Việt Nam tăng cường quảng bá tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2022
Từ ngày 16-20/1,Việt Nam sẽ tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) năm 2022 với chủ đề “Một cộng đồng vì hòa bình và tương lai chung” (A Community of Peace and Shared Future) tại Sihanoukville (Campuchia). Đây là sự kiện lớn nhất trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN.
Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) năm 2022 với chủ đề “Một cộng đồng vì hòa bình và tương lai chung” tại Sihanoukville, Campuchia.
Năm nay, Diễn đàn bao gồm nhiều hoạt động quan trọng như: Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN và các nước đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga), tổ chức đối tác; Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN và Hội nghị Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN và các nước đối tác; Hội chợ Du lịch Quốc tế TRAVEX; Lễ trao Giải thưởng Du lịch ASEAN; Họp báo các Bộ trưởng Du lịch ASEAN cùng nhiều hoạt động bên lề…
Tại Diễn đàn năm 2022, Việt Nam có nhiều đơn vị thuộc 4/5 hạng mục được trao Giải thưởng Du lịch ASEAN. Đó là hạng mục giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN, Thành phố Du lịch sạch ASEAN, địa điểm tổ chức MICE ASEAN và sản phẩm du lịch bền vững (khu vực nông thôn và thành thị).
Tham gia Hội chợ TRAVEX năm 2022, gian hàng chung du lịch Việt Nam với chủ đề “Live Fully in Vietnam” do Tổng cục Du lịch chủ trì với sự tham gia của một số địa phương trọng điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ASEAN là một trong những thị trường, đối tác quan trọng của du lịch Việt Nam. Năm 2019, khách từ ASEAN tới Việt Nam đạt gần 2,1 triệu lượt, chiếm khoảng 11,6% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Các thị trường nguồn lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN năm 2019 là: Malaysia (chiếm 3,4% tổng lượng khách), Thái Lan (chiếm 2,8% tổng lượng khách), Singapore (chiếm 1,7% tổng lượng khách), Campuchia (chiếm 1,3% tổng lượng khách)...
Năm 2019, khách du lịch quốc tế đến khu vực ASEAN chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới; tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Thị trường nguồn của khu vực ASEAN chủ yếu là khách nội khối và Đông Bắc Á...
ATF lần thứ nhất được tổ chức năm 1981 tại Kuala Lumpur, Malaysia và được tổ chức thường niên, luân phiên bảng chữ cái theo tên các nước thành viên ASEAN. Việt Nam đã hai lần đăng cai ATF vào năm 2009 tại Hà Nội và năm 2019 tại Hạ Long, mang lại nhiều kết quả tốt đẹp đối với việc thúc đẩy trao đổi khách trong khu vực… |
Ông Ðoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp vừa ký ban hành kế hoạch triển khai Chương trình liên kết hợp tác...