Tour xem World Cup 2022 cho người Việt giá 200 triệu đồng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Các công ty lữ hành bắt đầu khai thác sản phẩm outbound (du lịch nước ngoài) trở lại. Điều này hứa hẹn mang đến một năm 2022 sôi động cho ngành du lịch Việt.

Từ năm 2020, các tour đi nước ngoài trở thành điều xa vời với du khách Việt Nam vì chính sách đóng biên ngặt nghèo. Tình hình dịch phức tạp, phải cách ly quá nhiều nếu từ nước ngoài trở về... khiến các công ty lữ hành không mặn mà trong việc mở bán tour đi nước ngoài.

Chi trăm triệu đồng để đi nước ngoài

Theo khảo sát của phóng viên, các công ty lữ hành lớn ở Việt Nam đã rục rịch chuẩn bị hoặc mở bán các tour outbound ngay từ dịp Tết Nguyên đán này. Ví dụ, Vietravel đã tung ra gói tour đến bờ Tây nước Mỹ (giá khoảng 100 triệu đồng/người) và quốc đảo Maldives (giá khoảng 69 triệu đồng/người). Các tour này khởi hành từ mùng 3 Tết Âm lịch (3/2).

Tuy nhiên, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, nhấn mạnh các tour nước ngoài năm nay sẽ có giá tăng trên 30% so với thời gian trước dịch. Lý do là dịch vụ vé máy bay và khách sạn tại các nước đều tăng cao.

Tour xem World Cup 2022 cho người Việt giá 200 triệu đồng - 1

Tour xem World Cup 2022 có thể là sản phẩm được quan tâm bậc nhất dịp cuối năm. Ảnh: Goal.

Một trong những sản phẩm "hot" nhất công ty dự kiến tung ra trong năm nay là tour 5 ngày 4 đêm xem World Cup 2022 tại Qatar vào cuối năm với mức giá dự kiến 200 triệu đồng/người hoặc gói combo giá "mềm" hơn (chỉ gồm vé máy bay, phòng khách sạn 4 sao) giá khoảng 70 triệu đồng/người.

"Bên cạnh các tour khởi hành dịp Tết, chúng tôi còn mở bán tour Campuchia, châu Âu hay tour tham dự World Cup. Đây đều là những điểm đến có đường bay thuận tiện và nhận khách du lịch Việt Nam.

Nhu cầu đi nước ngoài của khách Việt Nam lúc này khá nhiều. Từ tháng 10/2021, khách hàng đã bắt đầu hỏi thăm thông tin các tour này", bà Khanh chia sẻ.

Dù chưa chính thức đưa ra các sản phẩm tour outbound, Flamingo Redtours cũng đang tích cực làm việc với đối tác để triển khai ngay khi thị trường này có dấu hiệu phục hồi.

Tour xem World Cup 2022 cho người Việt giá 200 triệu đồng - 2

Đại diện Flamingo Redtours làm việc cùng Tổng cục Du lịch Nhật Bản. Ảnh: Flamingo Redtours.

Bà Vũ Thị Huệ, đại diện truyền thông của công ty, nói: "Chúng tôi thường xuyên tham gia các chương trình hội thảo, hội chợ trực tuyến và cập nhật liên tục thông tin về chính sách, tuyến, điểm du lịch mới do các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) hay Singapore tổ chức".

Đại diện Flamingo Redtours dự đoán xu hướng khách đi tour outbound trong năm 2022 sẽ bắt đầu từ những chuyến công tác đến các điểm gần như Thái Lan, Singapore... sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản rồi mới tới các điểm xa như châu Âu, châu Mỹ.

Hiện tại, phía công ty cũng đang xem xét nhu cầu khách hàng để có lộ trình xây dựng sản phẩm phù hợp.

