Vịnh biển nổi tiếng ở Thái Lan ra sao sau khi đóng cửa 3 năm liền?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sau thời gian đóng cửa để thiên nhiên có thể hồi phục, vịnh Maya nổi tiếng của Thái Lan bắt đầu đón khách trở lại với làn nước xanh biếc và những điều luật mới.

Oranee Kittitorraneerut nhớ lại cảm giác lâng lâng khi ngắm nhìn khung cảnh bát ngát của vịnh Maya trong lần đầu tiên sau hơn 3 năm.

Giữa những vách đá vôi dựng đứng, vùng nước xanh trong vắt thật bình yên và tuyệt diệu, vắng bóng thuyền chở khách du lịch. Bãi biển hình trăng khuyết trắng muốt và sạch sẽ, không rác thải. Cát ấm và mịn dưới chân cô.

"Từ lúc bước chân lên bãi biển ở vịnh Maya, tôi đã thấy thật thư giãn. Cát thật trắng và thật mịn. Những vách đá vôi ở hai bên ôm trọn mặt biển xanh thật đẹp mắt", Oranee nói.

Thiên nhiên tự chữa lành

Hướng dẫn viên du lịch 24 tuổi, quê Krabi này chưa từng thấy Vịnh Maya như thế.

"Đây là điểm tham quan đông khách. Trước đây, mỗi ngày đều có một lượng lớn khách và tàu thuyền ở bãi biển" - cô nói thêm.

Nhiều năm phát triển du lịch đại trà đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái quanh vịnh. Tháng 6/2018, chính phủ Thái Lan tuyên bố đóng cửa hoạt động đón khách tại đây, nhằm để thiên nhiên có thể tự chữa lành cho mình.

Vịnh biển nổi tiếng ở Thái Lan ra sao sau khi đóng cửa 3 năm liền? - 1

Du khách được trở lại vịnh Maya từ ngày 1/1.

Khu vực này đóng cửa trong hơn 3 năm, trước khi mở cửa vào đầu năm, sau khi hệ sinh thái đã phục hồi tương đối và khi ngành du lịch của Thái Lan đang đối mặt với sự suy giảm mạnh do dịch bệnh Covid-19.

Những ngày này, du lịch tại vịnh Maya không còn như trước. Các luật lệ, quy định mới được chính quyền áp dụng để đảm bảo khu vực này vẫn được bảo vệ.

Trong đó, khách tham quan phải đặt chỗ trước khi đến, và chỉ 375 người được có mặt cùng lúc trong khoảng 7-18h mỗi ngày. Du khách có thể ở vịnh đến một tiếng, nhưng không được xuống bơi.

Bên cạnh đó, tàu thuyền chở khách đến đây phải đỗ ở điểm cố định sau vịnh, nơi một lối đi dài bằng gỗ sẽ dẫn du khách ra bãi biển nổi tiếng thế giới này.

"Một số người hơi buồn vì không được xuống bơi, nhưng tôi nói họ rằng dù việc bơi ở đây bị cấm, giờ họ có thể tận hưởng vẻ đẹp của nơi này và chụp ảnh mà không có người ở nền. Theo cách này, họ cũng sẽ giúp bảo vệ cá mập và san hô ở khu vực. Do vậy, họ thấy ổn và vui vẻ" - Oranee nói.

Cá mập, san hô và mô hình du lịch mới

Vịnh Maya là viên ngọc quý của đảo Phi Phi ở miền Nam Thái Lan, nằm trong công viên quốc gia Hat Noppharat Thara - Mu Ko Phi Phi của Krabi. Nơi này từng là bối cảnh của bãi biển thiên đường, tách biệt với thế giới trong phim The Beach năm 2000 của đạo diễn Danny Boyle, với diễn viên chính là Leonardo DiCaprio.

Vịnh biển lập tức nổi như cồn trên thế giới và thu hút hơn 5.000 lượt khách đến bãi biển mỗi ngày, cùng hàng trăm tàu thuyền.

Sau khi đóng cửa, Maya trở thành vùng đất nguyên sơ, với hơn 30.000 quần thể san hô sinh trưởng không bị gián đoạn.

Phá nước từng chật kín khách du lịch trở thành thiên đường cho sinh vật biển. Phía dưới làn nước phẳng lặng, trong suốt như pha lê là khu sinh sản mới của cá mập rạn san hô vây đen.

Ít nhất 160 con đã được ghi hình bằng drone vào tháng 12/2021, theo ông Thon Thamrongnawasawat, một nhà khoa học sinh vật biển tại Đại học Kasetsart University, người tâm huyết với việc tái sinh quần thể động vật ở vịnh Maya.

