cụm công trình dịch vụ trung tâm: hai bên lối xuống Hòn Bà bố trí 2 cụm dịch vụ (nhà hàng, cà phê, spa chăm sóc sức khỏe…). Cuối cùng là tuyến đi bộ dọc bờ biển và điểm cảnh quan nổi bật.
Khi thực hiện quy hoạch mũi Nghinh Phong các nhà thiết kế tập trung khai thác những điểm mạnh về cảnh quan thiên nhiên, đồi cát, vị trí đắc địa của biển để biến Nghinh Phong thành một nơi nghỉ dưỡng cũng như là nơi check-in có mô hình cổng mặt trời và đồi mặt trăng để du khách có thể đón bình minh và ngắm hoàng hôn.