TP.HCM đủ nguồn lực bảo đảm an toàn cho mùa du lịch sắp tới
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã khẳng định như vậy khi kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5 đã cận kề trong lúc số ca nhiễm Covid-19 tại Campuchia và Thái Lan đang tăng nhanh đến báo động.
PGS.TS Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Du lịch TP.HCM, sau khi ông rời cuộc họp với Sở Y tế. Ông Đức cho biết, từ kinh nghiệm của các đợt chống dịch vừa qua, TP.HCM vẫn bám sát phương châm: Nhanh gọn, khoa học, điềm tĩnh để có hiệu quả cao nhất.
Chủ động chống dịch bằng tư duy khoa học
Trải qua 3 làn sóng dịch Covid-19, TP.HCM vẫn luôn giữ thế chủ động, đi đầu trong công tác phòng chống dịch. Vậy điểm mạnh của thành phố chúng ta là gì, thưa ông?
Điểm đầu tiên là tính sẵn sàng. Hệ thống y tế của thành phố đã qua rất nhiều lần “thử lửa” nên có khả năng phản ứng rất tốt với các loại dịch bệnh lạ, không chỉ riêng Covid. Trước khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2020, đội ngũ y tế của thành phố đã bắt đầu nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ quốc gia khác, các địa phương trên cả nước để tìm ra những giải pháp tối ưu, vừa tiết kiệm sức vừa mang lại hiệu quả cao.
PGS.TS Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: Ngọc Minh
TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên triển khai sàng lọc ngẫu nhiên chủ động. Việc thay đổi chiến lược từ thụ động sang chủ động giúp công tác phòng chống dịch đạt được hiệu quả nhanh chóng và mạnh mẽ.
Ngoài ra, thành phố còn đưa ra các tiêu chí đánh giá về mức độ an toàn. Từ đó, các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp, trường học có kịch bản tương ứng nhằm giải quyết các nguy cơ từ thấp đến cao.
Lực lượng phản ứng nhanh của thành phố có khả năng truy dấu vết, khoanh vùng chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, điển hình là việc phát hiện ổ dịch Covid 19 tại sân bay Tân Sơn Nhất, hồi trước Tết Nguyên Đán vừa qua.
Khi bùng phát ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất cận Tết Nguyên Đán, hẳn lãnh đạo thành phố đã phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn?
Thời điểm phát hiện ra ca bệnh ở Tân Sơn Nhất, điều chúng tôi lo ngại nhất là có hay không nguồn lây nhiễm trong cộng đồng bên ngoài sân bay.
Phản ứng đầu tiên của chúng tôi là chủ động chẩn đoán các đối tượng có nguy cơ. Hơn mười ngàn cán bộ, nhân viên của sân bay, dù là bộ phận trực tiếp hay gián tiếp đều được ưu tiên trực tiếp xét nghiệm trước. Sau đó, quay lại với các nhóm nguy cơ cao để đảm bảo không có sai sót. Sở Y tế TP.HCM đã có lộ trình, đưa ra phác đồ kiểm tra nhằm giảm thiểu số lần xét nghiệm cũng như không phải phong tỏa quá nhiều khu vực.
Tôi vẫn nhớ trong buổi họp với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, câu hỏi "rất nhạy cảm" được đặt ra là: nên hay không đóng cửa sân bayTân Sơn Nhất? Không giống Vân Đồn, Tân Sơn Nhất và Nội Bài là hai sân bay rất đặc biệt, chỉ cần đóng cửa một trong hai thì nhiều thứ sẽ bị đảo lộn.
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, phương châm chống dịch của thành phố là: Nhanh gọn, khoa học, điềm tĩnh. Ảnh: Ngọc Minh
Sau nhiều phân tích, cân nhắc trên cơ sở dữ liệu khoa học, chúng tôi thống nhất không đóng cửa sân bay nhằm đảm bảo mục tiêu kép chống dịch và phát triển kinh tế. Nhưng nếu tiếp tục mở cửa thì phải làm gì? Nguồn lực có cho phép hay không? Điều kiện cần là sự sẵn sàng của lực lượng y tế, lực lượng tại chỗ của sân bay, lực lượng an ninh và các cơ sở điều trị.
Tại thời điểm đó có rất nhiều thông tin, nhiều bài báo đặt câu hỏi là liệu ngoài sân bay có nguồn lây nhiễm nào trong cộng đồng hay không? Vì thế, trong thời gian rất ngắn, thành phố đã tăng tốc độ xét nghiệm, truy vết tối đa. Lợi ích của việc này là hạn chế số F1, F2 tăng lên, giúp phát hiện nhóm cộng đồng có nguy cơ từ người trong gia đình bệnh nhân cho đến những người tiếp xúc với họ.
Để yên tâm hơn, thành phố quyết định đưa nhóm này vào tập trung cách ly dù 2 lần xét nghiệm đều âm tính. Chi phí bỏ ra không nhỏ nhưng đây là việc cần phải làm để người dân yên tâm đón Tết.
Cùng với việc kiểm tra ở sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố cũng tiến hành rà soát ngẫu nhiên các điểm có nguy cơ cao. Bệnh viện là nơi đầu tiên được kiểm tra, tiếp theo đó là đến nhà ga, thậm chí các ngã tư, những nơi tụ tập đông người.
Thời điểm đó, nếu không có phân tích khoa học thì rất dễ lúng túng.
Là một nhà khoa học làm quản lý, có bao giờ các quyết định của ông bị tác động bởi dư luận xã hội không?
