Từ tâm dịch đau thương nhất nước trở thành vùng xanh nhộn nhịp

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hơn nửa năm, từ tâm dịch tang thương trở thành vùng xanh, nhiều người dân TP.HCM tỏ ra vui mừng trước thềm Tết Nhâm Dần 2022.

Buổi chiều đầu tháng 1, bà Dung ra sân bê mâm củ kiệu đã được phơi ráo vào trong nhà, rồi cùng chị gái bắt tay vào công đoạn ngâm kiệu.

Những năm trước, mỗi dịp Tết đến, hai chị em bà Dung (quận Bình Thạnh) ngâm hơn 50 kg củ kiệu để bán cho bà con trong xóm và dùng cùng gia đình 3 ngày Tết. Năm nay kinh tế có phần khó khăn, lượng củ kiểu, dưa muối cũng hạn chế hơn.

"Dịch bệnh cả năm ai cũng buồn. Tôi cứ sợ Tết năm nay phải giãn cách, nhà ai nấy ở. Mà may quá! Giờ thấy khả quan hơn rồi. Thôi thì dù ít, dù nhiều cũng phải có Tết", bà Dung nói.

Đợi nửa năm

Ngày 8/1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký thông báo cấp độ dịch tại TP.HCM trong tuần đầu tiên của năm mới 2022; theo đó, tính đến ngày 6/1, dịch Covid-19 tại TP.HCM ở cấp độ 1.

Như vậy, sau nhiều tuần duy trì cấp độ 2, đây là lần đầu tiên dịch tại TP.HCM hạ xuống cấp độ 1 (vùng xanh). Thông tin này khiến không ít người dân tỏ ra phấn khởi trước thềm Tết Nhâm Dần 2022.

Từ tâm dịch đau thương nhất nước trở thành vùng xanh nhộn nhịp - 1

Bà Dung và chị gái chuẩn bị dưa muối, củ kiệu, mứt Tết để bán cho hàng xóm và dùng trong gia đình mấy ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Gia đình bà Dung ngụ tại hẻm 27 đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, từng là vùng đỏ với số ca nhiễm và ca tử vong cao trong lúc dịch bệnh lây lan phức tạp tại TP.HCM. Người phụ nữ cho biết cả gia đình đã sống trong lo lắng suốt nhiều tháng giãn cách.

Vừa lo lắng về dịch bệnh, các thành viên trong gia đình bà Dung còn trăn trở về vấn đề kinh tế, bởi thời điểm đó không ai có thu nhập. Nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu nhờ vào hỗ trợ từ chính quyền địa phương và nhà hảo tâm.

Sau giãn cách, bà Dung vay ít tiền làm vốn để gầy dựng lại tiệm tạp hóa nhỏ. Áp lực của dịch bệnh khiến người phụ nữ 50 tuổi không tránh khỏi cảnh kiệt quệ tài chính.

"Nghe tin thành phố mình thành vùng xanh, tôi mừng không tả nổi. Nửa năm rồi phải sống chật vật. Giờ thì nhẹ nhõm hơn rồi", bà Dung nói.

Từ tâm dịch đau thương nhất nước trở thành vùng xanh nhộn nhịp - 2

Người dân vui chơi tại khu vực gần Nhà thờ Đức Bà TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Toàn.

Ông Lê Hữu Anh (40 tuổi, quận Phú Nhuận) cho biết thông tin thành phố giảm ca nhiễm nặng và tử vong khiến ông hy vọng cuộc sống sẽ sớm bình thường trở lại.

"Trước mắt tôi thấy vui vì 25 tháng Chạp tới đây có thể về quê tảo mộ ông bà mà không phải lo bị cách ly", ông Hữu Anh hào hứng nói.

Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân từ vùng xanh về các địa phương không bị hạn chế và cũng không bị cách ly. Điều này giúp không ít bạn trẻ phần nào nhẹ nhõm khi đang đắn đo phương án về quê dịp Tết.

"Tuần trước, tôi dự định xin nghỉ làm sớm để về quê, vì ở địa phương thực hiện cách ly cả gia đình khi có người từ vùng dịch trở về. Giờ thì ổn rồi, tôi vẫn làm việc theo lịch của công ty", anh Thiên Lộc (quê Bình Phước) cho biết.

Không chủ quan

Đẩy xe cà phê ra đầu hẻm 250 Hai Bà Trưng (quận 1), đứng cạnh tấm biển "Chốt bảo vệ vùng xanh" vẫn còn được treo ngay ngắn, bà Tâm (42 tuổi) cho biết người dân trong hẻm vẫn giữ lại tấm biển này để nhắc nhở nhau không được chủ quan khi dịch bệnh vẫn còn nguy hiểm.

Từ tâm dịch đau thương nhất nước trở thành vùng xanh nhộn nhịp - 3

Tấm biển "Chốt bảo vệ vùng xanh" vẫn được giữ lại trước hẻm 250 Hai Bà Trưng (quận 1). Ảnh: Nguyễn Toàn.

"Đầu tháng 11 tôi mới bắt đầu buôn bán trở lại. Dù dịch bệnh ở thành phố đã được kiểm soát tốt, tôi nghĩ không nên chủ quan, nhìn các nước trên thế giới thì sẽ rõ, dịch bệnh có thể bùng phát bất kỳ lúc nào", bà Tâm nói.

Người phụ nữ cho biết dịp Tết năm nay bà chỉ mua sắm vừa đủ để cúng ông bà 3 ngày Tết, phần vì kinh tế đang eo hẹp, phần vì người thân, bạn bè cũng hạn chế ghé nhà vì dịch bệnh.

Sống trong con hẻm trên đường Bàn Cờ (quận 3), từng là vùng đỏ với gần 10 ca tử vong vì Covid-19, chị Lê Bình cho biết những ngày cận Tết không khí trong hẻm có phần nhộn nhịp hơn.

"Năm nay, không còn cảnh mọi người trong xóm cùng nhau làm củ kiệu hay sơn phết nhà cửa đón Tết. Và chắc cũng không còn hẹn nhau đi chùa đầu năm. Chỉ mong ai nấy đều bình an", chị Bình nói.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Toàn (Zing News)

CLIP HOT