TP.HCM: Khó khăn, bất tiện nhưng người dân đồng lòng chống dịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dù gánh nặng cuộc sống đang đè nặng lên đôi vai nhưng hầu hết người dân TP.HCM đều cố gắng “giữ mình” chấp hành quy định giãn cách xã hội.

TP.HCM: Khó khăn, bất tiện nhưng người dân đồng lòng chống dịch - 1

Đường sá vắng lặng khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ

Một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16 là những người lao động “bám” vỉa hè, những người buôn gánh bán bưng. 

Từ Sóc Trăng lên TP.HCM, ông Nguyễn Văn Bảy, tạm trú tại dãy nhà trọ nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, mưu sinh qua ngày bằng nghề bán vé số hơn 15 năm nay. Mấy hôm nay, ông vô cùng lo lắng vì phải hạn chế ra ngoài, chưa biết kiếm sống bằng cách nào nhưng ông cam kết thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh. “Cuộc sống những ngày tới sẽ nhiều khó khăn nhưng tôi ủng hộ chủ trương giãn cách xã hội để góp phần chống dịch. Mong rằng sau 15 ngày này TP sẽ giảm được số ca nhiễm Covid-19, cuộc sống trở lại bình thường”, ông Bảy bày tỏ.

TP.HCM: Khó khăn, bất tiện nhưng người dân đồng lòng chống dịch - 2

Gia đình anh Nguyễn Xuân Đường quanh quẩn trong nhà mong dịch bệnh Covid-19 sớm đẩy lùi

Những ngày giãn cách là áp lực lớn với gia đình anh Nguyễn Xuân Đường, tạm trú tại địa chỉ 369/21 đường Lê Hồng Phong, Q.10. Anh Đường quê ở Quảng Ngãi, vào TP.HCM bán vé số hơn 10 năm nay. Đây là lần đầu tiên gia đình gồm 13 người của anh có mặt đông đủ ở nhà. Trước đây, tầm 6 giờ sáng là các thành viên đều ra khỏi nhà để mưu sinh đến chiều tối mịt hoặc đêm khuya mới trở về. Từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16, vé số ngừng in nên gia đình anh tạm thời thất nghiệp.

Cuộc sống khó khăn nên mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều được tính toán tỉ mỉ. “Gia đình tôi không có đều kiện nên không mua nhiều thức ăn dự trữ như người ta. Bây giờ mỗi sáng, chúng tôi cử ra một người đi mua bánh mì, thịt, cá kèm theo rau củ để ăn qua ngày. Các thành viên còn lại đều ở nhà” anh Đường chia sẻ. Dù lo lắng không biết những ngày tới sẽ ra sao nhưng gia đình anh vẫn nghiêm túc chấp hành quy định giãn cách xã hội.

“Có như thế thì chúng ta mới có thể trở lại với cuộc sống bình thường, chứ kiểu này thì không chỉ gia đình tôi mà cả người dân thành phố đều khốn khổ” - anh Đường thở dài.

TP.HCM: Khó khăn, bất tiện nhưng người dân đồng lòng chống dịch - 3

Vợ chồng cô Nguyễn Thị Ngọ đọc báo, bàn chuyện thời sự “giết” thời gian trong những ngày phải thực hiện chỉ thị 16

Cạnh nhà anh Đường là nhà cô Hiền (65 tuổi). May mắn hơn gia đình anh Đường vì cuộc sống của cô Hiền khá giả hơn, có phòng trọ cho thuê nên hai vợ chồng cô sống khá thoải mái, an nhàn. Nếu trước đây, mỗi buổi sáng, hai vợ chồng cô đều đi tập thể dục rồi ăn sáng, uống cà phê, trò chuyện với bạn bè thì nay hai ông bà già phải gác lại thói quen.

“Ở nhà tù túng lắm con ơi nhưng cũng phải cố gắng. Bây giờ cô tự nấu cho hai vợ chồng ăn, lên sân thượng tập thể dục và chăm sóc mấy cây kiểng cho tay chân được vận động. Tối đến hai vợ chồng ngồi xem ti vi đến khi chán thì đi ngủ chứ không đi ra đường”, cô Hiền cho biết.

Cũng giống cô Hiền, vợ chồng cô Ngọ (ở chung cư Ngô Gia Tự) về hưu, có con cháu cho tiền tiêu hàng tháng nên không có gì bận tâm. Vợ chồng cô dành thời gian đi đây đó thăm con cháu, bạn bè hoặc du lịch hưởng cho tuổi già. Khi dịch bệnh bùng phát, vợ chồng cô không dám đi đâu. Để đỡ buồn, hai vợ chồng già ở nhà uống cà phê, xem ti vi, đọc báo bàn chuyện thời sự.

“Nghe báo đài thông tin lần này thành phố quyết tâm dập được dịch bệnh, tôi thấy vậy cũng an tâm và tin tưởng vào lãnh đạo, chính quyền. Mong bà con hãy chung tay để cuộc sống không còn phải khó khăn, lo sợ như bây giờ nữa”, cô Ngọ nhắn gửi.

Trong khi đó, với những người có suy nghĩ lạc quan, họ xem đợt giãn cách này như kỳ nghĩ dưỡng sau những người tất bật với công việc.

Trước đây, gia đình anh Tân (ngụ đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3) kinh doanh quán ăn nên vô cùng bận rộn. Có những ngày làm việc xong mệt mỏi rã rời, thậm chí không có thời gian ăn trưa. Từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, không cho bán tại chỗ và bán mang về nên quán đóng cửa hẳn.

“Dù không có nguồn thu nhưng tôi cũng còn chút tiền trang trải nên không quá khó khăn như những người khác. Kỳ giãn cách xã hội này với tôi là kỳ nghỉ để tái tạo lại năng lượng. Hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng”, anh Tân mong mỏi.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Linh Linh

CLIP HOT