TP.HCM: Đánh thức tiềm năng du lịch qua các sản phẩm đặc trưng từng vùng
Dựa vào thế mạnh từ tài nguyên lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp sẵn có, các quận, huyện cùng doanh nghiệp lữ hành TP.HCM thời gian qua cho ra những sản phẩm du lịch đặc sắc.
Nằm ở khu vực phía Đông của Thành phố, nối giữa hai quận lớn khác là Quận 1 và Quận 7 nhưng nhiều năm qua du lịch Quận 4 gần như "ngủ quên" trên bản đồ du lịch của Thành phố. Đánh thức tiềm năng du lịch, cuối tháng 6 vừa qua, UBND Quận 4 đã cho ra mắt sản phẩm sản phẩm du lịch "Quận 4 - Cù lao giữa lòng phố thị" với nhiều điểm đến nổi bật gắn liền với lịch sử với văn hóa nơi đây như: tham quan Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh, cầu Mống, trụ sở nước mắm Liên Thành, Đình Vĩnh Hội, Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà số 236 bến Vân Đồn phường 2 và du ngoạn trên sông Sài Gòn.
Du khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh trong tour "Quận 4 - Cù lao giữa lòng phố thị". Ảnh: Hữu Long
Đồng hành cùng cùng các trương trình ra mắt sản phẩm đặc trưng từng quận, huyện của Thành phố, anh Trần Quang Duy, CEO Công ty cổ phần Dịch vụ Lữ hành Chim Cánh Cụt cho biết, các sản phẩm du lịch của từng quận, huyện đều mang giá trị về văn hóa, lịch sử về các địa điểm di tích mà trước đây và ngay cả người dân sống ở quận, huyện đó cũng ít khi qua tâm đến. Do đó chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” như một chuyến đi nhắc nhớ mọi người về những câu chuyện lịch sử, văn hóa, ẩm thực khác nhau thông qua các địa điểm được tham quan, các hoạt động đổi mới, sáng tạo của Thành phố từ đó giúp mọi người am hiểu và yêu Thành phố của mình hơn.
Ngoài Quận 4, những quận “ít nổi bật” về du lịch của Thành phố như được “tô sáng” lên bằng các sản phẩm đặc trưng gắn liền với nét văn hóa địa phương, về bức tranh lịch sử được trải dài hàng ngàn năm qua của ông cha ta như: quận Gò Vấp có tour “Gò vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa”, huyện Hóc Môn và quận 12 có tour "Hóc Môn - Vùng đất lịch sử” và "Còn bao điều mới lạ”, quận 10 có tour du lịch "Một ngày du lịch - Dấu ấn quận 10”, quận 11 tour du lịch mua sắm, văn hóa - ẩm thực với việc giới thiệu chương trình du lịch “Có một Chợ lớn rất khác”, quận Tân Bình có tour “Tân Bình - Biết bao điều thú vị”, Quận 8 đã trình làng sản phẩm du lịch với tên gọi “Quận 8 - vùng đất của những câu chuyện”, Quận 1 có sản phẩm du lịch “Quận 1- sống động Sài Gòn”, “Ký ức biệt động Sài Gòn”; quận Tân Phú với mô hình “Tân Phú đi là nhớ”,...
Ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An - Cần Giờ đặc sản “3 không”: không khói bụi, không bến xe, không tệ nạn. Ảnh: Hữu Long
Đặc biệt, sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên của TP.HCM, du lịch cộng đồng tại đảoThiềng Liềng (huyện Cần Giờ) đã góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa và xây dựng sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng du khách trong và ngoài nước.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” là giải pháp sáng tạo của ngành du lịch TP.HCM nhằm huy động nguồn lực của các địa phương trong việc khai thác tài nguyên du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
"Hiện, sở đã hoàn thiện bộ sản phẩm du lịch trong 366 tài nguyên du lịch. Cuối năm 2022, Thành phố đã bổ sung 60 sản phẩm du lịch trong chương trình "Mỗi quận, huyện ít nhất có một sản phẩm du lịch đặc trưng" góp phần quan trọng đến sự phục hồi du lịch Thành phố, tăng doanh thu ngành du lịch", ông Hòa nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các sản phẩm này bước đầu thành công vì đã khởi xướng cho một trào lưu về trải nghiệm, khám phá du lịch thành phố với bao điều mới lạ. Ngay chính người dân của các địa phương cũng ngạc nhiên vì sự thú vị của những câu chuyện kể, nét đặc sắc của đa dạng điểm đến ngay trên vùng đất họ sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, về lâu dài, các sản phẩm du lịch quận, huyện còn rất nhiều việc phải làm mới nếu muốn thực sự thu hút và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân và địa phương.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing, Công ty du lịch TST Tourist cho rằng, liên kết đa ngành tạo chiều sâu và chất lượng sản phẩm sẽ giúp ngành Du lịch TP.HCM nâng tầm tính chuyên và khác biệt trong khai thác lợi thế cạnh tranh. Để hấp dẫn hơn nữa sản phẩm du lịch nội đô và xây dựng thương hiệu TP.HCM trở thành điểm đến ấn tượng, ngành Du lịch cần chuyên nghiệp hóa và đi vào chiều sâu sản phẩm du lịch liên quận, huyện và giữa các địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã chứng kiến một bước tiến vượt bậc trong ngành du lịch với 9 tỉnh, thành phố...