Vì sao du khách không vào được di tích tháp chuông nhà thờ Tam Tòa?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Di tích Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa là chứng tích tội ác chiến tranh, được tỉnh Quảng Bình xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá. Du khách đến đây đều muốn vào tháp để chụp ảnh lưu niệm nhưng không vào được.

Di tích Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa, phường Đồng Hải, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, là điểm đến được nhiều du khách tìm tới chụp ảnh lưu niệm mỗi khi có dịp đến với Đồng Hới. Di tích này nằm ngay trên tuyến đường du lịch từ trung tâm TP Đồng Hới ra biển Nhật Lệ, Quang Phú, Nhân Trạch… Di tích cổ kính, cộng với khung cảnh công viên Nhật Lệ xung quanh khá sinh động nên sẽ cho những tấm hình đẹp.

Vì sao du khách không vào được di tích tháp chuông nhà thờ Tam Tòa? - 1

Di tích tháp chuông nhà thờ Tam Tòa. Ảnh: Đình Chi

Nhưng hầu hết du khách khi đến đây đều cảm thấy thất vọng vì không thể vào phía trong, bởi xung quanh tháp có hàng rào kiên cố bao trọn từ xa, hai cánh cửa luôn được khoá kín. Vì vậy mọi người đều phải đứng bên ngoài hàng rào ngay trên vỉa hè đường Nguyễn Du, hoặc sân công viên bên cạnh để chụp ảnh với tháp chuông.

“Tôi đã chụp ảnh ở tượng đài Mẹ Suốt, biển Nhật Lệ và thành cổ Đồng Hới rồi, nhưng không vào gần được di tích tháp chuông nhà thờ Tam Tòa để chụp thêm tấm ảnh nữa. Đứng bên ngoài chụp vào thì vướng hàng rào, thật tiếc quá”, chị Văn Thị Hiệp, một du khách đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết.

Nhiều người muốn đọc thông tin để biết về di tích này cũng không thể được, vì tấm bảng ghi thông tin di tích đặt quá xa phía trong hàng rào, chữ khắc lại nhỏ, thời gian cũng đã làm bảng bị hư hỏng, chữ mờ đi nhiều…

Vì sao du khách không vào được di tích tháp chuông nhà thờ Tam Tòa? - 2

Ảnh: Đình Chi

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhung, phó chủ tịch UBND TP Đồng Hới, tháp chuông nhà thờ Tam Toà là di tích còn lại của nhà thờ Tam Toà vốn đã bị máy bay Mỹ ném bom phá hoại trong những năm chiến tranh, thời gian cũng đã lâu. Do vậy hiện tháp chuông không còn giữ được độ an toàn của cấu trúc xây dựng, gạch xây có thể rơi xuống bất cứ lúc nào gây mất an toàn cho du khách khi vào quá gần hoặc đi ngay dưới tháp. Hơn nữa cũng có nhiều người dân đã từng vào di tích mà không có ý thức bảo vệ, giữ gìn nên TP buộc phải làm hàng rào để bảo tồn.

“Về bảng ghi thông tin di tích, chúng tôi có thể nghiên cứu để làm mới lại bảng và đặt tại vị trí thích hợp để du khách được đọc rõ”, bà Nhung cho biết.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lam Giang

CLIP HOT