Chờ bùng nổ

Đa số đại diện các hãng lữ hành lớn đều khẳng định năm 2022 là thời điểm tốt để khởi động lại thị trường outbound đã "đóng băng" quá lâu.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong 2 năm qua, du lịch nội địa luôn đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, việc tiêm vaccine ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang ngày một phủ rộng hơn.

Đường bay quốc tế cũng từng bước được nối lại. Việt Nam đã đón những vị khách quốc tế đầu tiên vào cuối năm 2021 và dự kiến có thêm nhiều đoàn khác vào năm mới.

Mặt khác, chính sách cách ly hiện cũng "thoáng" hơn nhiều, tạo điều kiện để du khách Việt chịu bỏ tiền đi nước ngoài. Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ tháng 1, người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine Covid-19, xét nghiệm PCR âm tính sẽ chỉ phải cách ly tại nhà 3 ngày.

Tour xem World Cup 2022 cho người Việt giá 200 triệu đồng - 3

Tỷ lệ tiêm vaccine cao khiến việc mở bán các tour outbound thuận lợi hơn. Ảnh: BioPharma.

Trước kia, chính sách cách ly nghiêm ngặt và kéo dài (có khi tới 1-2 tuần) khiến nhiều người "ngại" đi nước ngoài vì sợ tốn quá nhiều thời gian.

"Du lịch quốc tế cần có sự phục hồi cân bằng ở cả mảng inbound (đưa khách nước ngoài đến Việt Nam) và outbound. Du lịch outbound hiện chưa có nhiều khởi sắc và cần thêm thời gian. Thị trường outbound chỉ có thể sôi động lại khi đạt được một số điều kiện nhất định.

Ví dụ, Chính phủ Việt Nam, các quốc gia trên thế giới thông qua việc mở cửa đón khách du lịch nước ngoài, tạo điều kiện cấp thị thực nhập cảnh cho du khách. Các hãng hàng không có thể mở lại những chuyến bay nối Việt Nam với nước khác...", bà Khanh nêu quan điểm.

Đại diện Vietravel cũng nói thêm việc mở cửa hàng không quốc tế lúc này vẫn rất chậm nên cần đẩy nhanh hơn nữa để giúp khôi phục nền kinh tế. Báo cáo của các tổ chức hàng không quốc tế cho thấy 70-80% du khách được hỏi trả lời sẽ du lịch bằng đường hàng không. Vì thế, việc chậm mở cửa hàng không sẽ kìm hãm ngành công nghiệp không khói sớm hồi phục.

Để khách không kẹt

Mắc kẹt nơi xứ người là nỗi ám ảnh của các du khách Việt Nam khi quyết định du lịch nước ngoài trở lại. Tình trạng này khá phổ biến vào đầu năm 2020, trước khi đường biên giới giữa Việt Nam và các nước dần đóng lại. Nhiều du khách mua tour nước ngoài hoặc đi tự túc đã bị kẹt lại và phải chờ đợi các chuyến bay giải cứu.

Tour xem World Cup 2022 cho người Việt giá 200 triệu đồng - 4

Phải chờ chuyến bay giải cứu là nỗi ám ảnh với du khách. Ảnh: Ngọc Tân.

Chia sẻ với Zing, phía Vietravel xác nhận việc sợ mắc kẹt vẫn là điều khiến du khách băn khoăn. Ngoài ra, thông tin liên quan đến bảo hiểm hay quy trình đảm bảo an toàn dịch bệnh tại điểm đến cũng được quan tâm hàng đầu.

"Về trường hợp bất khả kháng, đối với tour không thể khởi hành hoặc khách bị mắc kẹt, tùy trường hợp cụ thể chúng tôi sẽ có hướng giải quyết phù hợp. Công ty sẽ phối hợp với Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại điểm đến để đảm bảo an toàn, cũng như tranh chóng hỗ trợ cho khách hàng trở về trong thời gian sớm nhất", bà Khanh thông tin.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Anh Tú (Zing News)

CLIP HOT