TP.HCM dự kiến sẽ hỗ trợ thù lao cho cá nhân đổi mới sáng tạo
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa có đề xuất chính sách hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án đổi mới sáng tạo.
Trưng bày robot tại Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Đức Lộc.
Chiều nay (15/8), Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức tọa đàm tham vấn ý kiến cộng đồng, về các dự thảo chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo mà TP.HCM có thể triển khai từ nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Theo bà Phan Thị Quý Trúc, phó trưởng phòng quản lý công nghệ và thị trường (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), chính sách sẽ hỗ trợ cho cá nhân, nhóm, doanh nghiệp có dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM.
Nhóm đối tượng khác sẽ được tham gia chính sách hỗ trợ không hoàn lại này bao gồm các tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trường đại học, viện nghiên cứu có hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và các tổ chức khác có liên quan trên địa bàn TP.HCM.
Các tiêu chí để được xét duyệt các dự án đổi mới sáng tạo khi tham gia chương trình bao gồm năng lực tổ chức thực hiện, hiệu quả kinh tế hoặc tác động xã hội; thị trường tiềm năng, ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh.
Kinh phí sẽ được hỗ trợ theo 2 nội dung. Thứ nhất là hỗ trợ thù lao cho cá nhân, nhóm cá nhân trực tiếp thực hiện dự án. Thứ hai là hỗ trợ chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án, chi phí thuê chuyên gia, chi phí sử dụng các dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp và chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật,…
Các dự án sẽ được phân thành 3 giai đoạn ứng với từng mức hỗ trợ cụ thể.
Ở giai đoạn tiền sáng tạo (giai đoạn hoàn thành ý tưởng từ hoạt động nghiên cứu sản phẩm, giải pháp), mức hỗ trợ không hoàn lại không quá 40 triệu đồng/dự án, thời gian không quá 6 tháng/dự án. Giai đoạn này tập trung vào các nghiên cứu, dự án xuất phát từ trường đại học.
Ở giai đoạn ươm tạo (giai đoạn phát triển sản phẩm), phần hỗ trợ không hoàn lại được đề xuất không quá 80 triệu đồng/dự án. Giai đoạn này nhắm đến các sản phẩm đã ra thị trường. Thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng.
Ở giai đoạn tăng tốc (sản phẩm có nhu cầu mở rộng thị trường), dự án sẽ được hỗ trợ không quá 400 triệu đồng/dự án trong thời gian không quá 12 tháng/dự án. Trong giai đoạn này, thành phố mong muốn có thể đồng hành cũng các quỹ ươm tạo khác.
Ông Nguyễn Việt Đức nêu góp ý tại tọa đàm - Ảnh: TRỌNG NHÂN.
Góp ý cho đề án, ông Nguyễn Việt Đức, Tổng giám đốc Công ty Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cho rằng, Sở Khoa học và Công nghệ có thể tính toán đưa ra những KPI (chỉ số đo lường hiệu quả) về số dự án sẽ tham gia chương trình trong từng năm. KPI sẽ giúp các đơn vị thực hiện có những mục tiêu cụ thể tiếp cận hỗ trợ được các dự án, đồng thời có số liệu để dễ tính toán hiệu quả chương trình.