Dù hoạt động du lịch đã bắt đầu trở lại, ông cho biết tác động đến môi trường biển gần như không tồn tại.

"Trước khi Maya đóng cửa để phục hồi, tàu thuyền là vấn đề chính. Quá nhiều tàu vào vịnh. Chúng là nguyên nhân chủ yếu gây nước đục, ảnh hưởng đến san hô và cá mập", nhà khoa học nói.

Vịnh biển nổi tiếng ở Thái Lan ra sao sau khi đóng cửa 3 năm liền? - 2

Cảnh đông đúc trước đây và thưa thớt của hiện tại ở vịnh Maya.

Khoảng 4.125 du khách được vào vịnh Maya mỗi ngày. Sự hiện diện của họ gần như không gây tác động đến đời sống của cá mập và san hô, vốn sống cách bãi biển hàng trăm m.

"Vì vậy, xét về biển, tôi có thể khẳng định sẽ tiếp tục phục hồi. Việc tái mở cửa vịnh và việc tái tạo môi trường biển gần như không còn liên quan, vì du khách ở trên đất liền, không xuống bơi, và tàu bè không được vào vịnh", ông giải thích.

Việc đóng cửa và tái tạo vịnh Maya là một phần trong chương trình tái tạo sinh thái có tên Mô hình Phi Phi được ông Thorn giới thiệu năm 2016, nhằm đảm bảo việc bảo vệ thiên nhiên và du lịch bền vững tại quần đảo Phi Phi, nơi đón đến gần 2 triệu khách mỗi năm trước đại dịch.

Ông cho biết: "Một phần Mô hình Phi Phi là nâng cao nhận thức. Tất nhiên, những người quan trọng nhất chính là những người đưa du khách đến Maya. Khi họ cảm thấy muốn bảo vệ vịnh, yêu vịnh và giải thích quy định để du khách làm theo, mọi chuyện sẽ ổn".

Giữ gìn di sản cho tương lai

Maya là điểm tham quan chính trong quần đảo Phi Phi. Việc tái mở cửa nơi này được chào đón bởi các nhà điều hành tour, vốn kinh doanh chủ yếu dựa trên những chuyến đi bằng tàu thuyền đến loạt đảo, vịnh khác nhau.

Từ tháng 1, công ty lữ hành Sea Eagle đã thấy lượng khách đặt ở Krabi tăng lên. Tổng giám đốc Naphak Pannawitchayakun nói với CNA rằng đại dịch Covid-19 đã buộc công ty phải đóng cửa nhiều tháng vì gần như không có khách.

"Việc mở cửa Vịnh Maya sau nhiều năm thật đáng mong đợi. Rõ ràng nơi này thu hút du khách, và khiến nhiều người đặt tour của chúng tôi hơn", bà nói.

Theo bà Naphak, du lịch nên đi đôi với bảo tồn. Vì nếu không còn thiên nhiên, sẽ không còn thu nhập.

Vịnh biển nổi tiếng ở Thái Lan ra sao sau khi đóng cửa 3 năm liền? - 3

Vẻ đẹp của vịnh Maya sau khi phục hồi.

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Krabi, bà Sasithorn Kittidhrakul, chia sẻ: "Trong quá khứ, các nhà vận hành tour có thể chỉ tập trung vào việc kinh doanh và muốn càng đông khách càng tốt. Giờ đây, họ ngày càng nhận ra rằng khi biển lặng, nhiều động vật sẽ xuất hiện. Rõ ràng, biển đã thay đổi sau khi vịnh đóng cửa".

Theo bà Sasithorn, Krabi dự kiến tiếp tục quảng bá du lịch, nhưng sẽ chú trọng hơn vào "chất lượng du khách thay vì số lượng". Tỉnh cũng sẽ tìm biện pháp giảm tắc nghẽn ở các điểm tham quan, đồng thời thông báo cho du khách về những yêu cầu mới.

"Chúng tôi muốn du khách nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn", bà nói.

Ngoài khơi xa, Oranee dẫn một nhóm du khách đến điểm lặn thuộc quần đảo Phi Phi sau khi ghé thăm Vịnh Maya. Ngồi trên boong xuồng cao tốc, Pitchakorn Chen, một du khách từ Bangkok, nhớ lại thời gian ở vịnh biển nổi tiếng.

"Chúng tôi may mắn được đến đó. Nếu có thể bảo tồn vịnh, con cháu chúng ta có thể tiếp tục thăm điểm đến này trong tương lai. Nếu không, nó có thể sẽ biến mất vĩnh viễn", ông nói.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

An Ngọc (Zing News)

CLIP HOT