Vì sao khách quốc tế vào Việt Nam phải mua bảo hiểm điều trị Covid-19?
Trong khi một số quốc gia hiện không yêu cầu khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch thì Việt Nam bắt buộc khách du lịch quốc tế phải mua bảo hiểm có nội dung điều trị Covid-19, mệnh giá tối thiểu 10.000 USD .
Lý giải điều này, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch cho biết, việc mở lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là an toàn, khoa học, hiệu quả. Trong đó, an toàn là yếu tố đầu tiên, vì vậy rất nhiều quốc gia trên thế giới đều yêu cầu du khách tiêm chủng, test Covid-19, thậm chí có những biện pháp cực đoan hơn.
Tại Việt Nam, việc người dân đã có độ phủ vaccine rất cao, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm trong 2 năm qua về xử lý dịch bệnh, nên việc yêu cầu du khách test trước, test sau, và tham gia bảo hiểm điều trị Covid-19 là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo an toàn trong quá trình mở cửa lại hoạt động du lịch.
Với việc khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam phải tham gia bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có điều kiện chi trả cho điều trị Covid-19 ở mức tối thiểu là 10.000 USD không có nghĩa là du khách phải bỏ 10.000 USD để mua bảo hiểm. Thông thường, để có mức chi trả tối thiểu 10.000 USD, trung bình 1 ngày, khách du lịch chỉ phải bỏ ra 1,5 - 2 USD. Như vậy, nếu du khách đến Việt Nam du lịch 10 ngày thì phí bảo hiểm của họ chỉ từ 15-20 USD. Đây là khoản chi phí nhỏ cho chuyến đi, nhưng đảm bảo, nếu chẳng may du khách nhiễm Covid-19, bảo hiểm sẽ chi trả số tiền đủ để chữa khỏi bệnh cho họ.
"Mệnh giá tối thiểu 10.000 USD để chi trả cho việc chữa trị Covid-19 không đáng là bao. Hơn nữa chúng tôi cũng đã tham khảo các chuyên gia y tế đến thời điểm hiện tại việc chi trả chữa Covid-19 không còn như thời kỳ đầu cách đây hai năm. Vì vậy để mở cửa hoạt động du lịch quốc tế được an toàn bắt buộc chúng ta phải yêu cầu du khách test Covid-19 đồng thời mua bảo hiểm", ông Khánh cho biết.
Cũng theo ông Khánh, từ nay đến khi mở cửa lại du lịch thời gian còn rất ngắn nhưng có rất nhiều công việc cần phải triển khai. Tuy nhiên, toàn ngành đã sẵn sàng và đang chuẩn bị hoàn tất các điều kiện để đảm bảo tốt nhất cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3. Để làm tốt được việc này, cần tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, mở cửa phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự thành-bại của việc mở cửa. Mặc dù công tác phòng chống dịch bệnh đang được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần cẩn trọng trước những nguy cơ. Trong đó nguy cơ về những biến chủng mới của dịch bệnh là rất nguy hiểm. Đồng thời, sự chênh lệch về mức độ bao phủ vắc xin giữa các địa phương và độ tuổi. Sự khác biệt giữa các địa phương trong công tác phòng chống dịch cũng là điều cần sớm thống nhất.
Thứ hai, khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ.
Thứ ba, cho phép áp dụng lại chính sách thị thực với khách nhập cảnh như thời điểm năm 2019, để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.
Thứ tư, hiện Việt Nam đã công nhận “Hộ chiếu vaccine”, giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 14 quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc đưa khách đi du lịch nước ngoài. Chỉ khi cân bằng được cung-cầu của khách Inbound và Outbound thì mới giảm chi phí các chuyến bay, giảm giá tour của các công ty du lịch.
Thứ năm, chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ, cơ sở vật chất của ngành.
Thứ sáu, chuẩn bị kỹ về sản phẩm, các điều kiện khác để nâng cao năng lực cạnh tranh. "Việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch trong bối cảnh mới là một vấn đề rất quan trọng, tạo nên sức hấp dẫn, nâng cao được năng lực cạnh tranh của các điểm đến", ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Thứ bảy, tiếp tục quảng bá chiến dịch "Live Fully In Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn, đồng thời tập trung quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường mục tiêu.
Đây là những nội dung Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành chuẩn bị rốt ráo để trước 15/3 chúng ta có được những hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch kết nối lại các thị trường và khai thác được các nguồn khách quay trở lại Việt Nam.
Việc nới lỏng hàng loạt điều kiện cho du khách quốc tế là thông điệp cho thấy Việt Nam bước đầu khống chế được...