TP.HCM và Bình Dương tích cực phối hợp để phát triển du lịch đường thủy

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sở Du lịch TP.HCM vừa tổ chức cuộc khảo sát, điều chỉnh sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận nhằm hình thành các sản phẩm đặc trưng, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Đoàn khảo sát với sự tham gia các ngành liên quan, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đường sông, dịch vụ lữ hành tại TP.HCM.

Tại buổi khảo sát, đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương; Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh cùng một số đơn vị kinh doanh dịch du lịch của tỉnh Bình Dương. 2 bên đã tìm hiểu, trao đổi, góp ý thêm về các điểm đến, dịch vụ phục vụ khách đến tham quan, đặc biệt là vấn đề xây dựng bến tàu để phục vụ cho các đơn vị đưa khách du lịch từ TP.HCM đến với Bình Dương bằng đường sông.

TP.HCM và Bình Dương tích cực phối hợp để phát triển du lịch đường thủy - 1

Đại diện Sở Du lịch TP.HCM nhận định, tại tỉnh Bình Dương có rất nhiều sản phẩm du lịch có tiềm năng phát triển, ví dụ như chợ Thủ Dầu Một, làng nghề làm guốc, làm heo đất, khu du lịch Đại Nam… Nhưng các bến đường thủy đến các địa điểm du lịch ở Bình Dương còn khá ít, một số địa điểm còn khá xa so với trung tâm thành phố.

Hiện nay, bến du thuyền Tiamo Phú Thịnh ở thành phố Thủ Dầu Một có thể đón các đoàn khách du lịch đường sông đến Bình Dương. Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch TP.HCM, mong muốn Bình Dương sớm có thêm các bến tàu, bến du thuyền khác để thuận lợi hơn trong việc tiếp đón các đoàn khách du lịch đến Bình Dương bằng đường sông, đặc biệt là sớm triển khai bến tại khu vực chợ Thủ Dầu Một vì khách cập bến ở đây sẽ dễ dàng di chuyển đến các điểm tham quan trên bộ gần đó.

Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành Les Rives, cũng nêu rõ quan điểm của mình về các điểm bất cập trong tuyến đường thủy TP.HCM - Bình Dương: “Đa số khách hàng lựa chọn phương tiện đường thủy để trải nghiệm các địa điểm du lịch đều là khách nước ngoài. Họ gặp bất cập trong vấn đề giờ giấc phải di chuyển ra sân bay, nếu các điểm đến đáp ứng tất cả trải nghiệm trong vòng 1 ngày hoặc có tách lẻ đoàn nếu khách du lịch yêu cầu, khi đó việc bán tour cho du khách sẽ dễ dàng hơn.”

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá cao những ý kiến trao đổi, góp ý của đoàn khảo sát. Ông cho biết, sở sẽ làm việc với các sở ngành, địa phương liên quan trong việc xây dựng các bến tàu, bến du thuyền. Ngành du lịch Bình Dương cũng sẽ tích cực phối hợp, hỗ trợ các đơn vị khai thác du lịch đưa khách du lịch đến với Bình Dương trong thời gian tới.

TP.HCM và Bình Dương tích cực phối hợp để phát triển du lịch đường thủy - 2

Trong hành trình, đoàn cũng đã ghé thăm nhiều điểm du lịch tại Củ Chi. Theo ông Nguyễn Hữu Ân – Phó trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch – Sở Du lịch TP.HCM, Địa đạo Củ Chi đã đủ điều kiện bến đỗ, cầu phao để đi vào hoạt động tuyến du lịch đường thủy. Thời gian xuất phát từ bến tàu thủy Bạch Đằng (Quận 1) – đến địa đạo Củ Chi chỉ khoảng 1 tiếng 15 phút cũng rất hợp lý đối với các khách du lịch muốn khám phá tour nhanh.

Cũng theo đại diện Sở Du lịch TP.HCM, năm mới 2024 sắp đến, các doanh nghiệp, địa phương cần nhanh chóng thiết kế các tour du lịch hoàn chỉnh và chu đáo để tiếp đón các đoàn khách trong và ngoài nước. Điều đặc biệt, khi khách du lịch đến với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, họ đều mong muốn trải nghiệm làm các làng nghề truyền thống, tham quan các địa điểm có bề dày lịch sử như Địa đạo Củ Chi… Đây cũng là xu hướng nghỉ dưỡng hòa mình vào thiên nhiên mà khách du lịch đang ưa chuộng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoàng My

CLIP HOT