Nói là không thì không đúng, chúng tôi luôn luôn phải lắng nghe dư luận xã hội, người dân để có thể lường trước các nguy cơ, tuy nhiên thuần túy đi theo số đông thì chưa chắc đã đúng. Lãnh đạo thành phố trước khi đưa ra quyết định đều cân nhắc rất kỹ, tham vấn từ các chuyên gia, các nhà khoa học.
Riêng bản thân lãnh đạo phải chịu được áp lực dư luận xã hội để có đánh giá khách quan nhất, tư duy khoa học sẽ giúp mình làm được điều đó.
Quay lại ổ dịch Tân Sơn Nhất trước Tết Nguyên Đán, chúng tôi gặp áp lực dư luận đè nặng rằng tại sao thành phố chậm truy vết, tại sao không kết luận ai là F0? Tôi trả lời, F0 đã không còn quan trọng, quan trọng là không có F0 nào mới.
Đảm bảo an toàn cho người dân là mục tiêu quan trọng nhất
Trả lời câu hỏi thành phố có phong tỏa nếu dịch quay trở lại, ông Dương Anh Đức khẳng định ngay: Thành phố đã có kinh nghiệm để đảm bảo được mục tiêu kép. Chúng ta không cần phong tỏa rộng nữa mà điểm dịch ở đâu sẽ 'đánh thẳng vào đó...'
Là một đô thị sôi động nhưng những con đường sầm uất tại TP.HCM hiện đang vắng lặng, nhiều cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa. Nếu xuất hiện làn sóng dịch tiếp theo thì làm sao để kinh tế thành phố không tiếp tục tụt dốc?
Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thành phố quý 1/2021, TP.HCM dự thu là 1.300 tỷ đồng/ngày nhưng trên thực tế con số thực thu đạt 1.600 tỷ đồng/ngày.
Tuy nhiên, kỳ vọng kinh tế sớm khôi phục được như trước đây thì không thể trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp. Các khu vực sầm uất của thành phố đã có nhiều thay đổi tuy nhiên tình hình chưa hẳn đã xấu như những gì mà chúng ta nhìn thấy bề mặt.
Đã có một làn sóng chuyển đổi mô hình kinh tế, nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu thuê mặt bằng, điển hình như các doanh nghiệp KHCN. Cơ chế làm việc ở nhà - Work from home, văn phòng ảo như hiện nay đôi khi lại cần thiết hơn. Các hoạt động sản xuất kinh doanh đang quay trở lại với hình thái mới để thích nghi với dịch bệnh.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5 tạo ra làn sóng đi du lịch khắp đất nước, tuy nhiên điều đó mang đến rất nhiều nguy cơ khi một lượng lớn du khách tới TP.HCM cũng như việc người dân quay trở lại thành phố sau những ngày nghỉ. Thành phố đã chuẩn bị các phương án nào để đảm bảo an toàn cho dịp lễ này, thưa ông?
Đi du lịch vào dịp nghỉ lễ là một phần đời sống tinh thần của người dân. Thành phố có đủ mọi nguồn lực để phản ứng nhanh với các kịch bản có thể xảy ra. Tuy nhiên, trên hết vẫn là ý thức của người dân. Việc tuân thủ quy tắc phòng chống dịch, tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế không chỉ đảm bảo an toàn cho mỗi người mà còn đảm bảo an toàn cho cả cộng đồng.
Ông Dương Anh Đức khẳng định, thành phố có đủ mọi nguồn lực để phản ứng với các kịch bản có thể xảy ra. Ảnh: Cao Ngọc Minh
Các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch cũng cần phải tiết chế và phải đảm bảo các quy định, quy tắc phòng chống dịch. Nguy cơ có thể đến với bất kỳ ai, nếu một người bị nhiễm thì hàng triệu người sẽ ảnh hưởng theo. Vì vậy, ý thức của người dân vẫn là điều quan trọng nhất. Thông tin khai báo trung thực của người dân giúp giảm thiểu thời gian, giảm nguồn lực truy vết và đặc biệt là tạo tâm thế tự tin cho chính quyền trong phòng chống dịch.
Chống dịch là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên nếu không mở cửa bầu trời, ngành du lịch của thành phố khó có thể sớm phục hồi, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
Sau khi có kế hoạch tái mở cửa ngành du lịch, số lượng người nhiễm tại Thái Lan đang tăng chóng mặt. Đây là một điều chúng ta cần tham khảo.
Trong bối cảnh các nước đóng cửa, du lịch quốc tế bị đình trệ thì du lịch nội địa lại trở thành cứu cánh. Thông tin hiện nay cho thấy, các khách sạn ở Côn Đảo, Phú Quốc đã bán hết phòng, hãng hàng không cháy vé vào đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tốt, tuy nhiên chúng ta cũng thấy rõ rằng, du lịch thành phố đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các cơ sở lưu trú. Các khách sạn lớn, khách sạn 5 sao trước nay tập trung đón khách quốc tế, mặc dù họ đang phải thích nghi với tình hình mới nhưng nếu kéo dài thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Thành phố sẽ liên tục điều chỉnh chính sách làm sao tối ưu biện pháp phòng dịch để hạn chế ảnh hưởng tới kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thảo luận chính sách về hộ chiếu Covid-19 để hỗ trợ ngành du lịch.
Tuy nhiên, điều cần nhắc lại là chúng ta đặt mục tiêu kép nhưng mục tiêu đảm bảo an toàn cho người dân vẫn là trên hết.
Trong những ngày qua, nhiều công ty du lịch lữ hành tại TP.HCM khá bận rộn, thậm chí có nơi mở cửa đến tối để phục...