TP.HCM sẽ dừng học trực tiếp nếu có hơn 100 trẻ F0 nặng mỗi ngày?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đại diện ngành y tế TP.HCM cho hay sẽ tham mưu cho UBND TP.HCM xem xét ngừng việc học trực tiếp nếu mỗi ngày có hơn 100 trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nặng

Tại cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, chiều 22/2, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay trong tuần qua, TP.HCM ghi nhận 7.505 ca nhiễm trong trường học, gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh. Trong số này, khối mầm non là 394 em, khối tiểu học là 2.786 em, THCS là 1.875 em, THPT và giáo dục thường xuyên là 1.744 em.

Nếu tính từ ngày 14/2 đến nay, số ca mắc Covid-19 ở trẻ em tăng cao hơn gấp ba lần so với tuần trước đó. Ngoài ra, số trường học phát sinh ca nhiễm cũng tăng từ 117 trường lên 201 trường.

TP.HCM sẽ dừng học trực tiếp nếu có hơn 100 trẻ F0 nặng mỗi ngày? - 1

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM báo cáo tại cuộc họp giao ban. Ảnh: Phương Thùy

Theo Sở Y tế TP, trẻ em 12 tuổi chiếm 93% ca bệnh, đây là lứa tuổi chưa được tiêm vắc xin, trong đó 65% là trẻ dưới 5 tuổi. Ngành Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, tham mưu cho UBND TP xem xét ngưng việc học trực tiếp khi số trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp nhiều hơn 100 ca/ngày (hiện nay mỗi ngày chỉ có 5 ca trẻ em cần hỗ trợ hô hấp).

Giám đốc Sở Y tế TP nhận định, biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trên địa bàn. Theo kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm PCR tại TP từ ngày 10 - 17/2, có 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron, chiếm 76%.

TP.HCM sẽ dừng học trực tiếp nếu có hơn 100 trẻ F0 nặng mỗi ngày? - 2

Học sinh TP.HCM đi học trực tiếp sau thời gian dài gián đoạn vì dịch COVID-19. Ảnh: Huyên Nguyễn

Theo ông Thượng, ngành y tế xây dựng kịch bản khi số trẻ mắc Covid-19 gia tăng như ưu tiên điều trị tại các bệnh viện nhi thành phố. Khi số ca tăng, mở rộng số giường tại các bệnh viện như huy động các bệnh viện quận huyện có chuyên khoa nhi.

Đồng thời, ngành cần theo dõi sát diễn tiến số ca mắc, số ca nặng cần hỗ trợ hô hấp tại các bệnh viện để kịp thời tham mưu cho UBND Thành phố xem xét tạm ngưng việc học trực tiếp khi số ca trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp >100 ca/ngày.

Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ tăng cường các biện pháp ứng phó với tình hình dịch Covid-19 ở trẻ em, như cung cấp số điện thoại “Kênh tư vấn từ xa” tại ba bệnh viện nhi của thành phố để kịp thời tư vấn và giải đáp thắc mắc cho giáo viên và thân nhân bệnh nhân; tập huấn cho hệ thống y tế và giáo viên nhận biết các dấu hiệu cần báo cho nhân viên y tế, xử lý ban đầu, quy trình xử lý F0 trong trường học và sẵn sàng triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tấn An

CLIP HOT